|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thực hư chuyện doanh nghiệp dệt may Việt ‘đói’ đơn hàng, còn Bangladesh làm không hết?

07:38 | 23/05/2023
Chia sẻ
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas khẳng định chuyện doanh nghiệp dệt may Việt ‘đói’ đơn hàng, còn Bangladesh làm không hết là thông tin không chính xác. Trước áp lực của lạm phát, xuất khẩu dệt may của các nhà sản xuất lớn như Bangladesh, Ấn Độ, Trung Quốc... đều đang trên đà giảm.

Câu chuyện đơn hàng giảm không phải của riêng Việt Nam

Thời gian gần đây, các diễn đàn nổi lên thông tin dệt may Bangladesh vẫn có đủ đơn hàng sản xuất còn doanh nghiệp Việt Nam lại thiếu trầm trọng, điều này gây xôn xao dư luận và các doanh nghiệp trong ngành.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may (Vitas). (Ảnh: Phạm Mơ)

Trả lời về vấn đề này, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may (Vitas), Chủ tịch HĐQT CTCP May Việt Tiến khẳng định đây là thông tin sai, không chuẩn xác.

“Trước xu hướng lạm phát toàn cầu gia tăng, chuyện đơn hàng giảm không phải của riêng Việt Nam, đây là vấn đề chung của tất cả các nhà sản xuất hàng dệt may. Thông tin từ thương vụ Việt Nam gửi về cho thấy doanh nghiệp xuất khẩu dệt may của Bangladesh và Ấn Độ cũng vắng đơn hàng”, ông Vũ Đức Giang nói.

Chủ tịch Vitas cho rằng 4 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may toàn cầu chững lại do tồn từ năm 2022 còn nhiều, các nhãn hàng chưa tiêu thụ hết. Bên cạnh đó, mối lo về lạm phát cũng khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, ưu tiên hàng thực phẩm hơn quần áo, còn các đối tác cũng dè dặt, thận trọng hơn khi đặt các đơn hàng mới.

Cũng bàn luận về vấn đề này tại ĐHĐCĐ 2023, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết thông tin dệt may Bangladesh thừa đơn hàng mà Việt Nam quá thiếu là không chính xác ở phạm vi quốc gia.

Trong quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Bangladesh đạt 12,2 tỷ USD, tăng hơn 6% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên nếu tính riêng tháng 3, tháng 4, xuất khẩu dệt may của Bangladesh đã không giữ được đà tăng trưởng.

 

“Thực tế, 5 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới đều đã không ngăn được sự suy giảm kim ngạch xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước, mức giảm trung bình khoảng 15%.

Quốc gia trụ lại cuối cùng là Bangladesh cũng đã báo cáo tháng 4 chỉ xuất khẩu được 3,3 tỷ USD giảm 15% so với cùng kỳ, tương đương kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam”, Chủ tịch Vinatex nói.

 

Ông Lê Tiến Trường cho biết nhiều tổ chức lớn dự báo xu thế tổng cầu dệt may tiếp tục suy giảm năm 2023 so với 2022. Dù ở phương án lạc quan nhất, xuất khẩu dệt may của thế giới năm 2023 cũng sẽ thấp hơn khoảng 5% so với năm 2022, trong khi nguồn cung trên thế giới tăng mạnh trở lại sau khi Trung Quốc chính thức mở cửa nền kinh tế đã gia tăng áp lực lên giá hàng hoá dệt may.

Kinh tế thế giới năm 2023 được dự báo tăng trưởng chậm cùng với dư âm của những vụ sụp đổ 3 ngân hàng ở Mỹ, 2 ngân hàng ở châu Âu cũng sẽ khiến thị trường thêm trầm lắng. Cho đến thời điểm này vẫn chưa có một dự báo nào của các tổ chức uy tín nói về thời điểm phục hồi mạnh của thị trường dệt may thời trang.

“Hiện, tổng tồn kho hàng dệt may đã tăng trở lại trong tháng 3, 4 vừa qua. Tồn kho cao, đơn hàng phải đặt nhỏ, nhanh dẫn tới có cả xu thế dịch chuyển về đặt hàng gần thị trường tiêu thụ để  linh hoạt hơn về giao hàng dù chi phí sản xuất có thể cao hơn, điều này làm nhu cầu đặt hàng từ châu Á cho khu vực Mỹ, châu Âu cũng bị suy giảm thêm”, ông Lê Tiến Trường cho biết.

Ngành dệt may Bangladesh cũng bị cuốn theo vòng xoáy

Theo số liệu mới cập nhật của Cục Xúc tiến Xuất khẩu Bangladesh, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của nước này trong tháng 3 và tháng 4 đạt 4,6 tỷ USD và 3,95 tỷ USD, lần lượt giảm 2,5% và 16,5% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, xuất khảu hàng hóa của Bangladesh đã có hai tháng giảm liên tiếp, sau chuỗi 5 tháng tăng trưởng dương, theo NewAge.

(Nguồn: Cục Xúc tiến Xuất khẩu Bangladesh, Biểu đồ: Phạm Mơ)

Trong đó, dệt may vốn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Bangladesh, chiếm gần 90% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước này cũng không tránh khỏi vòng xoáy.

Số liệu tháng 4 cho thấy kim ngạch xuất khẩu dệt may của Bangladesh chỉ đạt 3,3 tỷ USD, giảm 15,5% so cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 4 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may của Bangladesh đạt khoảng 15,5 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm ngoái.

Ông Faruque Hassan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu dệt may Bangladesh (BGMEA) cho biết nhu cầu chung đối với các sản phẩm may mặc giảm trên thị trường toàn cầu do lạm phát cao và các hệ luỵ từ căng thẳng Nga-Ukraine gây ra.

Bên cạnh đó, Bangladesh đang trong tháng Ramadan, các nhà máy đóng cửa 7-8 ngày khiến sản xuất bị gián đoạn, doanh thu xuất khẩu giảm.

Chủ tịch BGMEA dự báo doanh thu xuất khẩu dệt may đang giảm mạnh. Hai tháng qua, các đơn đặt hàng và giá hàng hóa đều ở mức rất thấp. Đà tăng trưởng âm này có thể kéo dài trong thời gian tới, đặc biệt ở Mỹ và EU do tác động của căng thẳng chính trị, lạm phát toàn cầu và giá nguyên vật liệu leo thang.

Xuất khẩu dệt may của Bangladesh đã có hai tháng giảm liên tiếp. (Ảnh: IFC, World Bank Group)

Còn theo một báo cáo nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương Bangladesh, 4 yếu tố khiến doanh thu xuất khẩu nói chung và hàng may mặc nói riêng của nước này giảm mạnh bao gồm tác động từ xung đột chính trị Nga – Ukraine; các thị trường xuất khẩu của Bangladesh đang trải qua giai đoạn suy thoái kinh tế nghiêm trọng; đồng USD đi lên khiến nguyên vật liệu sản xuất tăng; sản phẩm xuất khẩu thiếu đa dạng, Textile Today.

Trong báo cáo, Ngân hàng Trung ương Bangladesh nhấn mạnh sự phụ thuộc vào một sản phẩm và một thị trường hoặc khu vực duy nhất đã trở thành một thách thức lớn trong việc xuất khẩu sản phẩm của nước này. Hiện, 86% kim ngạch xuất khẩu của Bangladesh đến từ hàng dệt may, trong 78% doanh thu đến từ Mỹ và châu Âu.

Ngân hàng Trung ương Bangladesh khuyến cáo doanh nghiệp nhanh chóng tìm kiếm, mở rộng xuất khẩu thị trường mới, đồng thời bổ sung các sản phẩm hàng hóa để giảm thiểu rủi ro trong thương mại.

Cần thêm chính sách hỗ trợ cho ngành dệt may phục hồi

Trở lại câu chuyện của ngành dệt may Việt Nam, Vitas dự báo sự sụt giảm về đơn hàng, kim ngạch xuất khẩu có thể kéo dài sang quý III và ít nhất sang quý IV mới dần phục hồi.

Tại hội nghị “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu”, ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Vitas cũng đã kiến nghị nhiều chính sách liên quan đến tín dụng, lãi suất. 

Trong ngắn hạn, ông Trần Như Tùng đề xuất hệ thống ngân hàng có gói vay ưu lãi suất ưu đãi 0% để trả lương cho người lao động, ví dụ như gói vay mà ngân hàng chính sách xã hội đã thực hiện trong giai đoạn COVID-19 để giúp doanh nghiệp phần nào giảm áp lực tài chính để trả lương cho người lao động, giữ chân lao động trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Gói vay này có thể áp dụng cho những doanh nghiệp nào có phương án trả nợ tốt, những doanh nghiệp đã chấp hành đúng và đã hoàn trả xong khoản vay. Gói vay này có thể nâng lên 6 tháng lương cơ bản thay vì 3 tháng lương như vừa qua vì sự khó khăn lúc này cũng không khác gì so với gián đoạn COVID-19.

Về trung, dài hạn, ông Tùng cho rằng để phù hợp với chiến lược của ngành dệt may đến năm 2030 và tầm nhìn 2035, ngành cần hỗ trợ một phần tài chính và chuyên gia trong việc thực hiện các dự án xanh hoá như giảm nước thải, chất thải, sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên liệu tái chế, giảm sử dụng hoá chất ... (ESG), chuyển đổi số trong ngành dệt may để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Phạm Mơ