|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Các thương hiệu thời trang toàn cầu cắt giảm đơn hàng tại Bangladesh

22:29 | 16/08/2024
Chia sẻ
Các thương hiệu thời trang quốc tế hàng đầu đang chuyển các đơn đặt hàng khỏi Bangladesh (Băng-la-đét) do tình trạng hỗn loạn sau sự sụp đổ của chính quyền Thủ tướng Sheikh Hasina.

Theo các nhà sản xuất tại quốc gia xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới này, các nhà máy đã đóng cửa nhiều ngày sau khi Thủ tướng rời khỏi đất nước. Nhiều nhà máy thuộc sở hữu của những người trung thành với chế độ, bao gồm cả các nhà cung cấp cho các thương hiệu toàn cầu như nhà bán lẻ thời trang H&M của Thụy Điển và chuỗi thời trang Zara của Tây Ban Nha, đã bị đốt phá trong bối cảnh hỗn loạn.

Tình hình bất ổn đã làm các nhà máy chậm giao quần áo và giày dép cho mùa bán lẻ vụ Đông ở châu Âu và Bắc Mỹ. Công nhân các nhà máy đã phải làm thêm giờ và các nhà máy vận chuyển sản phẩm bằng đường hàng không - một lựa chọn đắt đỏ đã "xóa sổ" lợi nhuận của các đơn hàng - để bù đắp cho lượng hàng tồn đọng kéo dài tới một tháng.

Các nhà xuất khẩu Bangladesh cho biết một số thương hiệu lớn đã chuyển đơn đặt hàng cho các mùa tới sang các nhà cung cấp đối thủ ở Đông Nam Á, phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu hiện có và đe dọa "xương sống" kinh tế của đất nước 170 triệu dân này.

Ông Mamun Rashid, cố vấn cho các nhà sản xuất hàng may mặc ở Bangladesh, cho biết: “Các nhà máy đã nhận được cuộc gọi từ khách hàng Tây Ban Nha và Đức nói rằng họ đang chuyển 40% đơn đặt hàng sang Campuchia hoặc Indonesia (In-đô-nê-xi-a), bởi họ không biết tình trạng hỗn loạn này sẽ tiếp tục kéo dài bao lâu”.

Ông Syed Nasim Manzur, Giám đốc điều hành của Apex Footwear, công ty cung cấp sản phẩm cho nhà bán lẻ thể thao Pháp Decathlon và Fast Retailing, công ty mẹ của hãng thời trang Uniqlo (Nhật Bản), cho biết tình hình bất ổn đã “dẫn đến sự rung chuyển thực sự về niềm tin” đối với Bangladesh giữa các thương hiệu quốc tế.

Ông Manzurm, người cũng là Chủ tịch hiệp hội xuất khẩu hàng da và giày dép của Bangladesh, cho biết: “Các tập đoàn lớn đang cảnh báo về việc giảm nguồn cung ứng 30% cho mùa tiếp theo. Bangladesh cần đảm bảo rằng niềm tin sẽ được khôi phục”.

Ông Muhammad Yunus, nhà kinh tế đoạt giải Nobel Hòa bình, người đảm nhận vai trò lãnh đạo lâm thời của Bangladesh từ tuần trước cho biết, ưu tiên hàng đầu của ông là thiết lập lại luật pháp và trật tự. Nhà chức trách này đã thành lập một đội đặc nhiệm an ninh công nghiệp mới và triển khai quân đội để bảo vệ các nhà máy.

Trên cương vị Thủ tướng Bangladesh từ năm 2009, bà Sheikh Hasina đã ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh, đầu tư vào đường sá, bến cảng và số hóa nhiều lĩnh vực. Nhiều thương hiệu toàn cầu đã tin tưởng vào Bangladesh, ví dụ H&M có hơn 1.000 mục dành cho các nhà cung cấp có trụ sở tại Bangladesh trên trang web của mình.

Kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Bangladesh đạt giá trị 47 tỷ USD vào năm ngoái. Nước này cũng là một trong những nhà sản xuất giày và đồ da lớn trên thế giới.

Chính phủ lâm thời của ông Yunus cho biết họ muốn đẩy lùi tham nhũng và cải cách các thể chế như bộ máy quan liêu và tư pháp, điều mà các nhà điều hành cho rằng sẽ giúp các lĩnh vực xuất khẩu của Bangladesh trở nên cạnh tranh hơn.

Các nhà sản xuất hàng may mặc và giày dép đã được hưởng lợi từ nguồn lao động dồi dào và giá rẻ của Bangladesh. Họ hy vọng ông Yunus, người được ca ngợi trên toàn cầu vì đã thành lập ngân hàng vi mô tiên phong Grameen Bank, có thể trấn an các thương hiệu quốc tế đang lo ngại về tình hình bất ổn tại quốc gia Nam Á này. Nhưng không rõ nhà lãnh đạo mới sẽ có bao nhiêu thời gian.

Các nhà xuất khẩu nước này mong muốn ông Yunus nắm quyền ít nhất một năm, nhưng một số chuyên gia pháp lý cho rằng chính phủ không được bầu cử phải tập trung vào việc khôi phục ổn định và chuẩn bị cho các cuộc bầu cử mới sớm hơn.

Minh Trang (Theo Financial Times)