|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Quý buồn của doanh nghiệp xăng dầu

07:00 | 01/11/2024
Chia sẻ
Cả doanh nghiệp sản xuất và phân phối xăng dầu đều có một quý kinh doanh kém sắc trong bối cảnh giá dầu thô, giá bán lẻ xăng dầu trên thị trường cùng suy giảm.

Doanh thu của nhóm kinh doanh xăng dầu chịu tác động trực tiếp bởi giá dầu. Song, lợi nhuận gộp chịu tác động bởi nhiều yếu tố như cơ cấu thành phẩm xăng dầu tiêu thụ, hàng tồn kho, quỹ bình ổn,...dù được nhận một khoảng lợi nhuận cố định trên mỗi lít xăng dầu tiêu thụ.

Quý III năm nay, thị trường dầu mỏ thế giới ghi nhận sự suy yếu khi giá dầu chạm mốc thấp nhất trong gần 3 năm. Giá dầu Brent đạt mức trung bình 79 USD/thùng, giảm 8% so với cùng kỳgiảm 7% so với quý II. Điều này đã làm cho biên lợi nhuận kinh doanh xăng dầu giảm và tăng chi phí vốn do tăng trích lập dự phòng hàng tồn kho.

 Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ BCTC.

Lợi nhuận suy giảm

Quý III, doanh thu thuần Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex - Mã: PLX) đạt 64.324 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 130 tỷ đồng, giảm lần lượt 11%, 82% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân chính dẫn đến lợi nhuận của Petrolimex suy giảm do quý này công ty không ghi nhận khoản tiền lớn từ việc thoái vốn tại ngân hàng PGBank như cùng kỳ. Bên cạnh đó, lợi nhuận kinh doanh xăng dầu cũng thấp hơn so với quý III/2023 do giá dầu “đi xuống”. 

Một cửa hàng bán lẻ xăng dầu của Petrolimex. (Ảnh: Lâm Anh).

Petrolimex hiện đang là nhà cung cấp các sản phẩm xăng dầu lớn nhất trên thị trường Việt Nam, chiếm 47% thị phần xăng dầu nội địa. Tập đoàn hiện sở hữu mạng lưới phân phối hơn 4.790 trạm bán lẻ và các đại lý trên toàn quốc.

Xếp ở vị trí thứ hai là Tổng công ty Dầu Việt Nam – CTCP (PV OIL – Mã: OIL) khi chiếm 22-25% thị phần nội địa. Công ty hiện sở hữu và vận hành gần 850 cây xăng trên toàn quốc và có gần 1.800 cây xăng đại lý mang thương hiệu PV OIL để cung cấp nhiên liệu cho khách hàng.

Quý này, PV OIL ghi nhận 31.077 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 29% so với cùng kỳ. Song, lợi nhuận sau thuế giảm 84% xuống 37 tỷ đồng trong bối cảnh giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu "đi xuống".

Cụ thể, Cơ quan quản lý Nhà nước đã điều hành giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu quý III với mức giảm từ 2.390 đồng/lít đến 3.180 đồng/lít (tùy từng mặt hàng) so với cuối quý II. Trong khi cùng kỳ năm trước, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu quý III tăng từ 3.320 đồng/lít đến 5.420 đồng/lít so với cuối quý II.

Tương tự, CTCP Vật tư Xăng Dầu (Mã: COM) đã trải qua một quý kinh doanh ảm đạm khi doanh thu thuần giảm 13% xuống 981 tỷ đồng, lãi sau thuế giảm 50% xuống 7 tỷ đồng.

Thậm chí, CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (Mã: PSH) còn báo lỗ gần 183 tỷ đồng, cùng kỳ lãi hơn 11 tỷ đồng trong bối cảnh doanh thu bán hàng sụt giảm nghiêm trọng, cùng với đó là áp lực chi phí tài chính gia tăng. Tính đến cuối tháng 9, công ty xăng dầu ghi nhận khoản lỗ luỹ kế hơn 282 tỷ đồng.

Đối với đơn vị sản xuất xăng dầu, tình hình kinh doanh quý này cũng không mấy tươi sáng. CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR) ghi nhận doanh thu thuần 31.946 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

BSR cho biết quý III giá dầu thô và sản phẩm giảm mạnh. Kinh doanh dưới giá vốn khiến BSR ghi nhận khoản lợi nhuận gộp âm 1.470 tỷ đồng.

Công ty báo lỗ sau thuế 1.209 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 3.235 tỷ đồng. Đây là khoản lỗ đầu tiên của BSR trong 4 năm qua, doanh nghiệp đã có lãi liên tục kể từ quý III/2020.

Cơ hội nào cho doanh nghiệp xăng dầu?

Mới đây, Bộ Công Thương đã công bố dự thảo Nghị định lần 4 về kinh doanh xăng dầu, dự kiến sẽ thay thế thay thế Nghị định số 83/2014 và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014. Nghị định mới dự kiến sẽ được thông qua vào cuối năm 2024 và có hiệu lực từ đầu năm 2025.

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, dự thảo Nghị định mới có tác động tích cực hơn đối với các thương nhân kinh doanh và phân phối xăng dầu do các quy định về chi phí kinh doanh phản ánh sát sao hơn những thay đổi thực tế về chi phí của doanh nghiệp như giảm thời gian điều hành các chi phí cấu thành trong công thức giá bán tối đa.

Ngoài ra, dự thảo cũng không còn quy định về quỹ bình ổn giá xăng dầu. Bên cạnh đó, việc tự quyết định giá bán (nhưng thấp hơn giá cơ sở) sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp đầu ngành như Petrolimex, PV OIL do có thể tận dụng các ưu thế của doanh nghiệp về hệ thống phân phối, kho dự trữ xăng dầu để tăng tổng chi phí hoạt động định mức và lợi nhuận định mức thực nhận để cải thiện biên lợi nhuận gộp.

 Nguồn: VCBS.

Đồng quan điểm, Chứng khoán Vietcap cũng kỳ vọng, Nghị định mới về ngành xăng dầu sẽ có tác động tích cực đến lợi nhuận của Petrolimex và PV OIL thông qua việc tăng sản lượng bán và giành lại thị phần.

Bên cạnh đó, đơn vị phân tích còn dự báo, lợi nhuận Petrolimex và PV OIL sẽ  tăng trưởng ở mức 2 chữ số mỗi năm trong giai đoạn 2024-2028.

Điều này được thúc đẩy bởi sự gia tăng đáng kể trong chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức vào giữa năm 2023 và giữa năm 2024, và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới để phù hợp với CPI Việt Nam.

Chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức được giữ ổn định trong giai đoạn 2014-2022 mặc dù lương, chi phí vận chuyển và chi phí quản lý tăng, dẫn đến biên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh/lít xăng dầu của PLX và OIL giảm mạnh. 

Lâm Anh