|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

'Hai năm đầu sau chiến thắng của ông Trump, ngành dệt may Việt Nam chưa có biến động lớn'

16:39 | 20/11/2024
Chia sẻ
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam hai năm đầu tiên sau chiến thắng của ông Donald Trump, tình hình ngành dệt may chưa có nhiều biến động lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn cần có giải pháp phòng ngừa bằng việc đa dạng hoá thị trường.

 

Trao đổi bên lề buổi họp báo hôm 19/11, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết hiện tại, chưa thể đánh giá được tác động của việc ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ đối với hoạt động xuất khẩu mặt hàng dệt may. Tuy nhiên, theo ông, trong vòng 2 năm tới, tình hình vẫn chưa có nhiều biến động lớn. 

“Đến bây giờ, lãnh đạo các nước vẫn đang theo dõi sát chiến lược của ông Donald Trump về một số dòng thuế sau khi đắc cử tổng thống Mỹ. Với Trung Quốc, chính sách thuế khá rõ còn với Việt Nam và một số nước khác thì chưa đoán định được. Nhưng tôi tin rằng hai năm đầu tiên tình hình chưa có nhiều biến động lớn”, ông Giang nói. Đồng thời, ông nhấn mạnh ngành dệt may Việt Nam thời gian qua thích nghi nhanh với việc các nước thay đổi chính sách. 

Tuy nhiên, Chủ tịch VITAS bổ sung thêm, trong thời gian tới ngành dệt may vẫn phải “phòng ngừa” bằng việc tiếp tục thực hiện chiến lược đa dạng hoá thị trường. 

Theo số liệu của VITAS, dự kiến Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam trong năm 2024, chiếm 38%. Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường có thể đạt 16,7 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, đây là mức tăng trưởng lớn nhất trong nhóm top 6 thị trường xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam. 

“Mỹ là thị trường tiêu thụ hàng dệt may lớn của Việt Nam nhưng ngược lại chúng ta cũng nhập khẩu nhiều mặt hàng của Mỹ trong đó ngành dệt may nhập khẩu bông. Mỹ là một trong những thị trường cung cấp nhiều bông nhất cho Việt Nam”, ông Giang nói thêm khi bình luận về mối quan hệ giữa ngành dệt may Việt Nam và thị trường Mỹ. 

Các thị trường khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng khá như Nhật Bản (6%), EU (7,7%), Hàn Quốc (10%)…

Thị trường Kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 2024 (tỷ USD) Tăng trưởng so với cùng kỳ 2023
Mỹ 16,71 12,33%
Nhật Bản 4,57 6,18%
EU 4,3 7,66%
Hàn Quốc  3,93 10,36%
Trung Quốc  3,65 1,76%
ASEAN 2,9 4,84%

 Nguồn: VITAS, Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)

Tính chung cả năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may ước đạt 44 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2023. Ngành này đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 47 - 48 tỷ USD vào năm sau. 

Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho biết tính đến cuối quý III, tỷ lệ hàng tồn kho trên doanh số bán hàng của các thương hiệu lớn như Nike, Inditex, GAP, H&M và Puma vẫn ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, hàng tồn kho tiếp tục xu hướng giảm, trong khi xu hướng doanh thu giữa các thương hiệu lại ghi nhận sự trái chiều.

Về mặt tích cực, Mirae Asset cho rằng mức tồn kho thấp hơn sẽ mang lại nhiều dư địa hơn cho việc bổ sung hàng tồn kho trong tương lai. 

Tuy nhiên, mặt còn lại, một số thương hiệu gần đây đã chứng kiến số liệu doanh thu yếu hơn, đây có thể là dấu hiệu của quan điểm thận trọng về nhu cầu trong tương lai và sự do dự về việc tăng mức hàng tồn kho.

H.Mĩ