|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Thép Pomina chốt 'deal' bán hơn 20% cổ phần cho đối tác Nhật Bản, bắt đầu tái cấu trúc để đón đầu ngành thép khởi sắc từ 2024

17:08 | 14/07/2023
Chia sẻ
Phía nhà đầu tư chiến lược Nansei cho biết, mối quan hệ hợp tác giữa công ty với Pomina đã có nhân duyên từ 9 năm trước. Đến nay, Nansei đã ký kết xong thỏa thuận cơ bản với Pomina và ký quỹ một khoản tiền để lấy quyền độc lập đàm phán.

 ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Pomina. (Ảnh: Pomina).

Sáng 14/7, Thép Pomina (Mã: POM) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023 tại TPHCM. Đại hội kết thúc với tất cả tờ trình được thông qua.

Trong năm 2022, một sự kiện quan trọng đã diễn ra đối với Pomina là việc phải dừng lò cao từ ngày 23/9. Pomina rơi vào khó khăn khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đẩy giá dầu cùng các loại hàng hóa leo thang, nhất là giá nguyên liệu đầu vào của nhà máy đã tăng mạnh trong khi hệ lụy của dịch bệnh chưa khắc phục được. Trong khi đó, giá bán các sản phẩm từ thép, phôi thép giảm liên tiếp và nhà máy phải đương đầu với khủng hoảng. 

Tại đại hội, ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) thừa nhận việc đưa lò cao công suất 5.000 tấn tại giai đoạn không có chuyên gia hỗ trợ, giá bán thấp, tồn kho lại giá cao là không phù hợp thời điểm. Sau đó thị trường bất động sản "coi như đứng luôn". Cả năm 2022, công ty lỗ ròng kỷ lục 1.169 tỷ đồng.

Kế hoạch lỗ sau thuế 150 tỷ đồng

Năm nay, công ty lên kế hoạch doanh thu 9.000 tỷ đồng và lỗ sau thuế 150 tỷ đồng. Con số này thấp hơn so với mục tiêu đưa ra trước đó là 14.000 tỷ đồng doanh thu và lãi sau thuế 300 tỷ đồng.

 Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty. 

 Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty. 

Ông Đỗ Duy Thái cho biết việc điều chỉnh thể hiện sự thận trọng của ban lãnh đạo trong bối cảnh ngành thép còn khó khăn, bên cạnh đó dự báo của ban lãnh đạo là ngành bất động sản (BĐS) vẫn còn "bất động" trong năm nay. 

Ông Thái cho rằng, tuy Chính phủ đã có nhiều biện pháp tháo gỡ nhưng để chính sách ngấm vào nền kinh tế thì cần thời gian. Đại diện Pomina cho rằng phải đến tháng 6/2024, thị trường BĐS mới bắt đầu tốt trở lại.

Theo người đứng đầu Thép Pomina, ngành thép sẽ khởi sắc từ năm 2024 nhờ đầu tư công, nhưng mức tăng tiêu thụ sẽ không nhiều (khoảng 15% - 20%) do nhu cầu thép ở Việt Nam chủ yếu đến từ bất động sản.

Ông Thái nhận định, thị trường chứng khoán đã cho thấy những tín hiệu tốt ở ngành bất động sản, thông qua giá cổ phiếu của một số doanh nghiệp ngành này đã tăng mạnh từ đầu năm. Do đó người đứng đầu tự tin về triển vọng của ngành sẽ sớm tích cực hơn.

Cũng chính vì vậy, đây là thời điểm để Thép Pomina tái cấu trúc, chuẩn bị tài chính để chào đón sự trở lại của ngành. Đây cũng là lý do dẫn tới kế hoạch phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược.

Xuất hiện cổ đông chiến lược đến từ Nhật Bản

ĐHĐCĐ đã thông qua hồ sơ chào bán riêng lẻ hơn 70,1 triệu cổ phiếu POM cho nhà đầu tư ngoại là Nansei – công ty thép đến từ Nhật Bản. Giá chào bán là 10.000 đồng/cp, cao hơn 35% giá chốt phiên 14/7 là 7.390 đồng/cp. Thời gian dự kiến chào bán từ tháng 8/2023 đến 31/12/2024 sau khi có Nghị quyết của ĐHĐCĐ. Lượng cổ phiếu phát hành riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm. 

Nếu thương vụ thành công, Nansei sẽ nâng tỷ lệ sở hữu ở Pomina từ 0% lên 20,4% vốn điều lệ. Với số tiền thu được từ đợt chào bán gần 702 tỷ đồng, Pomina cho biết sẽ dùng để bổ sung vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chủ tịch Pomina cho biết, đã có ít nhất 5 nhà đầu tư quan tâm đến việc chào bán riêng lẻ của công ty. Nhưng cuối cùng HĐQT đã chọn nhà đầu tư Nhật Bản. Ông Thái cho rằng phải là ba yếu tố để đi đến quyết định này là đơn vị phải cùng ngành, thứ hai là hiểu biết lẫn nhau và thứ ba là năng lực của đơn vị đó. Nansei mà công ty lựa chọn hợp tác là đơn vị cung cấp nguyên liệu thép top đầu Nhật Bản.

Ban lãnh đạo cho rằng việc hợp tác với Nansei lúc này là để chuẩn bị tài chính cho năm 2024 - nhiệm vụ quan trọng nhất mà công ty phải làm lúc này,

Tại đại hội, ông Inafuku Makoto, đại diện hãng thép Nansei chia sẻm Nansei là nhà cung cấp nguyên liệu kim loại tái chế tại Nhật Bản với khoảng 30 cơ sở kinh doanh trên cả nước, với thế mạnh là xuất khẩu. Ông Makoto cho rằng điểm đặc biệt của công ty chính là tự khai thác thị trường nước ngoài, độc lập ở các khâu vận chuyển trong quá trình xuất bán.

Việc hợp tác với Pomina có cơ duyên từ 9 năm về trước, sau cuộc gặp gỡ với Giám đốc Đỗ Tiến Sĩ. “Hiện tại chúng tôi đã ký kết xong thỏa thuận cơ bản và ký quỹ một khoản tiền để lấy quyền độc lập đàm phán”, đại diện đối tác Nhật Bản nói.

Phía Nansei cho biết hiện vẫn cần phải thảo luận chiến lược với các đối tác liên quan, huy động tiền từ ngân hàng và phải vượt qua các khó khăn khác. Tuy nhiên, ông vẫn tự tin vào thế mạnh của cả Pomina và Nansei.

ĐHĐCĐ Pomina cũng thông qua dự định tái cấu trúc tách Chi nhánh Nhà máy Thép (Pomina 1) và Chi nhánh Nhà máy Luyện phôi thép (Pomina 3) thành hai công ty cổ phần có tư cách pháp nhân độc lập. Sau đó, công ty sẽ chuyển nhượng một phần vốn chủ sở hữu tại Công ty TNHH Pomina 3. Theo chia sẻ của Chủ tịch Đỗ Duy Thái, bên nhận chuyển nhượng cũng chính là Nansei.

Pomina cũng sẽ vay vốn tại ngân hàng BIDV với hạn mức tín dụng hơn 699 tỷ đồng. Đổi lại, công ty sẽ thế chấp quyền sử dụng đất diện tích gần 43.000 m2 tại lô M, KCN Sóng thần II, tỉnh Bình Dương, quyền sở hữu văn phòng, căn tin và nhà xưởng tại khu đất này, cùng với máy móc thiết bị và các tài sản khác. 

Minh Hằng