|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Đặt kế hoạch thấp, Lọc hoá dầu Bình Sơn gần hoàn thành mục tiêu năm sau quý I

17:14 | 04/05/2023
Chia sẻ
Năm 2023, Lọc hoá dầu Bình Sơn đặt kế hoạch lợi nhuận giảm 90% so với mức kỷ lục của năm ngoái. Với 1.621 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế ở quý I, công ty đã gần hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm nay.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất, quý I, CTCP Lọc hoá dầu Bình Sơn (Mã: BSR) có doanh thu 34.066 tỷ đồng giảm nhẹ so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp ở mức 6%, giảm 2 điểm % so với quý I/2022.

Doanh nghiệp cho biết so với cùng kỳ, giá dầu thô tương đối ổn định ở mức 82 USD/thùng và giảm nhẹ còn 78,56 USD/thùng ở tháng 3, nên làm cho tình hoạt động sản xuất kinh doanh kém thuận lợi hơn.

Công ty có doanh thu hoạt động tài chính đạt 810 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ do ghi nhận lãi tiền gửi 370 tỷ đồng và lãi chênh lệch tỷ giá 434 tỷ đồng, lần lượt tăng 96% và 160%.

Song, chi phí tài chính cũng tăng gấp 3,4 lần, lên 639 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay là 113 tỷ đồng (tăng 31%) và lỗ chênh lệch tỷ giá 520 tỷ đồng (gấp 7,8 lần cùng kỳ). Như vậy, riêng khoản chênh lệch tỷ giá đã khiến công ty lỗ gần 87 tỷ đồng. 

Chi phí bán hàng của doanh nghiệp cũng ghi nhận tăng 31%, lên mức 325 tỷ đồng. Các chi phí khác không có sự gia tăng đáng kể nên Lọc dầu Bình Sơn lãi sau thuế 1.621 tỷ đồng và lãi ròng 1.629 tỷ đồng, đều giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2023, công ty đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 1.628 tỷ đồng. Như vậy, sau quý đầu năm, doanh nghiệp đã thực hiện được 99,6% mục tiêu.

(Nguồn: Đăng Nguyên tổng hợp từ báo cáo tài chính của BSR). 

(Nguồn: Đăng Nguyên tổng hợp từ báo cáo tài chính của BSR). 

Kế hoạch này được lãnh đạo công ty đưa ra dựa trên dự báo năm nay, công ty sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Thứ nhất, thuế nhập khẩu xăng giảm từ 8% xuống còn 5% mức thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp tăng từ 5% lên 10% dẫn đến lợi nhuận sẽ giảm.

Bên cạnh đó, lạm phát tăng sẽ kéo theo chi phí hoạt động đi lên và khi mua dầu thô trong nước, công ty phải tham gia chào mua cạnh tranh với các người mua khác nên có rủi ro không mua được lô dầu để thu xếp đủ nguồn dầu thô cho Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất.

Quy định về công thức giá (gồm giá cơ sở và phụ phí (Premium)) cũng có thể gây tác động bất lợi đến hiệu quả kinh doanh trong năm 2023.

Ngoài ra, công ty còn chịu sự cạnh tranh với xăng dầu nhập khẩu từ các nước mà Việt Nam tham gia hiệp định thương mại tự do và xăng dầu được sản xuất từ NMLD Nghi Sơn. Đặc biệt, sản phẩm PP (Polypropylene) dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với sản phẩm của các nhà máy trong nước như Hyosung Vina, Nghi Sơn, Long Sơn,... và hàng nhập khẩu từ các nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc.

Có gần 29.000 tỷ tiền nhàn rỗi

Cuối quý I, Lọc dầu Bình Sơn có tổng tài sản 72.321 tỷ đồng, giảm 8% so với đầu năm. Chỉ tiêu chiếm tỷ trọng lớn nhất là tiền và tiền gửi ngắn hạn với 28.564 tỷ đồng (chiếm 39% tổng tài sản). Hàng tồn kho của doanh nghiệp ở mức 10.829 tỷ đồng, giảm gần 36% so với đầu năm.

Công ty có 13.895 tỷ đồng các khoản phải thu, hầu hết là phải thu ngắn hạn. Trong đó, khoản phải thu của khách hàng chiếm 12.690 tỷ đồng.

Nợ phải trả của doanh nghiệp ở mức 19.510 tỷ đồng, giảm 29% so với đầu năm. Dư nợ vay của công ty là gần 5.656 tỷ đồng, toàn bộ là vay ngắn hạn. Trong quý I, doanh nghiệp đã trả hơn 28.275 tỷ đồng nợ gốc vay và đi vay hơn 24.986 tỷ đồng. Chi phí lãi vay trong kỳ là 113 tỷ.

Vốn chủ sở hữu đạt 52.811 tỷ đồng cuối kỳ, gồm 5.597 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển và 16.282 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu (D/E) của công ty là 0,37 lần. 

Đăng Nguyên