|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá heo giống nhích lên 1,5 triệu/con, nông dân không dám 'đi trước đón đầu'

15:59 | 03/11/2021
Chia sẻ
Giá heo hơi tăng trở lại nhưng nông dân vẫn không mặn với việc tái đàn mà vì e ngại nếu "đi trước đón đầu", rất có thể sẽ thêm một lần chịu lỗ khi giá heo lao dốc.

Thị trường heo giống bắt đầu ấm lên

Cú đảo chiều giá heo hơi từ vùng đáy 30.000 – 33.000 đồng/kg lên 48.000 – 53.000 đồng/kg đã giúp thị trường heo giống bắt đầu ấm lên.

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Văn Hưởng, Giám đốc HTX Đồng Tiến (Đăk Nông), cho biết khoảng một tuần trở lại đây, giá heo giống tăng từ 1 – 1,2 triệu đồng/con lên 1,5 triệu đồng/con (10 kg). Mỗi ngày HTX túc tắc bán vài chục con, trung bình xuất 1.000 con/tháng.

Mặc dù vậy so với năm ngoái, lượng heo giống bán ra năm nay giảm một nửa, cả về lượng và giá. Giá bán heo giống năm 2020 trung bình 2,5 - 3 triệu đồng/con và mỗi tháng công ty ông xuất bán 2.500 con.

Giá heo giống nhích lên 1,5 triệu/con, nông dân không dám 'đi trước đón đầu' - Ảnh 1.

Nguồn: Hoàng Anh tổng hợp.

Cũng trong tháng 10, phân khúc heo hậu bị, giống ông bà, bố mẹ cũng có những biến động nhẹ. Trong vòng 4 ngày, từ 21/10 đến 24/10, Công ty TNHH heo giống hạt nhân Dabaco có 3 lần cập nhật giá heo hậu bị trên fanpage.

Cụ thể, heo hậu bị bố mẹ cỡ lớn giá tăng dần từ mức 40.000 đồng lên 50.000 đồng/kg cộng thêm phí chọn giống 2,5 triệu đồng/con. 

Trong khi đó, heo hậu bị bố mẹ 10 - 15 kg vẫn ổn định ở mức 4 triệu đồng/con. Heo hậu bị ông bà giá 70.000 đồng/kg cộng thêm phí chọn giống 4 triệu đồng/con.

Các mức giá này đều giảm từ 45% đến 75% so với cùng kỳ năm ngoái, tuỳ từng loại.

So sánh báo giá heo hậu bị của công ty TNHH heo giống hạt nhân Dabaco. (Ảnh: Fanpage của công ty)

Trao đổi với người viết, ông Trần Xuân Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH heo giống hạt nhân Dabaco, cho biết trong hai tuần cuối tháng 10, giá heo hơi có đảo chiều khiến giá heo hậu bị cũng thay đổi liên tục.

"Chúng tôi vẫn xuất đều đặn 1.000 – 1.500 con heo hậu bị mỗi tháng. Đồng thời, Tập đoàn kế hoạch sản xuất và nhiều trại giống vệ tinh để luân chuyển, đều tiết nên không xảy ra ứ đọng. Giá heo hậu bị điều chỉnh theo cơ chế thị trường và giá niêm yết theo bảng giá công khai", ông Mạnh nói.

Trước đó, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết tổng đàn heo vẫn duy trì 28 triệu con trong đó có gần 3 triệu nái.

Với cơ cấu này, nước ta có thể chủ động nguồn thực phẩm cho dịp cuối năm và lượng heo giống cho người dân tái đàn. Nếu không có những biến động bất thường, kể cả giá heo hơi và heo giống đều ở mức ổn định, không xảy ra bão giá như năm 2020.

Người nuôi không dám "đi trước đón đầu", trại giống đổi chiến thuật

Trước những khởi sắc của giá heo hơi, nhiều bà con chăn nuôi khá phấn khởi, song vẫn chưa dám tái đàn vì tình hình dịch COVID-19 còn phức tạp, nhu cầu tiêu thụ khó dự đoán.

"Dù giá heo tăng trở lại nhưng người dân vẫn đang thăm dò vì dù bây giờ nuôi cũng phải tháng 2,3 âm lịch mới đủ cân xuất chuồng", ông Hương - Giám đốc HTX Đồng Tiến nói.

Với hộ chăn nuôi chuyên nghiệp, an toàn sinh học như HTX Đồng Tiến, giá heo giống về mức 1,5 triệu đồng/kg là vừa điểm hòa vốn. Tuy nhiên, nếu giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao, giá heo hơi chỉ dậm chân tại chỗ khoảng 45.000 – 50.000 đồng/kg thì người chăn nuôi nhỏ lẻ chưa có lãi.

Giá heo giống nhích lên 1,5 triệu/con, nông dân không dám "đi trước, đón đầu" - Ảnh 1.

Thị trường heo giống ấm lên, giá tăng 1,5 triệu đồng/con 10 kg. (Ảnh: Cagrill)

Chia sẻ với báo Bạc Liêu, bà Nguyễn Thị Út Em cho biết: "Nghe giá heo tăng, bà con chăn nuôi trong xóm ai cũng phấn khởi. Thế nhưng nhiều người vẫn chưa dám tăng đàn mà chỉ nuôi cầm chừng. Nếu cứ tính theo kiểu "đi trước đón đầu" không khéo lại phải chịu lỗ như những tháng trước khi giá heo lao dốc".

Đến thời điểm này, giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao, "bật vô âm tín" dù có nhiều thông tin về giảm thuế nhập khẩu thức ăn chăn nuôi.

Thậm chí, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước có thể điều chỉnh tăng giá bán khoảng 1 - 2 đợt vì lý do chi phí vận chuyển tăng 200 – 300% so với trước đây.

Bên cạnh đó, dịch tả heo châu Phi tái bùng phát ở một số địa phương như Đăk Nông khiến người nông dân phải cân nhắc cẩn thận về tình hình, điều kiện chăn nuôi trước khi tái đàn, nếu không có thể bất cả chì lẫn chài.

"Làm kinh doanh, ai cũng mong đẩy nhanh, đẩy mạnh hàng đi với giá tốt nhưng thực sự tôi không dám bán heo giống cho các hộ nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn sinh học. Đợt dịch ASF vừa qua, 90% chăn nuôi nông hộ ở khu vực tôi bị xóa xổ. Nên tôi kén, chỉ bán cho người chăn nuôi chuyên nghiệp", ông Hưởng lo lắng.

Ngay cả với HTX chuyên bán heo giống như Đồng Tiến, các hộ kinh doanh cũng đang phải tìm cách đổi chiến thuật kinh doanh nhằm tăng lợi nhuận. 

Ông Hưởng cho biết khi giá heo hơi tăng đỉnh, người dân ồ ạt tái đàn, bán heo giống thu lãi đậm nhưng khi thị trường heo u ám, giá heo giống lại rớt thảm hại, bán không ai mua. "Chỉ trong quý II, HTX chúng tôi lỗ 1,8 tỷ đồng một phần do dịch bệnh kép, một phần do bị động đầu ra", ông chia sẻ.

Do đó, để tính kế đường dài, HTX đang muốn mở rộng trang trại nuôi heo thịt, liên kết với chợ đầu mối, siêu thị để chủ động đầu ra trong mọi hoàn cảnh. "Chỉ cần giá heo ổn định ở mức 60.000 đồng/kg, chúng tôi có thể thu lãi ít, nhưng đều đặn", ông Hưởng nói.

Với kinh nghiệm chăn nuôi khép kín, an toàn sinh học trong nhiều năm, ông Hưởng cho rằng việc mở rộng sản xuất là không quá khó. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng có nhiều chính sách ưu đãi, mời vay vốn nên HTX quá chật vật về tài chính. 

Hoàng Anh