|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Rơi vào cảnh khó khăn chưa từng có, doanh nghiệp dệt may đề xuất loạt chính sách tín dụng

20:22 | 10/05/2023
Chia sẻ
Tình trạng đơn hàng, đơn giá xuất khẩu dệt may giảm mạnh có thể kéo dài đến hết quý III, các doanh nghiệp đang rơi vào cảnh khó khăn. Do đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề nghị hệ thống ngân hàng loạt chính sách hỗ trợ như cơ cấu nguồn vốn, gói lãi suất ưu đãi 0%...

Thiếu đơn hàng, doanh nghiệp dệt may chấp nhận làm hàng giá rẻ

Tại Diễn đàn Toàn cảnh Ngân hàng 2023, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết 85-86% sản phẩm của ngành dệt may hướng đến xuất khẩu nên bất kỳ một biến động nào của kinh tế thế giới đều sẽ ảnh hưởng đến ngành hàng này.

Thông tin từ các tổ chức kinh thế giới, tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 6%, 2022 đạt 3% và con số này có thể xuống dưới 3% vào năm 2023. Kinh tế của Việt Nam cũng không quả quan hơn khi tốc độ tăng trưởng quý I chỉ khoảng 3%, số doanh nghiệp phá sản, rời thị trường nhiều hơn số doanh nghiệp thành lập mới.

Toàn cảnh Diễn đàn Toàn cảnh Ngân hàng 2023. (Ảnh: Saigontimes)

Ông Trương Văn Cẩm cho rằng tình hình kinh tế ảm đạm đang tác động rất lớn đến nhu cầu tiêu dùng của người dân và lượng đơn hàng của doanh nghiệp.

Từ cuối quý III/2022 đến nay, ngành dệt may đã bắt đầu ngấm đòn của lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu, cả đơn hàng và đơn giá đều giảm tới 20-30%, cá biệt một số mặt hàng giá giảm tới 40-50%. Đây là điều chưa từng xảy ra với ngành dệt may.

Ngoài yếu tố vĩ mô, ngành dệt may hiện đang chịu thêm một “quả tạ” mang tên hàng tồn kho cao. Sau khi dịch COVID-19 hạ nhiệt, các đối tác tăng mua vào nên nửa đầu năm 2022, đơn hàng dệt may rất nhiều, giá xuất khẩu tốt.

Tuy nhiên, hàng giao đến tay khách hàng cũng là lúc kinh tế suy giảm, tiêu thụ kém, hiện tồn kho của các nhãn hàng vẫn còn tới 25-30%. Cùng với đó, chi phí vốn tăng cao trở thành gánh nặng đối với doanh nghiệp.

Theo số liệu mới nhất của Vitas, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 4 tháng đầu năm nay đạt 11,7 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022.

“Sự sụt giảm về đơn hàng, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may có thể kéo dài sang quý III và ít nhất sang quý IV mới dần phục hồi”, ông Trương Văn Cẩm nói.

Chưa thực sự phục hồi sau dịch COVID-19, các doanh nghiệp nói chung và dệt may nói riêng đã vấp phải cú sốc suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều công ty phải thiếu đơn hàng và phải nhận đơn hàng giá thấp để duy trì hoạt động, giữ chân công nhân.

Có thể kể đến câu chuyện của Tổng công ty May 10, đơn vị vốn có thể mạnh với những mặt hàng “ăn tiền” như sơmi, quần âu, vest, comple… Tuy nhiên trong giai đoạn khó khăn này, công ty cũng phải xoay xở nhiều đường.

Ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng giám đốc Thường trực Tổng công ty May 10 cho biết: “Ở thời điểm này, chúng tôi không có quyền lựa chọn, tất cả những sản phẩm có thể vận hành trong máy may doanh nghiệp đều nhận, không phân biệt hàng cao cấp hay thấp cấp. Không riêng May 10, các doanh nghiệp dệt may khác cũng vậy. Điều quan trọng lúc này là duy trì sản xuất và giữ chân lao động, chờ thị trường phục hồi”.

Kiến nghị loạt chính sách tháo gỡ khó khăn nguồn vốn

Trong bối cảnh khó khăn nêu trên, Phó Chủ tịch Vitas cho rằng những chính sách về tín dụng, điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, điển hình như việc giảm lãi suất hay ban hành Thông tư 02/2023 đã giúp cơ cấu lại nhóm nợ cho doanh nghiệp.

Ông Cẩm đề xuất ngành ngân hàng cơ cấu lại nguồn vốn giữa các ngành kinh tế, bởi hiện nay dư nợ dành cho ngành dệt may còn rất hạn chế, trong khi đó nhu cầu vốn để chuyển đổi ngành này rất lớn, khoảng 500.000-600.000 tỷ đồng.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Vitas (người thứ hai, phải qua trái). (Ảnh: Saigontimes) 

Trước đó tại hội nghị “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu”, ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cũng đã kiến nghị nhiều chính sách liên quan đến tín dụng, lãi suất.

Trong ngắn hạn, ông Trần Như Tùng đề xuất hệ thống ngân hàng có gói vay ưu lãi suất ưu đãi 0% để trả lương cho người lao động, ví dụ như gói vay mà ngân hàng chính sách xã hội đã thực hiện trong giai đoạn COVID-19 để giúp doanh nghiệp phần nào giảm áp lực tài chính để trả lương cho người lao động, giữ chân lao động trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Gói vay này có thể áp dụng cho những doanh nghiệp nào có phương án trả nợ tốt, những doanh nghiệp đã chấp hành đúng và đã hoàn trả xong khoản vay. Gói vay này có thể nâng lên 6 tháng lương cơ bản thay vì 3 tháng lương như vừa qua vì sự khó khăn lúc này cũng không khác gì so với gián đoạn COVID-19.

Về trung, dài hạn, ông Tùng cho rằng để phù hợp với chiến lược của ngành dệt may đến năm 2030 và tầm nhìn 2035, ngành cần hỗ trợ một phần tài chính và chuyên gia trong việc thực hiện các dự án xanh hoá như giảm nước thải, chất thải, sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên liệu tái chế, giảm sử dụng hoá chất ... (ESG), chuyển đổi số trong ngành dệt may để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hoàng Anh