|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hòa Phát, ACV, PV Power tăng tốc rót vốn vào các siêu dự án

17:25 | 07/11/2024
Chia sẻ
Các công ty lớn đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm để sớm vận hành thời gian tới, sớm tạo ra các tài sản chiến lược trong mô hình kinh doanh.

Những dự án trọng điểm đang được nhiều doanh nghiệp lớn đẩy nhanh tiến độ, rót thêm đến nghìn tỷ đồng trong quý III để tiến gần đến giai đoạn hoàn thành. Những "cú đấm thép" này có thể làm thay đổi đáng kể quy mô kinh doanh và đón đầu những cơ hội phục hồi của thị trường.   

Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) đang dồn lực vào Khu liên hợp gang thép Dung Quất 2 - dự án có quy mô đầu tư khoảng 3 tỷ USD, được tài trợ 50% bởi khoản vay hợp vốn với các ngân hàng và còn lại là vốn tự có.

Ghi nhận trên thuyết minh báo cáo tài chính, chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại siêu dự án trên đã lên đến gần 52.500 tỷ đồng (2 tỷ USD). Điều này có nghĩa tập đoàn đã rót khoảng 10.000 tỷ đồng trong quý III và lũy kế từ đầu năm bơm thêm gần 30.000 tỷ đồng. 

 Hòa Phát rót thêm 10.000 tỷ đồng vào Dung Quất 2 một quý, tiến gần đến giai đoạn chạy chính thức vào cuối năm. Ảnh: HPG.

KLH Dung Quất 2 có công suất thiết kế là 5,6 triệu tấn/năm, bao gồm 4,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng HRC và 1 triệu tấn thép đặc biệt. Trong đó giai đoạn 1 dự kiến cho ra khoảng 1,5 triệu tấn/năm. Hòa Phát dự kiến sẽ mất khoảng 3 năm để dự án được vận hành đạt mức tối đa, qua đó nâng công suất thép thô lên hơn 14 triệu tấn/năm.   

Về tiến độ xây dựng, Hòa Phát cho biết đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng và các hạng mục xây dựng trong năm 2023; tiếp tục lắp đặt máy móc thiết bị giai đoàn quý II-III năm nay. Dự án đã gần như hoàn thành việc lắp đặt các dây chuyền chính cho phân kỳ 1 và đạt một nửa tiến độ của phân kỳ 2.

Lò cao đầu tiên dự kiến khai lò vào cuối quý IV, các dây chuyền đúc và cán thép cũng sẽ hoạt động trong tháng 12, đưa phân kỳ 1 vào chạy chính thức. Phân kỳ 2 với công suất tương đương dự kiến hoàn thành vào quý IV/2025. 

Theo Chứng khoán BIDV, sn ng ca nhà máy Dung Qut 2 có th đm bo trong năm 2025 nhờ sự thiếu hụt HRC trong nước, chi phí sn xut đã cnh tranh đưc vi hàng Trung Quc, đồng thời được kỳ vọng hưởng lợi từ áp thuế CBPG thời gian tới. 

Sau Dung Quất 2, tập đoàn này tiếp tục tham vọng với cú đấm thép mới khi muốn triển khai nhà máy thép tại Phú Yên với quy mô khủng 120.000 tỷ đồng (5 tỷ USD), với sản phẩm chủ lực là thép kết cấu chất lượng cao mà Việt Nam đang nhập khẩu 100%. 

Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power - Mã: POW) cũng đẩy mạnh giải ngân cho dự án trọng điểm Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4. Đây là tổ hợp nhà máy điện sử dụng LNG đầu tiên tại Việt Nam có quy mô công suất 1.500 MW và tổng vốn đầu tư 1,4 tỷ USD. 

Tổng chi phí xây dựng cơ bản dở dang đến cuối quý III đạt hơn 18.300 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với đầu năm. Trong đó, kinh phí rót vào Dự án Nhà máy Điện khí Nhơn Trạch 3,4 là lớn nhất với hơn 17.500 tỷ đồng.     

Tiến độ tổng thể của gói thầu EPC dự án ước đạt 94% tính đến cuối tháng 9, ký hợp đồng mua bán điện với EPTC vào đầu tháng 10. Tổ hợp Nhơn Trạch 3 dự kiến chính thức phát điện thương mại vào tháng 11 và nhà máy Nhơn Trạch 4 là tháng 5/2025. 

Chứng khoán MB đánh giá tổ hợp Nhơn Trch 3&4 khi đi vào hoạt động s thúc đy quy mô doanh thu PV Power tăng trưởng 55% trong năm 2025, nhưng tổ hợp dự án này có thể ghi nhn l trong 2 năm đu.   

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (Mã: ACV) hướng trọng tâm đến siêu dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư khoảng 16 tỷ USD, công suất 100 triệu hành khách/năm. Riêng nguồn vốn cho giai đoạn 1 là gần 5,5 tỷ USD. 

Theo báo cáo tài chính quý III, ACV ghi nhận giá trị xây dựng cơ bản dở dang tại sân bay Long Thành là hơn 9.500 tỷ đồng, chiếm 2/3 tổng giá trị xây dựng và cao hơn gần 4.200 tỷ so với đầu năm. Tính riêng quý III, ACV đã rót thêm hơn 1.700 tỷ đồng cho tổ hợp này.  

 ACV rót thêm 1.700 tỷ đồng để đẩy nhanh tiến độ sân bay Long Thành. Ảnh: Phước Tuấn. 

Tổng công ty cũng đang ứng trước nguồn tiền lớn cho các nhà thầu. Thuyết minh báo cáo cho thấy số tiền ứng nhiều nhất cho Tập đoàn IC ICTAS với 1.568 tỷ đồng; tiếp đến là Hancorp 526 tỷ, Vinaconex hơn 463 tỷ đồng...

Cập nhật tiến độ dự án đến cuối tháng 9, tháp không lưu đã cất nóc, đang hoàn thiện. Gói thầu nhà ga hành khách đến nay đạt trên 8.300 tỷ đồng, tương đương 25% giá trị hợp đồng, dự kiến hoàn thành trước 12/2025. Công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ đạt khoảng 2.015 tỷ đồng, tương đương 27%.

Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (Mã: DGC) cũng đang đẩy nhanh cho công tác đầu tư các dự án. Doanh nghiệp dự kiến khởi công Tổ hợp Xút Nghi Sơn vào tháng 12; khánh thành đi vào sản xuất Nhà máy cồn tại Đăk Nông cuối năm.   

Dự án Nghi Sơn đã được lùi tiến độ khởi công sang quý IV do chậm giải phóng mặt bằng. Dự án có quy mô vốn giai đoạn 1 là 2.400 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu dự kiến là 55%. Công suất thiết kế giai đoạn 1 là 50.000 tấn NAOH/năm. 

Doanh nghiệp đang ghi nhận chi phí xây dựng dở dang tại dự án Đăk Nông hơn 300 tỷ đồng, tăng hơn 8 lần so với đầu năm. Giá trị dở dang tại tại dự án Nghi Sơn vẫn chỉ khoảng 135 tỷ đồng do bị lùi tiến độ đáng kể. 

Một số doanh nghiệp khác cũng đẩy mạnh đầu tư cho tài sản chiến lược. Vận tải và Xếp dỡ Hải An (Mã: HAH) vừa quyết định vay thêm tối đa 312 tỷ đồng tại ngân hàng để đầu tư tàu container Toro, Bên bán tàu là Lamda Seatrading.

Công ty đã sở hữu 15 tàu với tổng sức chở là 23.000 TEU, tương đương 31% thị phần container trong nước. Đến tháng 9, Xếp dỡ Hải An còn thông qua chủ trương đầu tư thêm một tàu cũ loại Panamax với sức chở từ 3.500-5.000 TEU nhằm tham gia vào các tuyến vận tải khu vực xa hơn.  

Container Việt Nam (Viconship -Mã: VSC) đang hoàn thiện hệ sinh thái khi mới mua thêm cổ phần để nắm giữ 40% vốn Vận tải biển Vinaship. Trước đó, công ty đã thực hiện thương vụ M&A Cảng Nam Hải Đình Vũ để trở thành đơn vị cảng biển lớn nhất cụm cảng Hải Phòng. 

Tập đoàn Dabaco (Mã: DBC) đang triển khai dự án chăn nuôi heo tại tỉnh Thanh Hoá và dự án lợn giống tại tỉnh Phú Thọ. Khi hai dự án này đi vào vận hành đầy đủ, tổng quy mô công suất mảng chăn nuôi heo của Tập đoàn Dabaco sẽ tăng thêm 25%.

Động lực tăng trưởng thời gian tới còn đến từ mảng vaccine thú y. Yuanta Việt Nam nhận định vaccine có thể được Dabaco thương mại hoá chính thức vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2025. Nhà máy Dacovet với công suất 200 triệu liều/năm khi đi vào hoạt động sẽ sản xuất đồng thời các loại vaccine ASF, tai xanh và lở mồm long móng. 

Huy Lê

31 doanh nghiệp chốt quyền chia cổ tức trong tuần tới, Dược Hậu Giang có tỷ lệ cao nhất
Trong tuần từ 23/12 đến 27/12, thị trường chứng khoán có 31 doanh nghiệp chốt ngày giao dịch không hưởng quyền để nhận cổ tức tiền mặt.