Lãnh đạo Petrolimex: Áp lực nguồn cung xăng dầu đã hạ nhiệt, dự báo đỉnh cầu tiêu thụ sẽ rơi vào 2030 - 2035
Sáng 26/6, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - Mã: PLX) tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023. Đại hội kết thúc với tất cả tờ trình được thông qua.
Kế hoạch lãi hơn 3.200 tỷ đồng
Năm nay, Petrolimex đặt mục tiêu sản lượng xăng dầu xuất bán hợp nhất là 12,95 triệu m3/tấn, giảm 7% so với thực hiện năm 2022. Doanh thu hợp nhất kỳ vọng 190.000 tỷ đồng, giảm 38%. Lợi nhuận trước thuế 3.228 tỷ, tăng 42%.
Vào tháng 4/2023, Petrolimex đã hoàn tất thoái 40% cổ phần (tương đương 120 triệu cổ phiếu PGB) của Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex - PG Bank. Giá trúng bình quân là 21.400 đồng/cp, tương ứng số tiền thu về gần 2.600 tỷ đồng. Trừ đi giá trị gốc, tập đoàn có thể lãi trước thuế 730 tỷ đồng từ thương vụ nói trên. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến tập đoàn xăng dầu kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm 2023 tăng 42% dù doanh thu dự báo đi lùi.
Chủ tịch HĐQT Phạm Văn Thanh cho biết công ty đang thực hiện các thủ tục để sang tên PG Bank cho các nhà đầu tư. Việc hạch toán lợi nhuận sẽ được diễn sau khi nhận được các quyết định thương vụ này hoàn tất. Hiện tại công ty đang đợi thồng tin từ Ngân hàng nhà nước và Ủy ban chứng khoán.
Về cổ tức, cho năm 2022, công ty dự kiến chia với mức 7% bằng tiền (700 đồng/cp), giảm so với kế hoạch ban đầu là 12%, tương ứng tổng số tiền cần chi hơn 889 tỷ đồng. Đối với năm 2023, tỷ lệ cổ tức tối thiểu là 10% (không nêu rõ là bằng tiền mặt hay bằng cổ phiếu).
Về vấn đề nhân sự, Hội đồng quản trị (HĐQT) Petrilimex trình cổ đông việc miễn nhiệm Thành viên HĐQT đối với ông Nguyễn Thanh Sơn do nghỉ hưu theo chế độ. Đồng thời đại hội cũng sẽ phê duyệt việc bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021 - 2026 là ông Lưu Văn Tuyển (sinh năm 1969).
Thị trường xăng dầu đã bớt áp lực
Nhìn nhận về tình hình năm 2023, Đào Nam Hải, Tổng Giám đốc cho biết áp lực nguồn cung xăng dầu nói chung đã hạ nhiệt, mức độ căng thẳng đã giảm bớt, nhưng vẫn tiềm ẩn những rủi ro, phụ thuộc vào mức độ phục hồi các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, hoặc cuộc chiến sự Nga - Ukraine.
Tháng 5 định kỳ, các nhà máy lọc dầu có kế hoạch bảo trì bảo dưỡng. Năm nay, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sẽ ngưng hoạt động để bảo dưỡng trong 55 ngày kể từ ngày 25/8. Do đó, nguồn hàng thay thế của Petrolimex sẽ đến từ việc nhập khẩu từ các nước ASEAN, và khu vực lân cận với giá cả cạnh tranh và tối ưu nhất chi phí.
Quý III, áp lực nguồn cung xăng dầu sẽ không căng thẳng như cùng kỳ 2022. Petrolimex sẽ đảm bảo được nguồn phân phối xăng dầu cho quốc gia.
Trả lời câu hỏi của cổ đông rằng kế hoạch năm 2023 có thận trọng không, Phó Tổng Giám đốc Trần Ngọc Năm cho biết Petrolimex không đặt ra mục tiêu năm sau tốt hơn năm trước. Những vấn đề trong năm 2022 như chiến sự Nga - Ukraine đã khiến nhiều thương nhân, đầu mối nhỏ hạn chế việc nhập hàng, thậm chí bị rút giấy phép hoạt động vì vi phạm. Trong điều kiện khó khăn đó, Petrolimex phải đứng ra đảm bảo trong việc ổn định năng lượng, do đó sản lượng xuất bán năm 2022 rất cao.
Sang 2023, ban lãnh đạo xác định điều kiện kinh doanh có thể trở lại bình thường, kế hoạch cũng lập trên các tiêu chí thông thường. Năm 2023, ông Năm khẳng định lượng xăng dầu sẽ không thiếu hụt hoặc nếu có thì khả năng xảy ra rất thấp.
Nói thêm, kế hoạch kinh doanh dựa trên sản lượng xuất bán và dự báo của các tổ chức, chuyên gia trên thế giới về biến động giá bán trong năm 2023. Ngoài ra, Petrolimex cũng tham khảo giá dầu thô để xây dựng chỉ tiêu.
Năm nay, tập đoàn dự kiến phát triển 65 cửa hàng mới, kết hợp hài hòa giữa đầu tư mới hoặc mua lại từ các điểm nhỏ lẻ. Tính đến hết 6 tháng đầu năm, công ty đã thực hiện được 50% kế hoạch. Petrolimex sẽ tập trung ưu tiên đầu tư các trạm xăng dầu quy mô lớn chuyên nghiệp trên các cao tốc Bắc - Nam phía Đông và các thị trường trọng điểm chiến lược của tập đoàn.
Cập nhật về tình hình sửa đổi Nghị định 95, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc cho biết Bộ Tư pháp vừa tổ chức cuộc họp lấy ý kiến để điều chỉnh Nghị định 95. Hội đồng thẩm định đang chờ ý kiến phản hồi của các thành viên tham dự cuộc họp.
Trong đó, nội dung đáng chú ý là việc thương nhân nhượng quyền được mua hàng từ nhiều nguồn. Vấn đề thứ 2 liên quan đến thẩm quyền quyết định giá, tức là nhà nước sẽ quyết định giá hay thương nhân phân phối, bán lẻ được quyền quyết định? Đây là vấn đề đang được tiếp tục thảo luận để đi đến kết luận. Bộ Công Thương vẫn đang là đầu mối tổng hợp lại các ý kiến.
Tại đại hội, cổ đông hỏi về hoạt động kinh doanh của Tổng công ty Vận tải thủy Petrolimex (PG Tanker), ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT công ty này cho biết PG Tanker sở hữu đội tàu chở dầu lớn nhất với tổng trọng tải trên 500.000 tấn, số lượng trên 40 tàu. Việc vận tải dầu cho Petrolimex chiếm 70%, 30% còn lại đến từ các nguồn bên ngoài.
PG Tanker đóng góp vào Petrolimex trên 3 khía cạnh, thứ nhất là chủ động nguồn hàng tại các thị trường từ ASEAN, Singapore, Đông Bắc Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông,… để đảm bảo an ninh năng lượng. Chẳng hạn năm 2022 có hiện tượng thiếu nguồn cung, khiến PG Tanker phải nhập rất nhiều cho tập đoàn. Thứ hai là góp phần giảm chi phí vận chuyển cho tập đoàn và cuối cùng là tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng cùng các đầu mối kho cảng, bởi việc dự trữ xăng dầu ở các kho cảng đầu mối là rất quan trọng, kể cả dự trữ chính trên các tàu.
Năm 2022, PG Tanker đóng góp trên 400 tỷ đồng lợi nhuận cho tập đoàn. Kế hoạch năm 2023, PG Tanker được giao 310 tỷ đồng lợi nhuận, tức chiếm 10% lợi nhuận Petrolimex, trong đó 220 tỷ đồng đến từ kinh doanh vận tải.
Xây dựng chiến lược phát triển năng lượng xanh
Tổng Giám đốc Đào Nam Hải cho việc việc phát triển, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh dựa trên các nguồn năng lượng tái tạo là chiến lược quốc gia. Petrolimex là một trong những tập đoàn năng lượng lớn nhất cả nước cũng không nằm ngoài xu thế này.
Theo các báo cáo, ông Hải nhận định đỉnh cầu của tiêu thụ xăng dầu sẽ rơi vào giai đoạn 2030 – 2035, sau đó có khoảng thời gian đi ngang và đi xuống. Đến năm 2050, cả nước gần như không sử dụng nhiên liệu hóa thạch nữa.
Do đó, công ty sẽ xây dựng nghiên cứu các phương án, bám sát quy hoạch quốc gia, phấn đấu giảm phát thải carbon bằng 0. Thời gian tới Petrolimex sẽ thuê các tổ chức tư vấn quốc tế để xây dựng chiến lược chuyển đổi theo hướng từ kinh doanh nhiên liệu hoá thạch thuần tuý sang kinh doanh năng lượng xanh.