Chăn nuôi heo nhỏ lẻ có nguy cơ mất dần thị phần vào tay các ông lớn
Khi còn đàn thì giá giảm, giá heo hơi tăng lại không có hàng để bán
Trong báo cáo mới đây, Cục Xuất khẩu (Bộ Công Thương) cho biết tháng 5, giá heo hơi trên cả nước có xu hướng tăng mạnh 7.000 đồng/kg, lên khoảng 61.000 đồng/kg. Đến đầu tháng 6 giá heo hơi điều chỉnh nhẹ xuống khoảng 59.000 - 60.000 đồng/kg.
Xu hướng tăng giá bắt đầu từ cuối tháng 3 nhờ động lực từ việc lượng heo bán tháo ra thị trường do ảnh hưởng từ dịch tả heo châu Phi (ASF) giảm dần.Đồng thời lo ngại về vấn đề dư thừa nguồn cung đã lắng xuống khi các hộ nông dân ngừng hoạt động tái đàn và các doanh nghiệp chăn nuôi lớn chưa có kế hoạch mở rộng quy mô đàn heo.
Giá heo hơi được dự báo sẽ còn tăng hơn trong thời gian tới do nguồn cung giảm sút khi bị ảnh hưởng hưởng bởi dịch tả heo Châu Phi và người dân bỏ đàn.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cho rằng khi giá heo hơi tăng trở lại, nhiều người chăn nuôi, đặc biệt là các hộ nhỏ lẻ sẽ không được hưởng lợi vì không còn heo để bán.
Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (Mã: BAF) lý giải với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, áp dụng quy trình nuôi khép kín đồng thời có tiềm lực về tài chính có thể duy trì đàn heo của mình ngay cả khi có dịch hoặc giá thấp. Trong khi các hộ dân nhỏ lẻ thì lại không thể giữ đàn vì không đảm bảo được an toàn dịch bệnh và cũng không có vốn khi giá heo hơi xuống dưới giá thành sản xuất.
“Khi giá thấp hay giá cao, các doanh nghiệp chăn nuôi vẫn tiếp tục duy trì hoạt động tái đàn. Quan trọng là giá bán trung bình cao hơn giá thành sản xuất. Còn với hộ dân nhỏ lẻ, thường khi dịch bệnh xảy ra, đàn heo rất dễ nhiễm và tỷ lệ chết cao. Ngoài ra, khi giá thấp họ phải bán cắt lỗ và không có vốn để tiếp tục tái đàn”, ông Bá nói.
Ông nói thêm đây cũng chính là lý do khiến nguồn cung thiếu hụt và giá heo hơi tăng lên. Tuy nhiên, khi giá tăng người dân nhỏ lẻ lại không có heo để bán hoặc những hộ còn heo thì cũng không có giá trung bình tốt. Đây cũng là lý do tại sao người dân luôn bán heo ở giá đáy, khoảng 49.000 - 50.000 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Văn Trọng, nguyên Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, giá thành của doanh nghiệp khoảng 50.000 – 52.000 đồng/kg, nông hộ dao động 54.000 – 60.000 đồng/kg.
Như vậy với giá heo hơi khoảng 61.000 đồng/kg thời gian qua, cả người chăn nuôi nhỏ lẻ và doanh nghiệp chăn nuôi chuyên nghiệp hiện đã bắt đầu có lời có lời.
Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, tính đến hết tháng 5, tổng đàn heo cả nước tăng 2,6% so với cùng thời điểm năm 2022. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp lớn cho rằng con số về đàn heo thực tế giảm mạnh.
Theo nhận định của BAF, hiện tại, tổng đàn của Việt Nam bị mất khoảng 20-25% so với bình thường dựa trên số liệu doanh số bán thức ăn chăn nuôi, heo giống của các doanh nghiệp, thú y, đàn heo của dân. Do đó, giá heo hơi đang trong quá trình hồi phục vì nguồn cung dài hạn đã giảm nhiều do dịch tả heo càn quét tổng đàn.
Theo ông Nguyễn Như So Chủ tịch CTCP Tập đoàn Dabaco, tổng đàn heo hơi thời gian qua đã giảm nhiều do dịch bệnh kèm với giá heo hơi thấp khiến nhiều người bỏ chuồng. Trước đây, tổng đàn heo cả nước khoảng 28 - 29 triệu là đủ cho cung cấp, hiện giờ chỉ 23 triệu con nhưng sức mua lại giảm.
Dịch tả heo Châu Phi là một thách thức cho các công ty chăn nuôi, đặc biệt, với chăn nuôi nhỏ lẻ. Trong báo cáo cập nhật mới đây, Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC Research) cho biết theo thống kê, 4 tháng đầu năm, cả nước phát hiện 104 ổ dịch tả heo châu Phi tại 26 tỉnh, thành phố được báo cáo với quy mô trên 4.073 con heo mắc bệnh, chết và bị tiêu hủy.
Quy mô dịch bệnh 4 tháng đầu năm nay tương đương 20,4% số ổ dịch tả heo được phát hiện và bằng 18,9% số heo bệnh và tiêu hủy của cả năm 2022. Trong đó, Việt Nam là một trong số các nước trong khu vực dịch bùng phát sớm và mạnh nhất Châu Á.
Thị phần heo của các hộ nhỏ lẻ thu hẹp dần
Trước đây, tỷ trọng chăn nuôi nông hộ chiếm tới 70% nguồn cung thịt heo tuy nhiên con số này hiện đã co hẹp xuống còn khoảng 50%.
Tuy nhiên, theo ông Bá, trong tương lai, tỷ trọng này sẽ co hẹp xuống còn 20 - 30% và đây là cơ hội cho chăn nuôi công nghiệp phát triển.
“Chúng tôi đang tận dụng cơ hội này, đón sóng chăn nuôi nhỏ lẻ giảm. BAF không hướng tới cạnh tranh gay gắt với phân khúc doanh nghiệp FDI. Nhiều người cho rằng chúng tôi cạnh tranh với FDI nhưng không phải, chúng tôi đang lấy thị phần mà các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Cho đến khi nào lấy hết rồi thì mới thực sự cạnh tranh với phân khúc bên trên”, ông Bá cho biết.
Theo ông không chỉ BAF mà nhiều doanh nghiệp khác cũng đang tận dụng làn sóng này để giành giật thị phần. Trong kịch bản tỷ trọng các hộ nuôi nhỏ lẻ giảm về 30% thì dư địa để các doanh nghiệp mở rộng thêm đàn tương đương với khoảng 10 triệu con.
“Trong 7 - 10 năm nữa, cạnh tranh chăn nuôi công nghiệp sẽ rất khốc liệt”, ông Bá nhận định.
Trong báo cáo mới đây, Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư của CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng mô hình chăn nuôi hiện đại của các doanh nghiệp lớn như Dabaco có thể tiếp tục giành thị phần từ mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, truyền thống nhờ có chi phí sản xuất cạnh tranh, vốn lưu động dồi dào để ứng phó với các giai đoạn bất lợi. Đồng thời, các công ty con có thể hoàn thiện chuỗi giá trị trong tương lai.
Bên cạnh yếu tố thị trường, Luật Chăn nuôi mới có hiệu lực từ năm 2020 cũng đặt ra những thách thức đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Theo đó, luật nghiêm cấm hành vi chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư. Việc di dời một trang trại chăn nuôi không hề đơn giản, vì liên quan đến quy hoạch, quỹ đất, hạ tầng và vốn đầu tư. Trong khi đó, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thường có tính phân tán, hiện vẫn xen lẫn trong các khu vực đông dân cư.
Theo quy định của Luật, các địa phương có 5 năm kể từ khi Luật có hiệu lực, tức là đến ngày 1/1/2025 các cơ sở chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư sẽ phải di dời.