Nhóm Toàn Tín Phát cử người tham gia HĐQT Hải Phát, một nhân sự từng xuất hiện ở nhiều công ty trên sàn
Hội đồng quản trị (HĐQT) CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest - Mã: HPX) vừa cập nhật tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2023. Trong đó có danh sách đề cử thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023 – 2028.
Cụ thể, danh sách đề cử 5 thành viên HĐQT gồm ông Đỗ Quý Hải, ông Nguyễn Văn Phương, ông Nguyễn Văn Dũng, ông Vũ Hồng Sơn và ông Lã Quốc Đạt.
2 trong số 5 người trên đang là lãnh đạo của Hải Phát là ông Đỗ Quý Hải (sinh năm 1969) – Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Văn Phương (sinh năm 1979) – Phó Chủ tịch HĐQT. Ba ứng viên còn lại đều chưa từng công tác tại Hải Phát.
Thông tin về ba ứng viên mới, ông Nguyễn Văn Dũng sinh năm 1979, là thạc sỹ kinh tế. Ông Dũng từng là thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn Cầu; Trưởng phòng Kinh tế tài chính, Thư ký Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh; Thư ký Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên.
Hiện tại, ông Dũng đang làm cố vấn cho CTCP Eclipse Việt Nam. Tính đến ngày 11/10, ông đang nắm 0,13% vốn Hải Phát.
Hai nhân sự khác liên quan đến nhóm cổ đông Toàn Tín Phát là ông Vũ Hồng Sơn và ông Lã Quốc Đạt. Theo giới thiệu, ông Vũ Hồng Sơn sinh năm 1969, là thạc sỹ kinh tế. Ông từng đảm nhận nhiều vị trí như Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Chứng khoán Everest; Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đại Dương; thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Chứng khoán DSC; Phó Tổng giám đốc Chứng khoán Asean.
Từ tháng 10/2021 đến tháng 7/2023, ông Sơn là thành viên HĐQT CTCP Đầu tư Toàn Tín Phát. Tính đến ngày 11/10, ông đang sở hữu 0,007% vốn Hải Phát.
Ông Lã Quốc Đạt sinh năm 1989, có trình độ cử nhân kinh tế đối ngoại. Ông từng giữ vị trí Trợ lý giám đốc Chi nhánh 207-3 của Công ty TNHH MTV 207 BQP; Trợ lý giám đốc của Xí nghiệp Xây dựng công trình phía Bắc – Công ty TNHH MTV Ứng dụng Kỹ thuật và Sản Xuất. Tính đến ngày 11/10, ông không sở hữu bất cứ cổ phần nào tại Hải Phát.
Liên quan đến sở hữu của nhóm cổ đông Đầu tư Toàn Tín Phát, trong báo cáo mới nhất giữa tháng 9, nhóm cổ đông liên quan đến ông Hoàng Văn Toàn nâng sở hữu từ mức 0,23% lên 16,54% vốn, tương ứng với 50,3 triệu đơn vị và trở thành cổ đông lớn của Hải Phát. Nhóm cổ đông liên quan bao gồm CTCP Đầu tư Toàn Tín Phát (do ông Toàn làm người đại diện pháp luật), bà Hoàng Thị Ý và bà Hoàn thị Như (hai chị gái ông Toàn), ông Nguyễn Việt Dũng (anh rể ông Toàn) sở hữu tổng cộng 11,5% vốn, tương ứng với 35,1 triệu đơn vị.
Thông tin thêm về Đại hội đồng cổ đông tới đây của Hải Phát, ban lãnh đạo công ty trình kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu tối thiểu 2.500 tỷ đồng, hơn gấp đôi năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế tối thiểu 120 tỷ đồng, năm 2022 lỗ hơn 58 tỷ đồng. Công ty dự kiến không trả cổ tức cho cổ đông.
Bên cạnh đó, Hải Phát sẽ trình cổ đông thông qua phương án không chia cổ tức năm 2021 là 5% bằng tiền mặt (tương ứng 152 tỷ đồng). Nguyên nhân được đưa ra do từ năm 2022 đến nay do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và khó khăn chung của nền kinh tế cùng với việc thắt chặt tín dụng khiến hoạt động kinh doanh của công ty gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là dòng tiền hoạt động. Hiện công ty vẫn còn nợ một số khoản với ngân sách Nhà nước và các chủ nợ, khách hàng,...
Ngoài ra, công ty chưa hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ thuế và một số nghĩa vụ nợ khác nên không đủ điều kiện thực hiện việc chi trả cổ tức.