|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hàng trăm doanh nghiệp thua lỗ quý III, một đơn vị nhà nước lỗ trên nghìn tỷ

14:58 | 01/11/2024
Chia sẻ
Khoản lỗ lớn nhất trong quý III đến từ một doanh nghiệp xăng dầu lên tới nghìn tỷ đồng, theo sau là một đơn vị khai khoáng.

Thống kê từ Wichart có thấy, có gần 900 doanh nghiệp trên HOSE, HNX, UPCoM đã công bố báo cáo tài chính quý III. Trong đó, có hơn 150 đơn vị báo lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ (lợi nhuận ròng) âm.

Số liệu doanh thu thuần của NVB và ABB lấy từ thu nhập lãi thuần.  (Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ Wichart).

CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR) hiện là doanh nghiệp trên sàn chứng khoán ghi nhận khoản lỗ ròng lớn nhất trong quý III. Cụ thể, công ty lỗ ròng 1.210 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 3.260 tỷ đồng. Đây là khoản lỗ đầu tiên của BSR trong 4 năm qua, doanh nghiệp đã có lãi liên tục kể từ quý III/2020.

BSR cho biết, lý do thua lỗ lớn do giá dầu thô và sản phẩm giảm mạnh trong quý III. Giá dầu thô (Dated Brent) giảm từ 85,31 USD/thùng trung bình tháng 7 xuống còn 74,33 USD/thùng trong tháng 9, khoảng cách giữa giá dầu thô và giá sản phẩm cũng thu hẹp nhiều so với quý II và cùng kỳ năm ngoái.

Loạt đơn vị khai khoáng báo lỗ

Xếp ở vị trí thứ hai là CTCP Masan High-Tech Materials (Mã: MSR) khi lỗ ròng 345 tỷ đồng, tăng so với mức lỗ cùng kỳ 229 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính khiến công ty thua lỗ do áp lực chi phí đầu vào tăng cao khiến lãi gộp suy giảm. Bên cạnh đó, công ty còn phải gánh khoản chi phí hoạt động lớn, đặc biệt là chi phí tài chính.

Tính riêng trong quý III, công ty phải trả gần 335 tỷ đồng tiền lãi. Các khoản vay MSR phần lớn là nợ trái phiếu, chủ yếu dùng để phục vụ, đầu tư cho mỏ khoáng sản Núi Pháo, thuộc Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo (công ty con do MSR sở hữu 100% vốn).

Quý III, CTCP Than Núi Béo (Mã: NBC) chứng kiến mức lỗ kỷ lục 104 tỷ đồng. Công ty cho rằng, đây là con số tạm tính do chưa thanh quyết toán chi phí với tập đoàn mẹ.

Theo Than Núi Béo, thời tiết bất lợi trong quý II và III, mưa lớn dài ngày, đặc biệt trong tháng 9 chiụ thiệt hại rất lớn từ bão Yagi dẫn đến phải dừng sản xuất dài ngày. Chất lượng than sản xuất giảm, công tác tiêu thụ than giảm làm kết quả sản xuất kinh doanh đi xuống. 

"Bão Yagi kèm lượng mưa lớn gây ảnh hưởng nặng nề đến khu vực sản xuất của công ty", là  lý giải về kết quả kinh doanh không thuận lợi trong quý III của CTCP Than Vàng Danh (Mã: TVD).

Công ty cho biết, mưa lớn kèm giông bão làm mất điện lưới đa gây ngập các đường lò mức -50 khu cánh gà, mức -10 và mức -175 khu giếng Vàng Danh dẫn đến diện tích sản xuất tại các khu vực này bị ảnh hưởng không sản xuất được. Bên cạnh đó, công ty phải dừng sản xuất để khắc phục sự cố, các chi phí này cùng với thời gian dừng sản xuất đã tác động tiêu cực đến doanh thu và lợi nhuận.

Kết quả, Than Vàng Danh lỗ ròng 57 tỷ đồng, mức lỗ lớn nhất trong lịch sử hoạt động của công ty.

Bão Yagi "cuốn bay" lợi nhuận công ty bảo hiểm

Không chỉ đơn vị khai khoáng, nhiều công ty bảo hiểm cũng chịu thiệt hại nặng nề từ cơn bão Yagi. 

Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (Mã: BHI) ghi nhận khoản lỗ ròng 54 tỷ đồng trong quý III. Nguyên nhân đến từ việc doanh thu phí bảo hiểm gốc giảm khi ngừng triển khai một số sản phẩm bảo hiểm, bồi thường tăng do ảnh hưởng bão Yagi.

Tổng CTCP Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (Vinare - Mã: VNR) lỗ ròng 46 tỷ đồng, cùng kỳ lãi gần 51 tỷ đồng.

Theo giải trình từ Vinare, việc công ty chịu lỗ trong quý III đến từ lợi nhuận gộp hoạt động kinh doanh giảm so với cùng kỳ, chủ yếu do các tổn thất liên quan đến cơn bão Yagi làm tăng chi phí bồi thường thuộc trách nhiệm giữ lại của Vinare. Các tổ thất chủ yếu nằm ở nhóm nghiệp vụ bảo hiểm tài sản và kỹ thuật.

Cùng cảnh ngộ, Tổng CTCP Bảo hiểm Hàng không (VNI - Mã: AIC) lỗ ròng 39 tỷ đồng trong quý này.

AIC cho biết, nguyên nhân dẫn đến khoản lỗ trong quý III là do ảnh hưởng từ bão Yagi khiến cho tổng chi phí bồi thường tăng mạnh, tác động đến lợi nhuận của công ty. Theo ghi nhận của AIC, 100% tổn thất xe cơ giới sau bão Yagi tại công ty đã được xử lý. 

Nhóm tôn mạ, thép có kết quả kém sắc

Theo báo cáo tài chính quý IV niên độ tài chính 2023 - 2024 (1/10/2023 -30/9/2024), CTCP Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) ghi nhận khoản lỗ 186 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 438 tỷ đồng do giá vốn và chi phí bán hàng tăng mạnh.

Nhờ các quý trước kinh doanh khả quan nên kết thúc niên độ tài chính 2023 - 2024, doanh nghiệp tôn mạ vẫn vượt kế hoạch đề ra với 510 tỷ đồng lãi ròng, gấp 17 lần niên độ trước.

Ngoài áp lực từ việc giá vốn ăn mòn doanh thu, trong quý III, CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (Mã: TLH)  còn đối mặt với khoản lỗ lớn từ công ty liên doanh, liên kết. Điều này dẫn đến việc công ty lỗ ròng hơn 120 tỷ đồng và là mức lỗ theo quý lớn nhất từ trước đến nay của công ty.

Tương tự, Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSteel - Mã: TVN) lỗ ròng gần 96 tỷ đồng do giá vốn hàng tăng cao so với cùng kỳ. Cùng với đó là các chi phí hoạt động như bán hàng, quản lý doanh nghiệp cùng “đi lên”.

CTCP Gang thép Thái Nguyên (Tisco - Mã: TIS) báo lỗ hơn 84 tỷ đồng trong quý này. Công ty lý giải rằng thị trường thép tiếp tục khó khăn với giá bán thép giảm sâu, trong khi giá nguyên vật liệu đầu vào giảm ít hơn, dẫn đến lỗ gộp trung bình 18.253 đồng/tấn, chưa bao gồm chi phí khác.

Khó khăn vẫn đang bủa vây CTCP Đầu tư Thương mại SMC (Mã: SMC) trong quý III với khoản lỗ ròng gần 79 tỷ đồng. Nguyên chính đến từ việc doanh thu tiếp tục sụt giảm trong khi công ty vẫn phải chi một khoản lớn chi phí hoạt động.

Hai nhà băng lỗ lớn

Quý III, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank – Mã: ABB) lỗ ròng 285 tỷ đồng, cùng kỳ lãi gần 24 tỷ đồng. Đây là mức lỗ lớn nhất kể từ năm 2021 đến nay của nhà băng này.

Nguyên nhân chính khiến ABBank thua lỗ đến từ việc sụt giảm lợi nhuận thuần từ kinh doanh (giảm hơn 31%), trong khi chi phí dự phòng rủi ro lại tăng mạnh.

Ngoài ABBank, một ngân hàng khác cũng ghi nhận khoản lỗ ròng 65 tỷ đồng, chủ yếu do khoản lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm mạnh, trong khi chi phí hoạt động và chi phí dự phòng gia tăng do đang trong lộ trình tái cơ cấu được NHNN phê duyệt.

HAGL Agrico vẫn chưa thoát lỗ

CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - Mã: HNG) tiếp tục trải qua một quý kinh doanh ảm đạm khi lỗ ròng 182 tỷ đồng. Việc liên tục thua lỗ khiến công ty ghi nhận khoản lỗ luỹ kế tính tới cuối quý III là 8.648 tỷ đồng.

Giải trình, HAGL Agrico cho biết trong quý III sản lượng cây ăn trái là 2.903 tấn, giảm 56% so với cùng kỳ (6.556 tấn), nên doanh thu chỉ đạt gần 50 tỷ đồng.

Nguyên nhân chủ yếu đến từ diện tích vườn chuối thu hoạch trong kỳ giảm so với cùng kỳ (từ 1.920 ha giảm còn 494 ha), do diện tích vườn chuối trông lâu năm, chất lượng và năng suất không còn đạt hiệu quả nên công ty phải dừng chăm sóc để tập trung làm lại mặt bằng, cải tạo vườn cây để nâng cao chất lượng và hiệu quả.

Đồng thời công ty đang triển khai mô hình xí nghiệp với việc đầu tư hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị cơ giới hóa, áp dụng quy trình kỹ thuật mới để ổn định về sản lượng, nâng cao năng suất và chất lượng trong thời gian tới.

Dù có doanh thu tăng trưởng trong quý III nhưng CTCP Đầu tư Nam Long (Mã: NLG) vẫn lỗ ròng hơn 52 tỷ đồng do giá vốn bán hàng tăng cao, lãi từ công ty liên doanh và liên kết giảm mạnh. Bên cạnh đó, công ty vẫn phải gánh khoản lớn các chi phí hoạt động.

Lâm Anh