Chuyên gia: Nguồn cung và giá xăng dầu sẽ ít biến động khi nhà máy lọc dầu Nghi Sơn bảo dưỡng vào cuối tháng 8
Bộ Công Thương cho biết nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn sẽ thực hiện bảo dưỡng định kỳ từ trung tuần tháng 8 đến đầu tháng 10. Trước thông tin này, nhiều ý kiến lo ngại rằng giai đoạn nửa cuối năm 2023, nguồn cung xăng dầu có thể bị gián đoạn và biến động về giá như năm 2022.
Liên quan đến thông tin này, ông Đào Nam Hải, Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng khẳng định áp lực nguồn cung xăng dầu năm 2023 đã hạ nhiệt, mức độ căng thẳng đã giảm bớt, nhưng vẫn tiềm ẩn những rủi ro, phụ thuộc vào mức độ phục hồi các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, hoặc cuộc chiến sự Nga - Ukraine.
Năm nay, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sẽ ngưng hoạt động để bảo dưỡng trong 55 ngày kể từ ngày 25/8. Do đó, nguồn hàng thay thế của Petrolimex sẽ đến từ việc nhập khẩu từ các nước ASEAN, và khu vực lân cận với giá cả cạnh tranh và tối ưu nhất chi phí.
“Quý III, áp lực nguồn cung xăng dầu sẽ không căng thẳng như cùng kỳ 2022. Petrolimex sẽ đảm bảo được nguồn phân phối xăng dầu cho quốc gia”, ông Đào Nam Hải nói.
Cơn sốt giá dầu năm 2022 đã qua, cùng với đó những động thái về tăng chi phí định mức, kinh doanh cho doanh nghiệp xăng dầu đã giúp các công ty có nguồn lực và động lực để tăng cường nhập khẩu, hạn chế rủi ro đứt gãy nguồn cung như năm 2022.
Trao đổi với người viết, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) cho rằng nguồn cung xăng dầu sẽ cơ bản ổn định vì giai đoạn căng thẳng nhất (2022) đã qua, giá dầu hiện tại đã về ngưỡng bình thường.
Mặc khác, các doanh nghiệp đầu mối cũng đã tăng cường nhập khẩu xăng dầu, bù đắp nguồn cung cho các nhà máy lọc dầu trong giai đoạn bảo dưỡng.
Sau 3 tháng giảm liên tiếp, nhập khẩu xăng dầu về Việt Nam trong tháng 5 vừa qua đã tăng trở lại. Số liệu củaTổng cục Hải quan cho thấy trong tháng 5, Việt Nam nhập khẩu hơn 910.442 m3 xăng dầu, tương đương 645 triệu USD, tăng 36% về lượng và tăng 21% về giá trị so với tháng 4. So với tháng 5/2022, nhập khẩu xăng dầu về Việt Nam đã tăng 19% về lượng nhưng giảm 27,5% về giá trị.
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 4,17 triệu m3 xăng dầu, tương đương gần 3,4 tỷ USD, đi ngang về lượng và giảm 18,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Bình quân 5 tháng đầu năm, giá xăng dầu nhập khẩu ở mức 816 USD/tấn, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Bùi Ngọc Bảo nhận định cả nguồn cung và giá nửa cuối năm 2023 sẽ ổn định hơn cùng kỳ năm 2022 vì doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị từ sớm. Bởi trong lịch sử, Việt Nam từng nhập khẩu 100% xăng dầu mà không để xảy ra căng thẳng về nguồn cung hay giá.
Còn theo quan điểm của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) những biến động trong năm 2022 vừa qua là bài học đắt giá cho cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp có sự chuẩn bị sớm hơn.
Và để phòng ngừa các rủi ro liên quan đến biến động giá cả, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như điều hành quỹ Bình ổn giá xăng dầu, tăng cường nhập khẩu từ nhiều nguồn và dự trữ xăng dầu.
Năm 2023, Bộ Công Thương phân giao tổng nguồn xăng dầu cho các doanh nghiệp ở mức 27,34 triệu m3/tấn, tăng 15% so với số phân giao của năm trước nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống.
Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong giai đoạn nhà máy Nghi Sơn bảo dưỡng, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn có phương án, cả kỹ thuật, nhân lực, vật tư nguyên liệu… trong mọi tình huống để hoạt động hết/vượt công suất, bảo đảm đủ nguồn cung theo cam kết của mình ra thị trường.
Các doanh nghiệp đầu mối căn cứ sản lượng phân giao đầu năm và sản phần phân giao bổ sung, đối chiếu với kết quả đã thực hiện 6 tháng qua để nhập khẩu trong tháng 7, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của thị trường, không được để đứt gãy.
Ngoài ra, lượng xăng dầu tồn kho còn gần 1,6 triệu tấn/m3, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, phục vụ sản xuất của người dân và doanh nghiệp sử dụng xăng dầu trong 5 tháng đầu năm 2023.