|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp dệt may đối mặt với rủi ro khi đối tác muốn thanh toán chậm tới 90 ngày

09:54 | 10/05/2023
Chia sẻ
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho biết một số đối tác mới không muốn sử dụng phương thức L/C, yêu cầu thanh toán bằng cách chuyển tiền với độ trễ lên tới 90 ngày, điều này đang tạo ra rủi ro lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu dệt may.

Tại tọa đàm: “Đầu tư và thương mại quốc tế trong thế giới đầy biến động: Doanh nghiệp cần làm gì?”, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP May Việt Tiến cho biết kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam quý I đạt 8,7 tỷ USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2022.

Trước cú sốc đơn hàng giảm, các doanh nghiệp trong ngành đang tìm mọi cách nhằm đa dạng hóa thị trường, tìm ra những phân khúc thị trường riêng, tuy nhiên quá trình cũng gặp nhiều rào cản về thương mại.

Liên quan đến rủi ro thanh toán, ông Giang cho biết trong bối cảnh thị trường khó khăn, các đối tác quốc tế luôn gây áp lực, không còn đàm phán bình đẳng, thậm chí khách hàng cũng không sử dụng phương thức thanh toán an toàn như L/C, mà yêu cầu thanh toán bằng chuyển tiền với độ trễ 30-60 ngày, thậm chí 90 ngày, điều này tạo ra rủi ro lớn cho doanh nghiệp.

“Có một doanh nghiệp dệt may tại miền Trung làm việc với đối tác tại châu Mỹ La-tinh, nhưng đối tác này lại yêu cầu thanh toán chậm lên tới 90 ngày. Điều này khiến các doanh nghiệp đứng trước nguy cơ vừa ít đơn hàng, vừa dễ gặp rủi ro trong thương mại”, ông Vũ Đức Giang nói.

Ngoài việc thanh toán chậm, doanh nghiệp dệt may đang phải đối mặt với loạt hàng rào kỹ thuật được các thị trường dựng lên “một cách bất ngờ”, ngay khi thấy lượng hàng xuất khẩu của nước ta tăng đột biến.

Cùng với đó, thị trường xuất khẩu chính như châu Âu (EU) luôn có những yêu cầu khắt khe, kể cả khi doanh nghiệp Việt Nam chưa thể áp dụng do pháp luật chưa quy định thì các đối tác nước ngoài vẫn cắt đơn hàng.

Doanh nghiệp dệt may chủ động tìm kiếm thị trường mới, nhưng vướng phải nhiều rủi ro. (Ảnh: TTXVN)

Câu chuyện của ngành dệt may đại diện cho những khó khăn chung của các doanh nghiệp xuất khẩu trong năm 2023, kinh tế vốn được dự báo ảm đạm.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm nay, cả nước có 78.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 77.000 doanh nghiệp, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tại tọa đàm, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VIAC nhận định dưới những tác động của tình hình kinh tế thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam đang ở giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi đổi mới.

Ông Lộc cho rằng số lượng doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế suy giảm mạnh bởi có giai đoạn số doanh nghiệp rời khỏi thị trường nhiều hơn số doanh nghiệp ra đời. Hiện, các doanh nghiệp đang hoạt động phải thu hẹp quy mô, giảm hiệu suất kinh doanh, doanh nghiệp thiếu đơn hàng, khả năng thanh khoản yếu, tiếp cận tín dụng rất khó khăn.

“Khu vực tư nhân suy yếu, xuất khẩu khó khăn, đó là những dấu hiệu không vui cho tình hình kinh tế ở Việt Nam, đặc biệt trong 2 tháng đầu năm 2023.

Bước sang cuối tháng 3, đầu tháng 4 tín hiệu đã lạc quan hơn, số lượng doanh nghiệp đã tăng trưởng trở lại và đặt ra nhiều hy vọng vào quý III và quý IV. Song tình hình vẫn còn phụ thuộc vào diễn biến của thị trường thế giới”, ông Vũ Tiến Lộc nói.

Trong bối cảnh những rủi ro thương mại quốc tế, tranh chấp đến từ khách hàng nước ngoài đang có xu hướng gia tăng, Chủ tịch VIAC khuyến cáo các doanh nghiệp chủ động nâng cao nội lực, năng lực pháp lý, phòng ngừa các tranh chấp.

Đề nghị Chính phủ cần tiếp tục có các biện pháp phục hồi, hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt đẩy mạnh đầu tư công, các chính sách pháp lý, các dự án tài phán tiền tệ cần được thúc đẩy một cách linh hoạt hơn.

Về phía hiệp hội, Chủ tịch Vitas cho rằng trong giai đoạn các doanh nghiệp mở rộng thị trường mới, các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ, tư vấn về các vấn đề pháp lý, kỹ năng phòng ngừa và giải quyết tranh chấp có hiệu quả.

Ông Vũ Đức Giang cũng đề nghị Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tham gia, hỗ trợ doanh nghiệp ngay từ khi các công ty đặt bút ký hợp đồng với đối tác cho đến khâu thanh toán, cũng như thông tin kịp thời về những thay đổi tại các thị trường quốc tế.

Hoàng Anh

Nâng cấp quan hệ Việt Nam - Brazil lên Đối tác chiến lược
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Brazil Lula da Silva đã nhất trí nâng cấp quan hệ Việt Nam - Brazil lên Đối tác chiến lược và ra Tuyên bố chung Việt Nam – Brazil về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược.