|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Xuất khẩu ngành dệt may chạm đáy, Dệt may TNG ước doanh thu quý I hơn 1.333 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ

10:59 | 10/04/2023
Chia sẻ
Trong bối cảnh việc xuất khẩu ngành dệt may cả nước chạm đáy khi nhiều doanh nghiệp thiếu vắng đơn hàng trong quý I/2023, Dệt may TNG báo cáo doanh thu tăng trưởng 6% so với cùng kỳ năm 2022.

CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (Mã: TNG) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 3/2023 với doanh thu đạt 561 tỷ đồng, tăng 149 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 36%.

Lũy kế 3 tháng đầu năm 2023, doanh thu tiêu thụ của TNG ước đạt 1.333 tỷ đồng, tăng 6% so với quý I/2022 nhưng giảm 12% so với quý cuối năm 2022.

Năm 2023, theo tài liệu Đại hội đổng cổ đông thường niên, Dệt may TNG đặt kế hoạch doanh thu 7.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 299 tỷ đồng, tăng lần lượt 11% và 2% so với kết quả năm ngoái. Với kết quả trên, công ty đã thực hiện được gần 18% chỉ tiêu doanh thu năm sau ba tháng.

 Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty. 

Tăng trưởng xuất khẩu dệt may quý I chạm đáy

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (GSO), kim ngạch xuất khẩu dệt may trong quý I/2023 đạt 7,1 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức giảm sâu nhất trong quý I, xét trong giai đoạn 2009 đến nay.

Trước tác động của lạm phát toàn cầu, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu với các sản phẩm không thiết yếu khiến xuất khẩu dệt may sang các thị trường trong điểm như Mỹ, EU giảm mạnh, nhiều dự báo cho rằng ngành dệt may năm nay sẽ kém khả quan. 

Kể từ quý IV/2022 đến nay, các doanh nghiệp dệt may đa số trong tình trạng thiếu đơn hàng, nhà máy hoạt động dưới công suất, điều này khiến kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này giảm mạnh.

Chia sẻ với báo chí bên lề diễn đàn “Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững”, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết nhu cầu hàng dệt may năm 2023 vốn đã bị thu hẹp bởi tác động của lạm phát, dịch bệnh, căng thẳng địa chính trị giữa Nga – Ukraine, nay càng sụt giảm hơn trước những lo ngại về bất ổn của thị trường tài chính, khủng hoảng ngân hàng.

“Dự báo quý I năm nay, tăng trưởng xuất khẩu của May 10 giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Còn quý II, quý III là thời điểm cao điểm, nhưng năm nay có vẻ không mấy khả quan. Hiện, lượng hàng quý II ước tính giảm 20 - 30%, còn quý III, đến nay May 10 vẫn chưa nhận được thông tin đặt hàng mới từ khách hàng”, ông Việt nói.

Không riêng May 10, một doanh nghiệp lớn khác là Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean) cũng ngậm ngùi giảm công suất nhà máy, “tạm đóng” dây chuyền hàng chất lượng cao vì thiếu đơn hàng.

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT VitaJean, Phó Chủ tịch Hiệp hội May Thêu Đan TP HCM cho biết sức mua của các thị trường Nhật Bản, Mỹ, EU chưa phục hồi, còn thị trường nội địa trong tháng 2 vừa qua cũng ghi nhận giảm khoảng 20 - 30%.

“Các nhà máy của chúng tôi giảm công suất xuống 80%, những dây chuyền sản xuất sản phẩm cao cấp bị đình trệ, công nhân bị giảm giờ làm việc. ”, ông Việt nói.

Ông Việt cho rằng triển vọng của ngành dệt may nửa đầu năm 2023 vẫn ảm đạm, ít nhất phải từ quý III/2023, thị trường mới dần hồi phục, giá nguyên liệu đầu vào giảm, hạ bớt áp lực cho doanh nghiệp. Tia hy vọng này vẫn khá mong manh khi căng thẳng Nga - Ukraine vẫn chưa hạ nhiệt, mọi dự báo đều khó có độ chính xác cao. 

Minh Hằng