|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp hàng không, du lịch - điểm sáng trong bức tranh ảm đạm của nền kinh tế

10:47 | 24/05/2023
Chia sẻ
Quý I/2023, ngành hàng không, du lịch, khách sạn nổi lên như một điểm sáng giữa bức tranh kinh tế ảm đạm với kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp đang chạy đua mở rộng đội bay, tăng thêm các chuyến đi/đến nhằm đón đầu lượng khách quốc tế dự báo sẽ tăng vọt trong mùa hè sắp tới.

Khách quốc tế đang chờ làm thủ tục khởi hành tại sân bay Đà Nẵng. (Ảnh minh họa: MH).

Nhóm hàng không trở lại đường bay tăng trưởng

Những giải pháp cho ngành du lịch của Chính phủ đã mở ra sự khởi đầu tích cực trong quý I. Và cũng để đón đầu các cơ hội, các hãng hàng không đã thuê thêm tàu bay, khai thác thêm các chuyến đi và đến tại nhiều điểm hơn.

Kết quả, 3 tháng đầu 2023, Việt Nam đón 2,7 triệu lượt khách quốc tế, cao gấp 29,7 lần so với cùng kỳ năm trước, đã đạt 1/3 mục tiêu cả năm 2023 (8 triệu lượt). Tổng số khách du lịch nội địa đạt 27,5 triệu lượt.

CTCP Hàng không Vietjet (Mã: VJC) cho biết hãng đã thực hiện 31.300 chuyến bay và vận chuyển 5,4 triệu lượt khách trong quý I/2023, tăng trưởng lần lượt 57% và 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Vietjet cũng đã mở thêm 10 đường bay mới cả nội địa và quốc tế, nâng tổng số đường bay vào cuối tháng 3 lên 55 nội địa và 50 quốc tế.

Nhìn chung, các nguồn doanh thu của hãng hàng không của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo trong quý đầu năm 2023 đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu hoạt động phụ trợ gấp 4 lần, doanh thu bay nội địa gấp đôi cùng kỳ, bay quốc tế gấp 38 lần, doanh thu bán tàu bay và động cơ tăng 78%, cho thuê chuyến bay tăng 86%, cho thuê khô tàu bay thêm 28%, ….

Kết quả, Vietjet báo lãi sau thuế hợp nhất 173 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái lỗ 2.262 tỷ đồng của cả năm 2022.

Quý I/2023, doanh thu của Vietjet tăng trưởng 185% so với cùng kỳ năm trước, hoạt động phụ trợ chiếm gần 34%. 

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) ghi nhận doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ gấp đôi cùng kỳ năm ngoái với 23.494 tỷ đồng và nhỉnh hơn cả quý IV/2019 khi đại dịch chưa bùng phát.

Không những ở thị trường trong nước, các chuyến bay quốc tế cũng đã bật tăng về số lượng, nhất là tại Mỹ, châu Âu và Australia. Đến thời điểm hiện tại, Vietnam Airlines đã khôi phục toàn bộ mạng bay nội địa so với thời điểm trước dịch, và khai thác trở lại 90% số đường bay quốc tế.

Ngoài các dấu hiệu khởi sắc về thị trường vận tải, từ đầu năm 2023 một số yếu tố đầu vào như giá nhiên liệu, lãi suất tuy vẫn ở mức cao nhưng tình hình đã bình ổn hơn, tỷ giá diễn biến thuận lợi giúp kết quả hoạt động Vietnam Airlines khả quan hơn với mức lỗ sau thuế chỉ 37 tỷ đồng trong quý I/2023, thấp nhất trong 13 quý gần đây.

 Giá nhiên liệu bay hạ nhiệt đã giúp các hãng bay giảm được gánh nặng chi phí đầu vào.

 

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (Mã: ACV) là đơn vị đang quản lý 22 sân bay trên cả nước. Du lịch được mùa, lượng khách di chuyển nhiều hơn cùng kỳ là nguyên nhân chính giúp cho doanh thu của tổng công ty này tăng 124% so với mức nền thấp cùng kỳ. Dù vậy, kết quả này vẫn chưa bằng thời điểm trước COVID-19 (quý IV/2019). 

Không những nhóm hàng không, các doanh nghiệp dịch vụ trong sân bay như CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco - Mã: SAS), CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (Mã: SGN) và CTCP Suất ăn Hàng không Nội Bài (Mã: NCS) cũng kinh doanh thuận lợi, riêng CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (Mã: AST) chuyển từ lỗ thành lãi quý vừa rồi.

Tuy nhiên không nên so sánh cùng kỳ bởi đó là giai đoạn "bệnh nặng", Chủ tịch HĐQT của Sasco Johnathan Hạnh Nguyễn cho hay. Sasco đặt mục tiêu phải trở về mức lãi năm 2019, nhưng cũng lưu ý công ty không thể chạy nhanh khi vừa khỏi bệnh.

Trong khi đó, doanh thu và lợi nhuận của hai công ty làm dịch vụ hàng hóa sân bay là CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (Mã: SCS) và CTCP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (Mã: NCT) lại đi lùi, nguyên nhân do tổng sản lượng hàng hóa quốc tế quý I/2023 giảm 45% so với cùng kỳ.

  Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính quý I/2023.

Nhóm du lịch lưu trú, khách sạn khởi sắc

Kỳ cao điểm lễ Tết trong quý I cũng đã giúp các doanh nghiệp làm tour du lịch, lữ hành, khách sạn có được bức tranh khả quan hơn cùng kỳ – thời điểm Việt Nam chưa mở cửa diện rộng vì COVID. Doanh thu của hầu hết nhóm ngành này đều tăng trưởng hai đến ba chữ số nhờ lượng khách du lịch đổ về.

Chẳng hạn, CTCP Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel - Mã: VTR) ghi nhận doanh thu gấp 4,7 lần cùng kỳ và có lãi trở lại với 16 tỷ đồng. Ngoài nguyên nhân số lượng hành khách đặt tour tăng, kết quả này có được là nhờhãng hàng không Vietravel Airlines không còn hợp nhất với  báo cáo tài chính của công ty.

Tại thời điểm 31/3/2023, giá trị gốc khoản đầu tư của Vietravel vào Vietravel Airlines là 178 tỷ đồng và công ty đang dự phòng cho khoản đầu tư này 137 tỷ đồng, tương đương khoảng 3/4 giá trị gốc. 

Tuy nhiên so với quý cuối năm 2022, kết quả kinh doanh của nhóm du lịch lưu trú, khách sạn vẫn thấp hơn nhiều. Theo chia sẻ của đại diện một doanh nghiệp làm khách sạn, giá vé máy bay nội địa tăng đột biến trong quý đầu năm 2023, có lúc 10 triệu đồng/vé khứ hồi, khiến du khách chuyển lựa chọn các tour du lịch nước ngoài với giá tương đương (Thái Lan). Một phần nguyên nhân nữa đến từ xu hướng thắt chặt chi tiêu của người dân trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

  Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính quý I/2023.

Các hãng đua nhau mua thêm tàu bay, tăng chuyến

Cục Hàng không Việt Nam và nhiều hãng tàu bay đều đang có kế hoạch tăng đội máy bay trong năm 2023 để đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa cũng như đón bắt cơ hội phục hồi của thị trường quốc tế. Đại diện ACV cho rằng năm 2024, lượng khách nội địa sẽ vượt năm 2019, còn lượng khách quốc tế hồi phục ít nhất bằng 2019.

Thực tế 3 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 2,7 triệu lượt người, gần bằng cả năm 2022. (Nguồn: Tổng Cục thống kê).

Đại diện Vietjet đánh giá năm 2023 là một năm tăng trưởng mạnh về doanh thu và lợi nhuận nhờ vào giá nhiên liệu bay được dự báo sẽ giảm từ 20 – 30% so với mức trung bình 2022, thị trường Trung Quốc mở cửa và các chính sách nới lỏng thị thực từng bước được áp dụng.

Bên cạnh đó, việc Chính phủ xem xét tháo dỡ giá trần cũng là một nhân tố quan trọng giúp Vietjet và các hãng hàng không phục hồi nhanh, tăng năng lực cạnh tranh với các hãng bay quốc tế...

Tháng 4, Vietjet đã thông qua kế hoạch tăng đội máy bay lên 87 chiếc (bao gồm đội máy thân rộng Airbus A330 9 máy bay), khai thác 139.513 chuyến bay, vận chuyển 25,7 triệu lượt hành khách. Đồng thời, hãng này cũng đặt mục tiêu đạt được thỏa thuận với các nhà sản xuất máy bay Airbus, Boeing, đảm bảo giao nhận máy bay đúng tiến độ.

Hay Vietravel Airlines cho biết hãng dự kiến đón 3 máy bay trong quý III/2023, nâng quy mô đội máy bay lên 6 chiếc trong năm thứ 3 hoạt động. Công ty đang thực hiện kế hoạch mở rộng các đường bay trong nước và quốc tế, đặc biệt là các đường bay đến các nước trong khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á.

Trong khi đó, Vietnam Airlines có kế hoạch tăng tần suất khai thác hàng loạt các đường bay nội địa và quốc tế đồng thời tăng tải số ghế cung ứng nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao trong dịp hè tới đây.

Máy bay của hãng Vietnam Airlines đang đỗ tại sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh minh họa: MH).

Báo cáo của SSI Research cho rằng, mặc dù ban đầu quá trình phục hồi có thể chậm hơn, nhưng vẫn kỳ vọng sự phục hồi của ngành hành không sẽ bùng nổ vào kỳ nghỉ hè năm 2023 (quý II - III/2023), với lượng hành khách đạt đỉnh vượt thời kỳ trước COVID ở một số điểm. Trong khi đó, mức phục hồi cả năm sẽ đạt khoảng 80% so với mức trước dịch COVID (năm 2019) nếu xét về lượng hành khách quốc tế, tạo bước đệm cho sự phục hồi khách nước ngoài hoàn toàn trong năm 2024.

Minh Hằng