ĐHĐCĐ Hải Phát Invest: Cổ đông lo ngại xung đột lợi ích, đại diện nhóm Toàn Tín Phát lên tiếng
Sáng ngày 21/10, CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, Mã: HPX) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023. Tính đến 9 giờ 00 phút, đại hội có sự tham dự của 108 cổ đông, đại diện cho hơn 200 triệu cổ phần, chiếm 65,91% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết (bao gồm cả dự trực tiếp và ủy quyền). Do đó, đại hội đủ điều kiện tiến hành.
Kế hoạch lãi tối thiểu 120 tỷ đồng
Tại Đại hội, Ban lãnh đạo Công ty trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu tối thiểu 2.500 tỷ đồng (năm ngoái ghi nhận hơn 1.210 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế tối thiểu 120 tỷ đồng (năm ngoái lỗ hơn 58 tỷ đồng). Cùng với đó là phương án không chia cổ tức năm 2021 (5% bằng tiền mặt) theo kế hoạch.
Theo đó, nguyên nhân được đưa ra là do từ năm 2022 đến nay do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và khó khăn chung của nền kinh tế cùng với việc thắt chặt tín dụng khiến hoạt động kinh doanh của công ty gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là dòng tiền hoạt động. Đến thời điểm hiện tại công ty vẫn còn nợ một số khoản với ngân sách Nhà nước và các chủ nợ, khách hàng,...
Ngoài ra, công ty chưa hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ thuế và một số nghĩa vụ nợ khác nên không đủ điều kiện thực hiện việc chi trả cổ tức.
Đối với năm 2022 và năm 2023, công ty cũng trình cổ đông phương án không trả cổ tức với lý do để tập trung nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tái cấu trúc toàn bộ
Ban lãnh đạo Hải Phát Invest cho biết, trong năm nay, công ty sẽ tái cấu trúc toàn bộ hệ thống gồm rà soát, cơ cấu sắp xếp lại mô hình hoạt động, số lượng công ty con, cơ cấu nhân sự trên tinh thần gọn nhẹ, giảm đầu mối để tăng hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Phương thức hoạt động phân định rõ chức năng quản lý và điều hành. Xây dựng chiến lược, kế hoạch trung, dài hạn của công ty và điều hành theo kế hoạch được thông qua, phê duyệt.
Doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh việc hoàn thiện pháp lý cho các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư như dự án BT Điện Biên, dự án TM1 Nha Trang và dự án tại Phú Yên. Đồng thời nghiên cứu, tìm kiếm các dự án mới, cơ hội đầu tư mới để có dự án gối đầu.
Ngoài ra, Hải Phát Invest sẽ tập trung nguồn lực phục vụ công tác triển khai thi công hai dự án chính là dự án Cao Bằng (hoàn thành thi công phân khu 1,4 ha), dự án Bắc Giang (hoàn thiện thi công phần thấp tầng dự án để bàn giao cho khách hàng).
Đối với công tác bán hàng, doanh nghiệp này cho biết sẽ tập trung bán buôn các sản phẩm tại một số dự án như Lào Cai, dự án Bắc Giang (4 tòa cao tầng), Khu dân cư đô thị tại Km3, Km4 TP Móng Cái (giai đoạn 1),... để có dòng tiền trả nợ các khoản đến hạn và phát triển các dự án khác cũng như duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Các ứng viên mới tham gia HĐQT
Theo tờ trình đại hội, danh sách đề cử 5 thành viê nhiệm kỳ 2023 – 2028 của Hải Phát Invest gồm ông Đỗ Quý Hải, ông Nguyễn Văn Phương, ông Nguyễn Văn Dũng, ông Vũ Hồng Sơn và ông Lã Quốc Đạt.
Hai trong số 5 thành viên nói trên đang là lãnh đạo của Hải Phát là ông Đỗ Quý Hải (sinh năm 1969) – Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Văn Phương (sinh năm 1979) – Phó Chủ tịch HĐQT. Ba ứng viên còn lại đều chưa từng tham gia công tác tại Hải Phát.
Theo đó, ông Nguyễn Văn Dũng sinh năm 1979, là thạc sỹ kinh tế. Ông Dũng từng là thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn Cầu; Trưởng phòng Kinh tế tài chính, Thư ký Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh; Thư ký Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên. Hiện tại, ông Dũng đang làm cố vấn cho CTCP Eclipse Việt Nam. Tính đến ngày 11/10, ông đang nắm 0,13% vốn Hải Phát Invest.
Hai nhân sự khác liên quan đến nhóm cổ đông của CTCP Đầu tư Toàn Tín Phát là ông Vũ Hồng Sơn và ông Lã Quốc Đạt. Theo giới thiệu, ông Vũ Hồng Sơn sinh năm 1969, là thạc sỹ kinh tế. Ông từng đảm nhận nhiều vị trí như Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Chứng khoán Everest, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đại Dương, thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Chứng khoán DSC, Phó Tổng giám đốc Chứng khoán Asean.
Từ tháng 10/2021 đến tháng 7/2023, ông Sơn là thành viên HĐQT CTCP Đầu tư Toàn Tín Phát. Tính đến ngày 11/10, ông đang sở hữu 0,007% vốn Hải Phát Invest.
Ông Lã Quốc Đạt sinh năm 1989, có trình độ cử nhân kinh tế đối ngoại. Ông từng giữ vị trí Trợ lý giám đốc Chi nhánh 207-3 của Công ty TNHH MTV 207 BQP; Trợ lý giám đốc của Xí nghiệp Xây dựng công trình phía Bắc – Công ty TNHH MTV Ứng dụng Kỹ thuật và Sản Xuất. Tính đến ngày 11/10, ông không sở hữu bất cứ cổ phần nào tại Hải Phát.
Liên quan đến sở hữu của nhóm cổ đông Đầu tư Toàn Tín Phát, trong báo cáo mới nhất giữa tháng 9 của Hải Phát Invest, ông Hoàng Văn Toàn và các cổ đông liên quan nâng sở hữu từ mức 0,23% lên 16,54% vốn, tương ứng với 50,3 triệu đơn vị và trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp này.
Nhóm cổ đông liên quan đến ông Hoàng Văn Toàn bao gồm CTCP Đầu tư Toàn Tín Phát (do ông Toàn làm người đại diện pháp luật), bà Hoàng Thị Ý và bà Hoàn thị Như (hai chị gái ông Toàn), ông Nguyễn Việt Dũng (anh rể ông Toàn) sở hữu tổng cộng 11,5% vốn, tương ứng với 35,1 triệu đơn vị.
ĐHĐCĐ sáng nay của Hải Phát Invest có sự góp mặt của ông Hoàng Văn Toàn, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Toàn Tín Phát.
Phần thảo luận:
Tình hình tài chính của công ty 9 tháng đầu năm?
Ông Đoàn Hòa Thuận, Tổng giám đốc Hải Phát Invest: Kết quả kinh doanh 9 tháng trong bối cảnh hiện tại thì đây là một sự nỗ lực của công ty. Trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng thì dòng tiền của doanh nghiệp đều gặp khó. Trong năm 2022 chúng tôi đã mua lại một lượng trái phiếu và tránh được những rủi ro.
Năm nay một số lô trái phiếu đáo hạn vào tháng 11 và tháng 12 với tổng giá trị khoảng 800 tỷ đồng. Chúng tôi cũng hy vọng có thể mua lại trước hạn. Còn một số gói trái phiếu khác, công ty đang thực hiện chi trả lãi bằng dòng tiền từ dự án Bắc Giang.
Thời điểm nào cổ phiếu HPX được giao dịch trở lại trên sàn?
Ông Thuận: Lý do chủ quan khiến cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch thuộc về phía công ty là chủ yếu. Chúng tôi cũng đã làm tất cả những gì có trong khả năng. Theo quy định, đến khoảng tháng 3/2024 nếu không có bất kỳ vi phạm nào nữa thì cổ phiếu HPX sẽ được trở lại giao dịch.
Nhóm cổ đông Toàn Tín Phát mua một lượng lớn cổ phiếu công ty. Liệu có rủi ro nào (xung đột lợi ích) xảy ra khi nhóm cổ đông lớn mua một lượng cổ phiếu nhiều như vậy? Nếu không có xung đột gì thì liệu nhóm cổ đông này có mua thêm cổ phiếu hay không?
Ông Thuận: Tôi xin phép trả lời là không có sự xung đột. Cho đến thời điểm hiện tại, nhóm của ông Hoàng Văn Toàn vào và sẽ mang đến một sự thay đổi tích cực cho công ty để cùng đưa công ty phát triển hơn trong thời gian tới.
Ông Hoàng Văn Toàn: Thông tin chúng tôi đã công bố minh bạch, chúng tôi sẽ kết hợp với Hải Phát để làm các dự án sẵn có và cả các dự án trong tương lai. Chúng tôi và Ban lãnh đạo Hải Phát đang phối hợp với nhau rất tốt và không có xung đột gì.
Ông Đỗ Quý Hải: Nhóm cổ đông Toàn Tín Phát có thế mạnh về tài chính. Việc đầu tư bất động sản hiện nay cần tài chính rất lớn. Do đó, nếu chúng tôi kết hợp với nhau thì công ty sẽ tốt lên. Anh Toàn rất cởi mở chân thành và phía Hải Phát cũng vậy. Sau khi Đại hội kết thúc, chúng tôi sẽ bắt tay thực hiện những kế hoạch đề ra.
Công ty kiểm soát bộ phận pháp chế như thế nào để dẫn đến việc chậm công bố thông tin khiến cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch?
Ông Đỗ Quý Hải: Có những rủi ro không thể lường trước được. Rất may mắn là vấn đề trái phiếu của công ty năm 2022 đã vượt qua được dù nhiều lúc tôi tưởng chừng như không thể vượt qua được. Tôi hiện tại cũng rất mong muốn và tự tin nếu trong năm nay mọi thứ ổn định và điều kiện cho phép, tôi và các cá nhân trong gia đình tôi sẽ tăng sở hữu tại công ty.
Ban lãnh đạo cho biết vì sao biên lợi nhuận công ty thấp?
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó chủ tịch HĐQT: Chúng tôi không đổ tại cho cơ chế nhưng không thể phủ nhận các doanh nghiệp bất động sản hiện nay đều rất khó khăn. Theo tôi, biên lợi nhuận mỏng là dễ hiểu, chi phí lớn thì biên lợi nhuận mỏng. Thậm chí có không ít doanh nghiệp còn hoạt động không có lợi nhuận, phải bán bớt tài sản, dự án.
Cổ phần của Hải Phát tại Cenco 5 là bao nhiêu? Tiến độ dự án KĐT Thanh Hà đến đâu?
Ông Phương: Dự án Thanh Hà đã triển khai và Cenco 5 đã làm xong. Hiện nay giai đoạn 2 của dự án đang thực hiện các thủ tục đầu tư và sau đó mới thực hiện dự án này. Hải Phát là một cổ đông không chi phối của Cenco 5 và trong dự án này Cenco 5 có một phần.
Quỹ đất của công ty hiện nay là bao nhiêu? Các dự án nào tiêu biểu?
Ông Thuận: Đối với dự án TM1 tại Nha Trang, chúng tôi đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý. Đối với dự án tại Móng Cái quy mô hơn 11 ha, kỳ vọng trong thời gian tới sẽ tạo được tiếng vang cho thị trường và mang lại dòng tiền ổn hơn cho công ty trong thời gian tới.
Dự án Bắc Giang đang mở bán và tiếp tục ghi nhận doanh thu. Doanh thu của công ty 9 tháng đầu năm cũng chủ yếu đến từ dự án này.
Dự án Mai Pha Lạng Sơn đang được thực hiện GPMB. Chúng tôi đánh giá vị trí dự án đẹp như ở KĐT Thủ Thiêm và chúng tôi cũng rất kỳ vọng vào dự án này.
Dự án Roman ở Hà Nội hiện còn một phần số lượng căn hộ chưa bán và đang là tài sản bảo đảm cho một số lô trái phiếu.
Dự án ở Mũi Né Bình Thuận cũng là một dự án tiềm năng, chúng tôi cùng đối tác Hoàng Quân đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý.
Dự án ở Phú Yên hơn 1,4 ha đã xây xong và sắn sàng để bán. Chúng tôi sẽ đưa vào kinh doanh khi thị trường tốt hơn.
Tiếp theo là dự án đảo ngọc ở Hòa Bình cũng đang được chúng tôi triển khai đầu tư. Với dự án ở Lào Cai, đây là dự án Hải Phát đấu giá được và cũng đang triển khai.
Công ty có dự định huy động thêm vốn để giải quyết bài toán tài chính hay không?
Ông Thuận: Dư nợ trái phiếu hiện tại của Hải Phát còn khoảng 2.100 tỷ đồng. Tới đây thị trường trái phiếu tốt hơn, không loại trừ khả năng chúng tôi sẽ tiếp tục huy động vốn từ kênh này. Bởi các dự án của chúng tôi hiện tại cần số vốn rất lớn.
Kết thúc đại hội, tất cả các tờ trình đều được thông qua.