|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Việt Nam chi gần 7 tỷ USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trong 9 tháng

07:56 | 19/10/2023
Chia sẻ
Mỗi năm, ngành chăn nuôi của Việt Nam cần khoảng 33 triệu tấn/năm nguyên liệu phục vụ cho sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm. Trong đó, 65% nguồn cung là nhập khẩu.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy 9 tháng năm 2023, Việt Nam chi gần 6,8 tỷ USD cho nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu chính, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, kim ngạch nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt 3,8 tỷ USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2022. Nhập khẩu ngô và đậu tương lần lượt ở mức 2 tỷ USD và 934 triệu USD, giảm 14% và giảm 4% so với cùng kỳ.

 

Cục Chăn nuôi cho biết tổng nhu cầu thức ăn tinh (ngô, khô dầu các loại, cám các loại, bột cá…) của toàn ngành chăn nuôi của Việt Nam khoảng 33 triệu tấn/năm, chủ yếu dùng cho chăn nuôi heo và gia cầm.

Để đáp ứng nhu cầu này, Việt Nam cần số lượng rất lớn nguyên liệu thức ăn tinh, trong khi năng lực sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 13 triệu tấn/năm, chiếm khoảng 35% tổng nhu cầu, số còn lại từ nguồn nhập khẩu.

Các sản phẩm chính của ngành trồng trọt có thể sử dụng làm thức ăn chăn nuôi gồm 42,8 triệu tấn thóc (chủ yếu dùng tấm, cám); 4,6 triệu tấn ngô hạt; 10,5 triệu tấn sắn tươi; 65.400 tấn đậu tương.

Đối với chất phụ gia và thức ăn bổ sung chính như vitamin, axit amin..., Việt Nam phải nhập khẩu tới 80% do không có công nghệ sản xuất, thị trường tiêu thụ nhỏ nên không thu hút được đầu tư.

Hiện nay, các doanh nghiệp trong nước chỉ sản xuất được một lượng nhỏ thức ăn bổ sung khoáng, chế phẩm vi sinh và thảo dược.

Theo Cục Chăn nuôi, cả nước hiện có 269 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp dạng hỗn hợp hoàn chỉnh với tổng công suất thiết kế đạt 43,2 triệu tấn.

Trong đó, 90 nhà máy thuộc sở hữu của doanh nghiệp FDI, chiếm 51% về công suất thiết kế, còn lại 179 nhà máy thuộc doanh nghiệp trong nước, chiếm gần 49% về công suất.

Sở NN&PTNT tỉnh An Giang phản ánh thời gian qua, ảnh hưởng của bệnh dịch tả heo châu Phi và các loại dịch bệnh khác khiến các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi không tiêu thụ được sản phẩm nên chuyển sang thuê địa điểm, thuê nuôi gia công với số lượng lớn.

Làn sóng đầu tư này đã điều tiết giá sản phẩm chăn nuôi tại thị trường trong nước, nhất là giá thịt heo và thịt gia cầm.

Hoàng Anh