Biên lợi nhuận doanh nghiệp chăn nuôi nửa cuối năm có thể cải thiện nhờ giá heo hơi tăng, thức ăn chăn nuôi giảm
Giá heo hơi nhích nhẹ, kết quả kinh doanh vẫn chưa khởi sắc
Sau khi chạm đáy 47.000 đồng/kg vào cuối quý I, giá heo hơi trong quý II đã bước vào chu kỳ tăng, đặc biệt từ giữa tháng 5 đến hết tháng 6, giá mặt hàng này đã tiến thẳng từ mốc 56.000 đồng/kg lên 65.000 đồng/kg.
Tuy vậy, bình quân giá heo hơi trong cả quý II chỉ dao động trong mức 56.000 – 57.500 đồng/kg, nhích nhẹ 12-15% so với mức 50.000 đồng/kg của quý I. Mức giá tiệm cận giá vốn này chưa đủ giúp lợi nhuận của doanh nghiệp chăn nuôi tốt hơn so với cùng kỳ.
Thống kê kết quả kinh doanh của 5 doanh nghiệp chăn nuôi niêm yết cho thấy 4/5 công ty ghi nhuận lợi nhuận quý II giảm.
Điển hình như CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam (Mã: BAF), công ty ghi nhận doanh thu thuần quý II đạt hơn 1.638 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2022, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế lại lao dốc 70%, xuống còn 12,2 tỷ.
Biên lợi nhuận gộp quý II của Nông nghiệp BaF ở mức 6,2%, giảm nhẹ so với mức 7,7% của quý I nhưng nhỉnh hơn mức 4,1% của quý II/2022.
Phía công ty BaF lý giải, lợi nhuận quý II sụt giảm do quá trình cắt giảm hoạt động kinh doanh nông sản theo lộ trình để tập trung vào hoạt động chăn nuôi chuỗi khép kín (3F – Feed-Farm-Food).
Bên cạnh đó, giá heo đã có dấu hiệu hồi phục ở cuối quý II, tuy nhiên sản lượng heo bán ra chưa tăng tương ứng với quy mô đàn, nhiều trại heo chỉ mới được đưa vào vận hành trong năm nay. Mặt khác, công ty cũng giữ lại được lượng heo cai sữa để nuôi bán thịt, thay vì phải bán ra như trước đây.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của BaF đạt 2.455 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2022, hoàn thành 33% kế hoạch năm. Trong đó doanh thu mảng chăn nuôi đạt khoảng 588 tỷ đồng, chiếm khoảng 24% tổng doanh thu nửa đầu năm 2023.
Nếu tính riêng mảng chăn nuôi, biên lợi nhuận của doanh nghiệp bán “thịt heo ăn chay” này trong nửa đầu năm 2023 ở mức 20,75%, khá cao so với mặt bằng chung. Tuy nhiên, sản lượng heo bán ra chưa nhiều nên mảng này chưa đóng góp nhiều trong việc cải thiện biên lợi nhuận.
Kết thúc 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của BaF đạt 16 tỷ đồng, giảm 88% so với cùng kỳ năm 2022 và chỉ hoàn thành 5% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Tương tự như BaF, lợi nhuận của các doanh nghiệp chăn nuôi khác như CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã: HAG), CTCP Masan MEATLife (Mã: MML) vẫn ghi nhận đi xuống so với cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, CTCP Tập đoàn Dabaco (Mã: DBC) là cái tên duy nhất trong loạt doanh nghiệp chăn nuôi ghi nhận lãi trong quý II.
Theo đó, doanh thu thuần của Dabaco trong quý này đạt với 3.473 tỷ đồng, tăng 17% so với quý II/2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 327 tỷ đồng, gấp gần 23 lần cùng kỳ năm ngoái. Biên lãi gộp quý này đạt 19,1%, tăng mạnh so với mức 9,6% của quý II/2022.
Dabaco cho biết quý II năm nay, giá một số nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước và nhập khẩu giảm, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm từng bước được kiểm soát, giá lợn hơi tăng dần, theo đó kết quả sản xuất kinh doanh của lĩnh vực thức ăn chăn nuôi và kết quả của các công ty chăn nuôi tốt hơn so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, công ty ghi nhận doanh thu và lợi nhuận bất động sản với 754 tỷ đồng trong quý II, trong khi quý đầu năm chưa ghi nhận, đây là nguồn thu từ dự án chung cư cao cấp Parkview tại thành phố Bắc Ninh của công ty.
Luỹ kế 6 tháng, doanh thu thuần công ty đạt 5.787 tỷ đồng, tăng nhẹ gần 15 tỷ so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán thành phẩm sản xuất đạt 4.880 tỷ đồng, chiếm khoảng 84% tổng doanh thu và biên lợi nhuận ở mức 8,9%, giảm nhẹ so với mức 11,1% của 6 tháng năm 2022.
Sau khi cân bằng khoản lỗ 321 tỷ đồng của quý I, Dabaco chỉ còn lãi sau thuế 6 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023, giảm 74% so với cùng kỳ năm 2022. Tính đến hết tháng 6, Dabaco mới hoàn thành 24% kế hoạch doanh thu và 1% chỉ tiêu lợi nhuận, điều này có nghĩa áp lực cho nửa cuối năm 2023 sẽ nặng nề hơn.
Giai đoạn 2020 đến nay, biên lợi nhuận của doanh nghiệp chăn nuôi biến động mạnh, lên xuống hình sin khi ngành liên tục phải đối mặt với những “cú sốc” như dịch COVID-19, biến động giá thức ăn chăn nuôi, dư cung và tác động của suy thoái kinh tế…
Tuy nhiên có một doanh nghiệp duy trì được biên lợi nhuận theo quý ổn định trong mức 18,9% - 25,9% trong chu kỳ khá dài, đó là CTCP Việt Nam Kỹ Nghệ Súc sản (Vissan, Mã: VSN).
Sở dĩ, Vissan có thể duy trì được biên lợi nhuận gộp ở mức ổn định trong thời gian dài bởi bên cạnh việc cung cấp thịt heo, thịt bò tươi, công ty này còn tập trung cho mảng thực phẩm chế biến. Do vậy, khi giá heo hơi ở mức thấp, công ty này có thể hưởng lợi nhờ giá vốn rẻ.
Báo cáo thường niên 2022 của Vissan không nêu rõ thị phần của các sản phẩm chế biến, song từ năm 2020, doanh nghiệp này đã chiếm lĩnh 65% thị phần xúc xích tiệt trùng, 70% thị phần lạp xưởng, 20% đồ hộp tại thị trường nội địa…
Nhiều yếu tố hỗ trợ biên lợi nhuận doanh nghiệp vào nửa cuối năm
Ngay từ cuối quý II, giá heo hơi đã bắt đầu nhích lên nhẹ nhưng phải bước sang đầu quý III, mức tăng mạnh và nhanh hơn, có thời điểm giá heo đã chạm mốc 70.000 đồng/kg. Tính đến ngày 14/8, giá heo hơi ba miền đang dao động 59.000 – 63.000 đồng/kg, tăng 20-26% so với đầu năm.
Trong báo cáo ngành chăn nuôi heo của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Vietcombank (VCBS) cho biết lạm phát hạ nhiệt từ cuối tháng 3, chi tiêu người dân có thể sớm phục hồi. Bên cạnh đó, nguồn cung nội địa cuối năm có thể sụt giảm mạnh trong bối cảnh giá heo giảm, giá thức ăn chăn nuôi neo ở mức cao khiến các hộ chăn nuôi e ngại tái đàn.
“Nguồn cung đang sụt giảm và sức mua tăng trở lại có thể giúp giá thịt heo tăng trở lại vào khoảng tháng 8. Nhờ đó, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp chăn nuôi heo được cải thiện 6-14% qua các năm”, VCBS cho biết.
Bên cạnh động lực chính là giá heo đi lên, việc giá thức ăn chăn nuôi đang hạ nhiệt cũng là một yếu tố hỗ trợ cho biên lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Báo cáo mới nhất của Cục Chăn nuôi cho thấy 6 tháng đầu năm, giá một số nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi đang có xu hướng hạ nhiệt. Cụ thể, giá ngô hạt giảm nhiều nhất với 4%; Lysine HCl giảm 19%; cám gạo chiết ly giảm 0,5%; giá DDGS (phụ phẩm của quá trình sản xuất ethanol) giảm 0,2%; Duy chỉ có giá khô dầu đậu vẫn tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Cục Chăn nuôi nhận định giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm mới bắt đầu giảm kể từ tháng 3 cho đến nay, do vậy mức giá bình quân 6 tháng đầu năm 2023 vẫn cao hơn 1,1-2,1% so với năm 2022. Giá nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi thành phẩm đang có xu hướng giảm từ nay tới cuối năm 2023 và đầu năm 2024.
Ông Nguyễn Văn Trọng, nguyên Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ khởi sắc trong giai đoạn nửa cuối năm, nông dân và trang trại nhỏ không có hàng bán ra thị trường, nguồn cung chủ yếu đến từ các doanh nghiệp lớn.
Với giá thành nuôi heo khoảng 52.000 – 55.000 đồng/kg, các doanh nghiệp sẽ hưởng lợi nhiều trong cuộc đua về đích năm 2023.