|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp xuất khẩu dệt may 'hàng nào cũng nhận', miễn là có thể giữ chân công nhân

14:04 | 11/04/2023
Chia sẻ
Vitas cho biết phải đến tháng 7-8/2023, thị trường dệt may mới ấm trở lại. Trong lúc chờ thị trường rã băng, một số doanh nghiệp phải giảm tỷ trọng các sản phẩm cao cấp, thế mạnh và sản xuất những sản phẩm thị trường cần, phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng trong giai đoạn lạm phát.

Từ tháng 7/2023, thị trường dệt may mới ấm trở lại

Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam quý I/2023 ước đạt 8,7 tỷ USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là mức giảm sâu nhất trong quý I, xét trong giai đoạn 2019 đến nay. 

 

Đại diện Vitas cho biết bước sang quý II, các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh, căng thẳng Nga – Ukraine và đặc biệt là lạm phát gia tăng tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, sức mua hàng dệt may giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp chưa có đơn hàng. Vitas dự kiến tới tháng 7 - 8/2023 thị trường mới ấm trở lại.

Trong lúc chờ thị trường “rã băng”, các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam vẫn đang xoay xở đủ mọi cách để duy trì sản xuất, giữ chân công nhân.

Trao đổi với người viết, ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng giám đốc Thường trực Tổng công ty May 10 cho biết tình hình quý II, III được dự báo vẫn khá xấu.

“Ở thời điểm này, chúng tôi không có quyền lựa chọn, tất cả những sản phẩm có thể vận hành trong máy may doanh nghiệp đều nhận, không phân biệt hàng cao cấp hay thấp cấp. Không riêng May 10, các doanh nghiệp dệt may khác cũng vậy.

Điều quan trọng lúc này là duy trì sản xuất và giữ chân lao động, chờ thị trường phục hồi”, ông Bạch Thăng Long nói.

Ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng giám đốc Thường trực Tổng công ty May 10. (Ảnh: Hami)

Trước đó, một lãnh đạo khác của May 10 chia sẻ với báo chí rằng quý I/2023, tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp này giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Còn quý II, quý III thông thường là giai đoạn cao điểm, nhưng năm nay có vẻ không mấy khả quan. Lượng hàng quý II của May 10 ước tính giảm 20-30%, còn quý III vẫn chưa nhận được thông tin đặt hàng mới từ đối tác.

Ông Bạch Thăng Long cho biết thêm từ đầu năm đến hết tháng 4 này, 120.000 công nhân thuộc 18 nhà máy của May 10 vẫn làm việc bình thường, tuy nhiên trong bối cảnh đơn hàng quý II giảm thì sẽ không tránh khỏi việc cắt giảm giờ làm trong tháng 5, 6.

Bối cảnh này trái ngược với 6 tháng đầu năm 2022, khi nhu cầu tiêu thụ phục hồi, đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may cấp tập, trong khi nhiều lao động bị mắc COVID-19, phải nghỉ phép cách ly, số công nhân còn lại phải tăng ca cho kịp đơn hàng giao cho khách.

Trong lúc đơn hàng và giờ làm của công nhân giảm, việc giữ chân lao động là bài toán chung của các doanh nghiệp dệt may trong quý tới. Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT VitaJean, Phó Chủ tịch Hiệp hội May Thêu Đan TP HCM cho biết các nhà máy của doanh nghiệp này đã giảm công suất xuống 80%, các dây chuyên sản xuất sản phẩm cao cấp chỉ còn hoạt động 30%.

Công ty chủ trương không cắt giảm công nhân, tất cả sẽ cùng san sẻ khó khăn, giờ làm việc sẽ giảm từ 8 tiếng xuống còn 7 tiếng và không có tăng ca. Ông Việt cho biết doanh nghiệp “đói” đơn hàng, thu nhập của người lao động cũng giảm tới 40%. Chủ tịch VitaJean kỳ vọng căng thẳng Nga – Ukraine sẽ hạ nhiệt vào quý III, đơn hàng nhiều và nhà máy sẽ nhộn nhịp trở lại, thu nhập công nhân cải thiện hơn.

Xuất khẩu nhiều mặt hàng “ăn tiền” giảm mạnh

Như thông tin các lãnh đạo chia sẻ phía trên, thời điểm này sản phẩm nào mang có thể sản xuất được, các doanh nghiệp đều nhận. Theo thống kê của Vitas, kể cả những sản phẩm cao cấp hay thấp cấp đều ghi nhận giảm mạnh, trừ một số dòng đặc thù như quần áo bảo hộ lao động, áo sơmi, bộ comple, canavat/nơ, khăn bàn… vẫn giữ được đà tăng trưởng dương.

 

Theo đó trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu hai sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong hàng dệt may là áo thun và quần lao dốc. Kim ngạch xuất khẩu áo thun và quần ở mức 733 triệu USD và 701 triệu USD, lần lượt giảm 14% và 23,5% so với cùng kỳ năm 2022.

 

Ở chiều ngược lại, xuất khẩu áo sơmi, comple lần lượt ở mức 448 triệu USD và 8 triệu USD, tăng 30% và 63% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu những dòng quần áo đặc thù như bảo hộ lao động và áo đạo Hồi ghi nhận tăng trưởng mạnh với 34% và 104%, tương ứng 89 triệu USD và 8 triệu USD.

Trong giai đoạn khó khăn của thị trường, các doanh nghiệp cần phải phải đánh giá và rà soát các sản phẩm, thị trường, tối ưu chi phí để tồn tại. Ví dụ như May 10, doanh nghiệp này đang tính toán giảm tỷ trọng hàng thời trang cao cấp, sản xuất ra sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu, túi tiền của khách hàng trong bối cảnh suy thoái.

Thị trường ngày càng cạnh tranh, doanh nghiệp không thể lơ là

Khi người tiêu dùng thắt chặt hầu bao với hàng dệt may, đồng nghĩa với cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam bị thu hẹp lại và các quốc gia, các doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh khốc liệt để giành lấy đơn hàng.

Trong cuộc họp với Bộ Công Thương mới đây, bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết ngày 28/3, Canada công bố danh sách các nước được hưởng ưu đãi phổ cập thuế quan kéo dài từ năm 2023 - 2034 cho một số đối thủ cạnh tranh dệt may với Việt Nam như Bangladesh, Sri Lanka, Ai Cập, Pakistan…

Nhà nhập khẩu dệt may ở Canada cho biết điều này khiến họ yên tâm nhập khẩu sản phẩm dệt may của Bangladesh từ nay đến năm 2034. Bà Quỳnh lưu ý đây là những yếu tố mà các ngành dệt may cần phải lưu ý.

Ngoài ra sự cạnh tranh kể trên, Vitas cho biết các thị trường nhập khẩu dệt may lớn của Việt Nam như Mỹ, EU đưa ra nhiều quy định khắt khe về nguồn gốc của sản phẩm như Đạo luật Ngăn chặn lao động cưỡng bức người Ngô Duy Nhĩ (UFLPA) có hiệu lực từ ngày 21/6/2022, Luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức có hiệu lực từ ngày 1/1/2023... Điều này đòi hỏi doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa tới vấn đề truy xuất nguồn gốc.

Chia sẻ về điều này, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng thư ký Vitas cho biết vấn đề truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng dệt may rất quan trọng trong việc minh bạch thông tin sản phẩm, người tiêu dùng có cơ sở lựa chọn hàng hóa chính hãng và cơ quan quản lý nhà nước có thể quản lý và kiểm soát hàng hóa.

“Tất cả các sản phẩm làm ra trong chuỗi cung ứng đó phải đảm bảo tuân thủ, không những là vấn đề lao động, các cam kết lao động trong các công ước cũng như là trong toàn chuỗi cung ứng.

Doanh nghiệp dệt may làm hàng FOB, ODM phải nghiên cứu những quy định truy xuất nguồn gốc của Việt Nam và các nước nhập khẩu thì mới có thể xuất khẩu sản phẩm vào các thị trường” bà Mai nhận định.

Để đối mặt với môi trường kinh doanh đang biến động, bất định, phức tạp, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Vitas khẳng định chỉ có phát triển bền vững, linh hoạt mới có thể giúp doanh nghiệp dệt may nước ta đứng vững trên thị trường.

Phạm Mơ

Cập nhật kết quả quý I ngân hàng: Techcombank tạm dẫn đầu, LPBank báo lãi tăng mạnh nhất
Nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý I với lợi nhuận phân hoá rõ nét, bảng xếp hạng lợi nhuận lại tiếp tục có xáo trộn với sự vươn lên trước của Techcombank.