Xuất khẩu dệt may diễn biến theo chiều hướng xấu, nhiều yếu tố bất lợi bủa vây
Doanh nghiệp teo tóp cả về lợi nhuận và số lượng công nhân
Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Viatas), 5 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng dệt may ước đạt 14,4 tỷ USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như may mặc, vải, xơ sợi… đều ghi nhận mức giảm sâu 19-32%.
Trước cơn bão lạm phát toàn cầu, sự sụt giảm về đơn hàng cũng có nghĩa doanh nghiệp sẽ thu hẹp hoạt động sản xuất, lợi nhuận và quy mô công nhân.
Thống kê kết quả kinh doanh quý I/2023 của một số doanh nghiệp dệt may đã niêm yết cho thấy hầu hết công ty ghi nhận doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh, thậm chí có doanh nghiệp lỗ nặng.
Báo cáo tài chính quý I hợp nhất của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, Mã: VGT) ghi nhận doanh thu thuần giảm 14% so với quý I/2022 còn 4.209 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 92,5 tỷ đồng, giảm 71%.
Năm 2023, Vinatex đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 17.500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 610 tỷ đồng. Kết thúc quý I, doanh nghiệp đã hoàn thành được 24% kế hoạch doanh thu và 18% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế (118 tỷ đồng).
Trong báo cáo giải trình, đại diện công ty cho biết từ những tháng cuối năm 2022, ngành sợi vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, cầu thị trường thấp, lượng hàng tồn kho sợi của thế giới vẫn ở mức cao; giá bông xuống thấp khiến giá sợi chưa có khả năng cải thiện.
Mặt khác, xuất khẩu sợi gặp khó khăn khi thị trường Trung Quốc – thị trường tiêu thụ sợi lớn nhất hiện nay, chiếm khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu sợi cả nước đang có những thay đổi lớn trong chính sách kích thích kinh tế sau mở cửa, khiến xuất khẩu sợi của Việt Nam đi Trung Quốc suy giảm cả về lượng và giá.
Trước những tác động tiêu cực đến từ thị trường, kết quả kinh doanh của các đơn vị sợi của tập đoàn đều có hiệu quả thấp, làm kết quả hợp nhất của tập đoàn giảm mạnh nếu so sánh với nền hiệu quả của quý I/2022, khi sản lượng tiêu thụ cao, giá bán tốt.
Một doanh nghiệp khác ghi nhận thua lỗ trong quý I là CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, Mã: GIL). Theo đó, doanh thu thuần quý I/2023 của doanh nghiệp này chỉ còn 157 tỷ đồng, giảm 89% so với cùng kỳ năm 2022. Công ty ghi nhận lỗ sau thuế 39 tỷ đồng, trong khi quý I/2022 lãi 107 tỷ đồng. Kết thúc quý I, công ty đã hoàn thành 10% kế hoạch doanh thu và bỏ xa chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Trong báo cáo giải trình, Gilimex cho biết lợi nhuận của công ty sa sút là kết quả của việc mất đi khách hàng lớn nhất là Amazon, đơn hàng giảm mạnh. Hiện, vụ kiện Amazon đã qua được bước quan trọng nhất là thụ lý hồ sơ, kỳ vọng giải quyết dứt điểm trong năm 2023.
Bên cạnh đó, trong quý này, công ty đang đẩy mạnh tiến độ xây dựng hạ tầng để kịp bàn giao đất cho nhà đầu tư thứ cấp vào quý II, do đó chi phí vận hành chung của mảng bất động sản khu công nghiệp tăng mạnh, doanh thu của mảng này sẽ được ghi nhận vào các quý sau.
Suy thoái kinh tế toàn cầu không chỉ khiến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may sa sút, mà còn tạo ra làn sóng cắt giảm nhân sự ở ngành nghề này.
Tại phiên chất vấn của Quốc hội gần đây, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thông tin, từ đầu năm đến ngày 26/5, số người mất việc, giãn việc, thiếu việc do cắt giảm đơn hàng, yếu tố khác là khoảng 506.000 người, trong đó, có khoảng 270.000 người mất việc.
Nhóm lao động ngành dệt may bị ảnh hưởng lớn nhất với hơn 68.700 người, da giày 31.653 người, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử là 45.075 người.
Trong bối cảnh ngành dệt may đang phải đối mặt với làn sóng đơn hàng giảm, hàng tồn kho tăng cao, chỉ có CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (Mã: TNG) và Tổng công ty May 10 (Mã: M10) “ngược dòng” ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng dương.
Theo đó, Công ty TNG vừa công bố doanh thu thuần quý I/2023 đạt 1.335, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2022; lợi nhuận sau thuế khoảng 44 tỷ đồng, tăng 14%. Đây là công ty có kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt nhất trong nhóm doanh nghiệp dệt may.
Trong báo cáo giải trình, công ty cho biết giá vốn quý I/2023 giảm gần 2% giúp lợi nhuận từ báo cáo tài chính riêng của công ty tăng 5%, tương đương 1,9 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, một phần lợi nhuận tăng trưởng trong quý I còn được đóng góp từ CTCP TNG Land - công ty con của TNG, với lợi nhuận riêng lẻ hơn 3,3 tỷ đồng, chủ yếu đến từ doanh thu hoạt động tài chính.
Xuất khẩu dệt may tiếp tục diễn biến xấu, nhiều yếu tố bất lợi
Dựa trên tình hình kinh tế toàn cầu và diễn biến ngành dệt may, các doanh nghiệp cho rằng mảng xuất khẩu sẽ tiếp đà giảm trong quý II và xu hướng chuyển sang các đơn hàng ngắn hạn, nhỏ, khó và yêu cầu kỹ thuật, chất lượng cao.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng năm 2023, GDP thế giới được dự báo tăng trưởng thấp hơn 2022 do chính sách thắt chặt tiền tệ và xung đột địa chính trị.
Nếu như các cuộc khủng hoảng trước đây có thể là khủng hoảng nợ hoặc khủng hoảng đình lạm thì năm 2023 thế giới có thể đứng trước thách thức khi xảy ra cả hai cuộc khủng hoảng trên diện rộng.
Khó khăn kép này có thể mất tới 40 tháng để xử lý và những diễn biến xấu trên thị trường có thể kéo dài tới năm 2024. Điều này khiến nhu cầu sản phẩm dệt may cơ bản giảm, đồng thời có sức ép dịch chuyển qua quốc gia rẻ hoặc gần thị trường hơn Việt Nam.
“Cầu tiếp tục thấp trong quý III, trong khi cung tiếp tục tăng trong năm 2023 do Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu để phục hồi kinh tế.
Xu hướng đơn hàng nhỏ, đặt hàng gấp dẫn đến xu thế tìm nguồn cung ứng ở gần để rút ngắn thời gian giao hàng. Giá cả tiếp tục ở mức cạnh tranh gay gắt. Trung Quốc chưa đủ nhân lực làm may dẫn tới có thể tìm kiếm nhà sản xuất ngắn hạn khâu may tại Việt Nam”, ông Lê Tiến Trường dự báo.
Trước đó, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vitas cũng dự báo rằng sự sụt giảm về đơn hàng, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may có thể kéo dài sang quý III và ít nhất sang quý IV mới dần phục hồi.
Ngoài yếu tố lực cầu giảm, ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước áp lực cạnh tranh lớn với các đối thủ có chi phí nhân công, giá thành sản phẩm rẻ hơn như Ấn Độ, Bangladesh.
Theo thống kê của Vinatex, chi phí tiền lương trung bình hàng tháng cho công nhân may mặc của Việt Nam đang ở ngưỡng 300 USD/người/tháng, cao hơn so với trung bình toàn cầu ở ngưỡng 200 USD/người/tháng.
Nếu so sánh với các đối thủ, tiền lương công nhân của Việt Nam đang khá cao so với mức 95 USD/người/tháng của Bangladesh hay 190 USD/người/tháng của Campuchia và 145 USD/người/tháng của Ấn Độ.
Chưa kể những chỉ số như giá trị đồng tiền của Việt Nam cao hơn đối thủ 20%; lãi suất vẫn neo cao; giá điện lại mới tăng 3%... cũng làm mất đi lợi thế của dệt may Việt Nam.
“Với những điều kiện trên nếu như các doanh nghiệp duy trì đơn giá thấp để cạnh tranh với Bangladesh thì sẽ lỗ ít nhất 15%”, ông Lê Tiến Trường thông tin.
Chủ tịch Vinatex cho rằng trong bối cảnh khó khăn này, các doanh nghiệp dệt may cần tổ chức sản xuất theo hướng linh hoạt, đáp ứng đơn hàng nhỏ lẻ, thay đổi nhanh, khó, thời gian gấp; ngành Sợi xúc tiến lại thị trường Trung Quốc…
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tối thiếu hóa vốn lưu động, tạm dừng các chương trình mở rộng, chỉ xem xét đầu tư chiều sâu và nghiên cứu phương án tổ chức sản xuất giảm quy mô, bảo tồn sức mạnh cốt lõi.