|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chi phí thức ăn chăn nuôi tăng, doanh nghiệp theo chuỗi cũng lỗ nặng

05:00 | 31/10/2021
Chia sẻ
Việc giá bán của các sản phẩm chăn nuôi thấp hơn giá thành khiến doanh nghiệp chịu tổn thất nặng nề. Nguyên nhân là chi phí đầu vào tăng trong khi giá bán sản phẩm vẫn dậm chân tại chỗ, thậm chí đi lùi.

Giá heo hơi vừa thực hiện cú lội ngược dòng ngoạn mục khi từ mức đáy 30.000 – 35.000 đồng/kg tăng bật lên 45.000 - 48.000 đồng/kg trong vòng 10 ngày.

Tuy nhiên, trong ngày 29 – 30/10, giá heo bắt đầu có xu hướng chững lại, giảm 3.000 – 4.000 đồng/kg. Như vậy, giá heo hơi tăng nhanh nhưng cũng giảm nhanh, đà tăng trưởng không bền vững.

Chi phí thức ăn chăn nuôi tăng, doanh nghiệp theo chuỗi cũng lỗ nặng - Ảnh 1.

Số liệu: Tổng hợp (Biểu đồ: Hoàng Anh).

Một số chuyên gia cho rằng những biến động thất thường của thị trường heo hơi trong thời gian gần đây là  tăng giá ảo, các doanh nghiệp làm giá nhằm "xả" đàn heo quá lứa.

Giá thịt heo vẫn ở mức thấp trong khi giá thịt ở chợ dân sinh dao động 70.000 – 110.000 đồng/kg, siêu thị 110.000 – 220.000 đồng/kg tùy loại. Dù giá thịt giảm nhẹ so với 1 đến 2 tháng trước song vẫn ở mức cao.

Tại diễn đàn chia sẻ thông tin, kết nối giao thương về sản phẩm chăn nuôi, GS. Lã Văn Kính, Phó Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi còn chỉ ra thực trạng về sự bất hợp lý trong phân bổ lợi ích của chuỗi sản xuất chăn nuôi, trong đó nông dân là đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương nhất.

"Đầu vào của người chăn nuôi do các công ty quyết định, còn đầu ra lại do người mua quyết định. Có thể nói, người chăn nuôi đang không có quyền gì", ông Kính nói.

Giá sản phẩm chăn nuôi giảm mạnh, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, ít vốn lỗ là điều dễ hiểu. Song, ngay cả những doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi cũng khó cầm cự nếu khó khăn chồng chất khó khăn.

Ông Lê Thanh Phương, Giám đốc Công ty TNHH Emivest Việt Nam cho biết hiện giá bán heo đang thấp hơn giá thành khoảng 20.000 đồng/kg. Giá bán gà lông trắng, gà lông màu đều dưới giá thành khoảng 10.000 đồng/kg.

Ngay cả trứng gà, mặt hàng từng nổi lên cơn sốt giá khi TP HCM đóng cửa nay cũng rớt giá chỉ còn 1.250 đồng/quả, thấp hơn giá thành 600 đồng/quả.

Những doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi khép kín như Emivest với hệ thống sản xuất cám, thuốc thú ý, giống gà, heo cũng đang rơi vào tình thế khó khăn.

"Mỗi ngày, doanh nghiệp cung cấp ra thị trường 100.000 con gà các loại, 2.000 con heo và hơn 1 triệu quả trứng.

Việc giá bán của các sản phẩm chăn nuôi thấp hơn giá thành khiến doanh nghiệp chịu tổn thất nặng nề", ông Phương nói.

Chi phí thức ăn chăn nuôi tăng, doanh nghiệp theo chuỗi cũng lỗ nặng - Ảnh 2.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã khiến lợi nhuận của doanh nghiệp sụt giảm. (Ảnh: Eurofins)

Một loạt nguyên nhân khiến doanh nghiệp lớn cũng rơi vào cảnh bi đát là giá thức ăn gia súc tăng hơn 30% và chưa có xu hướng hạ nhiệt.

Bên cạnh đó, mọi chi phí cho công nhân, đầu tư an toàn sinh học, phòng bệnh cũng tăng trong khi giá bán vẫn dậm chậm tại chỗ, thậm chí đi lùi.

Do đó, ông Kính cho rằng các cơ quan chức năng cần vào cuộc để cân đối được lợi nhuận cho các khâu tham gia vào chuỗi sản xuất chăn nuôi.

Vị này đưa ra ví dụ ở Đài Loan, các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi không được tự quyết giá cả mà chịu sự kiểm soát của cơ quan quản lý.

"Nếu muốn tăng giá họ phải xin phép và chứng minh được giá đầu vào, chi phí tăng nên mới phải điều chỉnh giá và khi được cơ quan quản lý cho phép mới được tăng giá bán sản phẩm", ông Kính cho hay.

Một vấn đề nữa mà ông Lã Văn Kính đề cập là giá thành chăn nuôi ở Việt Nam vẫn ở mức cao so với thế giới, điều đó đặt ra nghi vấn việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất chưa được nhiều.

Đại diện Hiệp hội thức ăn chăn nuôi cũng đề xuất Bộ Công Thương quan tâm đến công tác quản lý giá để hài hòa lợi ích giữa các khâu sản xuất – phân phối – tiêu dùng.

Hoàng Anh