Doanh nghiệp dệt may 'bùng nổ' lợi nhuận trong quý III
9 tháng đầu năm nay, sản xuất ngành dệt và trang phục của Việt Nam phục hồi tốt. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số ngành dệt tăng 13%, chỉ số sản xuất trang phục tăng 10% so với cùng kỳ.
Về xuất khẩu hàng dệt may, kim ngạch đạt hơn 27 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ. Trong đó, những thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng.
Trước những tín hiệu tích cực, nhiều doanh nghiệp dệt may báo lãi tăng trưởng trong quý III.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex – Mã: VGT) ước lãi trước thuế 207 tỷ đồng trong quý III, tăng 80% so với cùng kỳ. Động lực tăng trưởng của Vinatex đến từ việc đơn hàng tăng cao trong thời gian gần đây khi tình hình chính trị bất ổn diễn ra tại các quốc gia xuất khẩu hàng dệt may lớn như Bangladesh và Myanmar.
Trước đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) từng dự báo về sự chuyển dịch đơn hàng từ các quốc gia này sang Việt Nam. Vì thế, doanh nghiệp dệt may nội địa sẽ được hưởng một số lợi thế nhất định và có thể đón nhận thêm những đơn hàng mới trong ngắn hạn.
Tương tự, CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (Mã: TNG) ghi nhận hơn 11 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 63% so với cùng kỳ. Kết quả này có được từ việc công ty việc tập trung khai thác các dòng hàng khó, phức tạp cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu. Các đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường mới đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng doanh thu.
Trong cuộc trao đổi giữa lãnh đạo công ty và Chứng khoán BIDV (BSC) hồi tháng 9, TNG cho biết, công ty tự tin có thể hoàn thành các kế hoạch kinh doanh đặt ra. Lượng đơn hàng của TNG đã được lấp đầy công suất đến hết năm 2024 nhờ các khách hàng quen thuộc như Decathlon, Asmara, Haddad, Sportmaster.
Dù doanh thu “đi xuống” trong quý III nhưng CTCP Sợi Thế Kỷ (Mã: STK) vẫn báo lãi gấp gần 5 lần cùng kỳ, đạt 82 tỷ đồng nhờ khoản hoàn nhập chênh lệch tỷ giá. Tính đến cuối tháng 9, khoảng 75% dư nợ vay tài chính của Sợi Thế Kỷ là bằng USD, do đó, việc tỷ giá USD/VND suy giảm trong quý III là nguyên nhân giúp công ty hưởng lãi từ tỷ giá.
Tại Hội thảo "Gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam" do GS và SSI tổ chức hồi tháng 10, SSI Research thông tin, công ty chưa có đơn hàng trong năm 2025. Ban lãnh đạo giải thích rằng điều này là do vấn đề với dây chuyền kiểm tra sản phẩm tự động vẫn chưa được khắc phục, trong khi mức tồn kho của các thương hiệu thời trang thể thao chưa giảm.
Quý này, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Mã: TCM) ước đạt 89 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ.
TCM cho biết, tính tới thời điểm hiện tại đã nhận khoảng 90% kế hoạch doanh thu đơn hàng năm 2024. Công ty kỳ vọng trong nửa cuối năm, tình hình đơn hàng xuất khẩu sẽ khả quan hơn và hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm đề ra.
Trong báo cáo phân tích hồi tháng 9, Chứng khoán An Bình (ABS) cũng dự báo, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sẽ tiếp tục khả quan do nhu cầu về hàng hóa và tiêu dùng tăng cao về cuối năm, đặc biệt với các dịp lễ tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của TCM gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Tương tự, CTCP Dệt may Huế (Mã: HDM) cũng báo kết quả kinh doanh khởi sắc trong quý III với hơn 26 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 66% so với cùng kỳ do mảng sợi giảm lỗ.
Công ty cho biết, ngành sợi của công ty đã có sự chuyển dịch đơn hàng từ châu Âu về châu Á, đặc biệt là đẩy mạnh việc bán hàng vào thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc giúp giảm rủi ro và chi phí vận tải.
Đối với ngành may, thị trường có sự chuyển biến tích cực hơn so với cùng kỳ khi khách hàng có nhu cầu tăng đặt hàng để đáp ứng cho dịp lễ Giáng sinh, năm mới và bổ sung thêm tồn kho dự trữ của khách hàng trong bối cảnh lạm phát được kiềm chế ở một số nước lớn như Mỹ và Châu Âu.
Cơ hội nào cho ngành dệt may?
Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại thuộc Bộ Công Thương, ở thời điểm hiện tại, tín hiệu đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may trong nước khá tích cực. Việt Nam là nước duy nhất trong bốn quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới có thị phần tăng trưởng ở các quốc gia.
Xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam dự báo sẽ cải thiện trong những tháng cuối năm và đầu năm 2025 nhờ yếu tố chu kỳ, đơn hàng dồi dào. Trong đó, xuất khẩu sang các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đang hồi phục tốt, riêng EU vẫn còn yếu.
Bên cạnh những yếu tố tích cực, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại cũng cho rằng trong thời gian tới, ngành dệt may vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức do nhu cầu thị trường chưa cải thiện ổn định, cước vận tải biển, chi phí sản xuất được dự báo tiếp tục tăng.
Trong báo cáo về ngành dệt may hồi tháng 10, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, các doanh nghiệp dệt may ở Việt Nam đang đứng trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, không chỉ với các quốc gia khác mà còn giữa những doanh nghiệp nội địa. Nghĩa là khả năng sinh lời không có nhiều dư địa để mở rộng đối với các doanh nghiệp trong ngành ở thời điểm hiện tại.
Trong dài hạn, cơ hội tăng trưởng sẽ đến với các doanh nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến để cải thiện năng suất, hoặc định hướng sản phẩm có giá trị gia tăng cao như hàng thiết kế, tạo ra sự khác biệt nhằm cạnh tranh về chất lượng thay vì giá.