Ngành bia tăng trưởng trong quý III nhưng khó khăn vẫn còn ở phía trước
Thị trường bia Việt Nam có tính tập trung cao với phần lớn thị phần nằm trong tay 4 thương hiệu lớn là Heineken, Sabeco, Carlsberg và Habeco. Theo Chứng khoán Phú Hưng (PHS), tính đến cuối năm ngoái, 4 thương hiệu này chiếm tổng cộng khoảng 93% thị phần, với 43% cho Heineken, 34% cho Sabeco, 9% cho Carlsberg và 7% cho Habeco.
Nếu chia theo từng phân khúc, ở dòng bia cao cấp và cận cao cấp, Heineken đang thống trị thị trường Việt Nam, tiếp đến Sabeco. Đối với phân khúc trung cấp, cận cao cấp thì Sabeco chiếm ưu thế. Còn Habeco có nhiều sản phẩm ở phân khúc trung cấp và bình dân.
Có thể thấy, giai đoạn 2020 - 2023 là thời điểm khó khăn của ngành bia khi dịch COVID-19 bùng phát. Cùng với đó là sức cầu suy yếu, chính sách siết đồ uống có cồn và xu hướng hạn chế bia rượu ở giới trẻ.
Bước sang năm 2024, ngành bia bắt đầu hồi phục và đón nhận những tín hiệu tích cực hơn khi tình hình kinh tế được cải thiện. Điều này được phản ánh qua kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là khi bước sang quý III.
Doanh nghiệp bia đồng loạt báo tin mừng
Quý III, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - Mã: SAB) ghi nhận doanh thu thuần tăng 3% lên 7.670 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp đạt 29,7%, giảm so với mức 30,1% của quý III năm ngoái.
Trừ đi các chi phí, Sabeco báo lãi sau thuế tăng 8% lên 1.161 tỷ đồng nhờ doanh số bán hàng gia tăng khi tình hình kinh tế cải thiện, dù Nghị định 100 vẫn được thực thi nghiêm ngặt và sự cạnh tranh trong ngành vẫn gay gắt.
Sabeco hiện là nhà sản xuất bia lớn thứ hai tại Việt Nam sau Heineken với 26 nhà máy bia có công suất thiết kế lên đến 2,4 tỷ lít/năm.
Trong quý III, loạt đơn vị thành viên Sabeco ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng như CTCP Bia Sài Gòn - Miền Trung (Mã: SMB), CTCP Bia Sài Gòn - Sông Lam (Mã: BSL), CTCP Bia Sài Gòn - Phú Thọ (Mã: BSP)…
Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco - Mã: BHN) cũng có một quý kinh doanh khả quan. Doanh thu thuần tăng 3% so với cùng kỳ, đạt hơn 2.335 tỷ đồng. Biên lãi gộp được cải thiện, tăng từ 26% lên 28%.
Lợi nhuận sau thuế Habeco đạt 138 tỷ đồng, tăng 29% so với quý III/2023. Công ty cho biết, lợi nhuận đi lên nhờ tình hình tiêu thụ các sản phẩm được cải thiện trong bối cảnh nền kinh tế trong nước dần ổn định hơn so với năm trước. Bên cạnh đó là sự nỗ lực của công ty trong việc kiểm soát các khoản chi phí sản xuất.
Quý này, nhiều doanh nghiệp thuộc Habeco có lợi nhuận tăng trưởng gồm CTCP Thương mại Bia Hà Nội (Mã: HAT), CTCP Bia Hà Nội - Thanh Hóa (Mã: THB), CTCP Bia Hà Nội - Hải Dương (Mã: HAD)..
Trái ngược với kết quả tích cực của các doanh nghiệp trên, Heineken Việt Nam đã trải qua một quý không mấy thuận lợi.
Theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Heineken ghi nhận cả doanh số và sản lượng tiêu thụ trong quý III đều giảm nhẹ một chữ số - thấp hơn thị trường chung, chủ yếu bị ảnh hưởng bởi Tiger và sự phụ thuộc lớn vào kênh ontrade (hàng quán) trong bối cảnh Nghị định 100 tiếp tục được cơ quan chức năng thực thi một cách chặt chẽ.
Gam “màu nắng” hiếm hoi của Heineken Việt Nam trong quý này là đẩy mạnh đầu tư mảng phổ thông và ghi nhận tăng trưởng 2 chữ số tại các thương hiệu như Bia Viet, Larue..
Cơ hội nào cho ngành bia?
Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng và dự kiến tiếp tục kéo dài thêm 10 năm nữa, với 67% dân số trong độ tuổi lao động từ 15 - 64, trong đó, 36% dân số trong nhóm tuổi 15 - 40, là nhóm tiêu thụ bia chủ yếu.
Tiêu thụ bia bình quân đầu người tại Việt Nam vượt xa mức bình quân toàn cầu và có xu hướng tăng mạnh từ 23 lít/người vào năm 2009 lên mức 43 lít/người vào năm 2023 (CAGR đạt 4,7%/năm).
“Ngoài ra, sự gia tăng lượng khách du lịch nội địa và quốc tế sau đại dịch được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ bia, đặc biệt là trải nghiệm các thương hiệu bia nội địa”, trích từ báo cáo phân tích của Chứng khoán Phú Hưng (PHS).
Ngoài những yếu tố thuận lợi, các doanh nghiệp ngành bia cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức như sự cạnh tranh ngày gay gắt khiến việc tăng giá trực tiếp cho mỗi sản phẩm trở nên khó khăn hơn trong tương lai. Việc cơ cấu lại các sản phẩm để phù hợp với thị hiếu, thị trường cũng là thách thức không hề nhỏ.
Ngoài ra, dự án Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp vào tháng 5/2025 đưa ra các phương án sửa đổi điều chỉnh theo hướng tăng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt và thu hẹp lộ trình tăng thuế đối với mặt hàng bia, dự kiến sẽ tác động tiêu cực đến ngành sản xuất bia Việt Nam trong các năm tới.
Theo PHS, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia dự kiến gây ra nhiều tác động đáng kể, bao gồm giảm nhu cầu tiêu thụ, đặc biệt trong phân khúc khách hàng có thu nhập thấp. Điều này ảnh hưởng đến biên lợi nhuận buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh chiến lược giá hoặc giảm chi phí để duy trì cạnh tranh và thúc đẩy chuyển dịch tiêu dùng sang các sản phẩm thay thế khác như rượu hoặc các sản phẩm nhập lậu rẻ tiền hơn.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngành bia có thể đối mặt với sự không ổn định về giá nguyên vật liệu, nhất là khi lạm phát toàn cầu gia tăng và xung đột giữa Ukraine và Nga vẫn chưa có hồi kết. Vì ba nguyên liệu chính để sản xuất bia là malt, hoa bia và đại mạch đa phần đều được nhập từ nước ngoài.