Hơn 200 doanh nghiệp trên sàn thua lỗ quý I: Chăn nuôi lao đao, khó khăn tiếp tục bủa vây ngành bất động sản và xây dựng
Theo WiGroup, tính đến ngày 4/5, có 209 doanh nghiệp trong tổng 965 đơn vị được thống kê trên cả ba sàn (UPCoM, HNX và HOSE) báo lỗ quý I/2023.
Doanh nghiệp bất động sản, xây dựng khốn đốn
Những khó khăn từ các quý trước tiếp tục đeo bám doanh nghiệp bất động sản. Trong đó, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland - Mã: NVL) lần đầu tiên báo lỗ ròng với 377 tỷ đồng (cùng kỳ lãi ròng hơn 1.079 tỷ đồng).
Trong bối cảnh thị trường gần như nguội lạnh, Novaland ghi nhận doanh thu thấp kỷ lục, trên 604 tỷ đồng, được ghi nhận từ việc bàn giao tại các dự án như NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram, Aqua City, Palm City, Saigon Royal và Soho Residence.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Đất Xanh (Mã: DXG) cũng báo lỗ ròng 95 tỷ đồng, khiến công ty còn cách rất xa mục tiêu lãi ròng 158 tỷ đồng năm 2023.
Không những thế, 3 trong 4 công ty môi giới bất động sản cũng đồng loạt báo lỗ trong quý đầu năm là CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (Dat Xanh Services - Mã: DXS), CTCP Bất động sản Thế Kỷ (CenLand - Mã: CRE) và CTCP Tập đoàn Danh Khôi (Mã: NRC).
Ngành bất động sản đóng băng đã đẩy những doanh nghiệp xây dựng dân dụng như CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Mã: HBC) hay Hưng Thịnh Incons (Mã: HTN) vào thế hoạt động cầm chừng. Riêng quý I/2023, HBC kinh doanh dưới giá vốn khiến tập đoàn lỗ gộp 203 tỷ đồng trong khi quý I/2022 có lãi 198 tỷ.
Hụt thu từ hoạt động tài chính trong khi chi phí lãi gia tăng, cùng với các chi phí khác khiến tập đoàn lỗ ròng 444 tỷ đồng và là quý lỗ đậm thứ hai liên tiếp. Khoản lỗ hợp nhất xuất phát chủ yếu từ công ty mẹ.
Tại hội thảo "Gỡ vướng địa ốc - Thúc đẩy tăng trưởng" diễn ra giữa tháng 4, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam nhận định: "Có thể nói ngành xây dựng đang ở trạng thái "bê bết" nhất từ trước đến nay. Chưa có năm nào nhà thầu xây dựng trải qua tình trạng khốc liệt như năm nay. Nhiều doanh nghiệp trong top 10 công ty xây dựng cũng đang trong tình trạng báo động về tài chính, không có tiền trả cho nhà thầu phụ, trả cho nhân công, trả tiền vật tư nên khả năng phá sản hoặc ngừng kinh doanh dễ xảy ra".
Doanh nghiệp mảng nông nghiệp lao đao quý I
Việc giá heo duy trì mức thấp trong thời gian dài khiến các công ty chăn nuôi như Tập đoàn Dabaco (Mã: DBC) lỗ ròng gần 321 tỷ đồng, đánh dấu quý có số lỗ lớn nhất của tập đoàn, nâng tổng số lỗ lũy kế tính đến cuối tháng 3 là 312 tỷ đồng.
Theo giải trình từ Dabaco, ngành nông nghiệp nói chung, ngành chăn nuôi nói riêng gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm diễn biến phức tạp, đặc biệt dịch tả lợn châu Phi liên tục tái phát tại nhiều địa phương trong cả nước làm cho chi phí chăn nuôi tăng cao, trong khi sức mua giảm.
Đồng thời, giá bán các sản phẩm chăn nuôi trên thị trường ở mức thấp suốt thời gian dài, dẫn tới kết quả chăn nuôi của các công ty con giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Lãnh đạo Dabaco dự báo phải đến quý II tình hình mới đỡ hơn.
Tương tự, dù đã chủ động giảm giá bán thịt mát để kích thích tiêu dùng, CTCP Masan MEATLife (Mã: MML) vẫn báo lỗ ròng 121 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 273 tỷ.
Quý đầu năm 2023, CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - Mã: HNG), đơn vị với nguồn thu chính từ cao su và cây ăn trái, ghi nhận quý thứ 8 liên tiếp thua lỗ, nâng tổng lỗ luỹ kế tính tới hết 31/3 là 7.116 tỷ đồng.
Năm nay, HNG đặt mục tiêu doanh thu thuần là 1.282 tỷ, dự kiến lỗ thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh 437 tỷ đồng và lỗ trước thuế 2.316 tỷ đồng.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên cuối tháng 4, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị chia sẻ "nhanh lắm thì đến năm 2024 và chắc ăn nhất năm 2025 công ty mới có lãi". Điều này đồng nghĩa nhiều khả năng cổ phiếu HNG sẽ bị hủy niêm yết do kinh doanh thua lỗ ba năm liên tiếp. Ông Dương đã khuyên cổ đông phải chấp nhận bởi ông đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng thành quả chưa thể có trong một sớm một chiều.
Hết thời "hoàng kim", giá ure và NH3 giảm đã khiến doanh thu của CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc - Mã: DHB) giảm tới 39% về 1.185 tỷ đồng. Trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, nguồn than thiếu hụt, công ty lỗ ròng 129 tỷ đồng, và là quý lỗ đầu tiên sau 6 quý có lãi trở lại, nâng tổng lỗ lũy kế tính đến hết quý I/2023 là 3.104 tỷ đồng.
Cũng trong mảng nông nghiệp, CTP Tập đoàn Lộc Trời (Mã: LTG) ngậm ngùi báo lỗ ròng 81 tỷ đồng, cùng kỳ có lãi 184 tỷ, dù doanh thu tăng trưởng gần 5% lên 2.483 tỷ.
Trong cơ cấu doanh thu quý I/2023 của Lộc Trời, mảng lương thực lúa - gạo đóng góp nhiều nhất với 1.675 tỷ đồng. Tuy nhiên giá vốn mảng này đã chiếm hơn 99,4% doanh thu thuần, do chi phí phân bón và giá thu mua lúa tăng, do đó mảng lúa gạo không có lãi.
VNDirect kỳ vọng ngoại trừ kết quả kinh doanh thua lỗ quý I vừa qua, nếu tiết giảm được chi phí, Lộc Trời sẽ cải thiện được doanh thu và lợi nhuận sau thuế trong các quý tới khi nhu cầu nhập khẩu gạo tại các thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam vẫn đang đà tăng.
Dù hàng không phục hồi song Vietnam Airlines vẫn chưa thoát khỏi cảnh thua lỗ. Với lượt khách di chuyển nội địa và số lượng khách quốc tế tăng cao đã giúp doanh thu thuần của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) đạt 23.494 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái và nhỉnh hơn cả quý IV/2019 khi đại dịch chưa bùng phát.
Lợi nhuận gộp của Vietnam Airlines đạt 1.959 tỷ đồng, trái ngược với khoản lỗ gộp 1.595 tỷ của quý I/2022. Đây là lần thứ 2 hãng hàng không này có lãi gộp kể từ đầu dịch đến nay, lần đầu tiên vào quý III/2022.
Tuy nhiên, các chi phí bị đội lên cao, bao gồm chi phí tài chính tăng gần 250%, chi phí bán hàng tăng 187% khiến Vietnam Airlines tiếp tục thua lỗ. Mặc dù vậy, mức lỗ ròng 104 tỷ là mức thấp nhất kể từ quý I/2020 của hãng hàng không quốc gia này.
Một số doanh nghiệp thua lỗ lớn trong quý I nguyên nhân chính không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. Chẳng hạn, Tập đoàn KIDO (Mã: KDC) lỗ ròng 319 tỷ đòng, mức lỗ lớn nhất trong lịch sử kinh doanh của công ty.
Nguyên nhân đến từ việc phát sinh chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp được hạch toán tới 156 tỷ đồng. Cùng kỳ 2022, chi phí thuế của KIDO chỉ ở mức 31 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản chi phí thuế này không được KIDO thuyết minh chi tiết mà chỉ được để trong phần “Khác". Chi phí thuế trong riêng quý I/2023 thậm chí cao hơn chi phí thuế hàng năm của tập đoàn từ năm 2017 đến nay.