|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp cảng biển lãi lớn trong quý III

15:10 | 04/11/2024
Chia sẻ
Nhiều doanh nghiệp ngành cảng biển báo có kết quả tích cực trong quý III khi nhu cầu và sản lượng hàng hoá thông qua cảng tăng sao. Song ngành này được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại và có thể đón nhận nhiều yếu tố khó đoán định thời gian tới.

Bức tranh kinh doanh của ngành cảng biển khá tươi sáng trong quý III khi có 9/13 đơn vị báo lợi nhuận tăng trưởng và chỉ 2/13 doanh nghiệp có lợi nhuận "đi lùi".

Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ BCTC.

Nhóm vận hành, khai thác cảng biển “thăng hoa”

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC - Mã: MVN)  một đơn vị sở hữu hệ thống cảng biển hàng đầu cả nước báo lãi sau thuế tăng 63% so với cùng kỳ lên 603 tỷ đồng, nhờ mở rộng doanh thu. Bên cạnh đó, công ty còn ghi nhận khoản tiền đền bù bàn giao tài sản di dời tại cảng Hoàng Diệu (213 tỷ đồng) từ công ty con -  Cảng Hải Phòng.

Cũng nhờ khoản tiền đền bù lớn, CTCP Cảng Hải Phòng (Mã: PHP) cũng ghi nhận mức lãi quý cao nhất kể từ khi niêm yết. Cụ thể, công ty báo lãi sau thuế gần 374 tỷ đồng, gấp 2,2 lần so với quý III/2023.

Hàng hoá được bốc xếp tại khu vực cảng Hải Phòng. (Ảnh: Lâm Anh).

Quý này, lãi sau thuế của CTCP Gemadept (Mã: GMD) tăng 33% so với cùng kỳ lên 448 tỷ đồng; nhờ nguồn thu từ hoạt động khai thác cảng, logistic gia tăng. Bên cạnh đó, công ty còn nhận khoản lãi lớn từ công ty liên kết, liên doanh trong kỳ (222 tỷ đồng).

Lượng hàng hoá thông qua cảng gia tăng, cùng với khoản cổ tức nhận được từ công ty liên kết trong kỳ lớn, CTCP Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ (Mã: DVP) báo lãi sau thuế 128 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với quý III/2023.

CTCP Container Việt Nam (Viconship - Mã: VSC) cũng có một quý kinh doanh thuận lợi. Công ty ghi nhận 78 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 56% so với cùng kỳ nhờ hoạt động cảng biển sôi động trở lại. Bên cạnh đó, việc công ty tìm được nguồn vốn vay ưu đãi đã tiết giảm được đáng kể chi phí lãi vay trong kỳ.

Tương tự, CTCP Cảng Đà Nẵng (Mã: CDN), CTCP Cảng Đồng Nai (Mã: PDN), CTCP Cảng Cát Lái (Mã: CLL) đều có lợi nhuận tăng trưởng trong quý này.

Trong khi đó, lợi nhuận CTCP Cảng Quy Nhơn (Mã: QNP) lại “đi lùi” dù ghi nhận doanh thu tăng trưởng so với cùng kỳ, do các chi phí hoạt động đều tăng.

CTCP Cảng Sài Gòn (Mã: SGP) báo lợi nhuận sau thuế giảm 93% xuống 7 tỷ đồng do áp lực giá vốn bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao.

Hai thái cực ở nhóm vận tải biển

Quý III, lợi nhuận sau thuế CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (Mã: HAH) tăng 145% so với cùng kỳ lên 277 tỷ đồng, đây là mức lãi cao nhất trong vòng 8 quý của công ty.

Doanh nghiệp lý giải lợi nhuận quý này được cải thiện khi công ty đưa 3 tàu vào khai thác sử dụng gồm HA Alfa, HA Beta, HA Opus. Cùng với đó là sản lượng vận tải, giá cước vận tải tăng dẫn tới doanh thu và lợi nhuận hoạt động khai thác tàu tăng mạnh.

Số tàu cho thuê và giá cước cho thuê tàu quý này cũng tăng. Thêm vào đó, hoạt động Zim Hải An bắt đầu có lãi từ quý II năm nay và tăng mạnh vào quý III.

Dù có doanh thu tăng trưởng 79% so với cùng kỳ nhưng CTCP Vận tải Biển Việt Nam (Vosco - Mã: VOS) vẫn báo lỗ. Nguyên nhân đến từ việc giá vốn bán hàng tăng cao khiến lãi gộp mỏng, cùng với đó là khoản lỗ chênh lệch tỷ giá lớn.

CTCP Vận tải Biển Vinaship (Mã: VNA) báo lỗ gần 4 tỷ đồng trong quý III do khoản lỗ tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp “đi lên” so với cùng kỳ.

 Giai đoạn tăng trưởng mạnh đã qua

Trong báo cáo mới đây về ngành cảng biển, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo, lượng hàng hóa thông quan sẽ chậm lại trong quý IV nhưng vẫn duy trì tăng trưởng dương so với cùng kỳ.

Nhu cầu tiêu dùng sẽ cải thiện rõ ràng hơn trong nửa cuối năm 2025 do động thái hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cần thời gian thẩm thấu, sau đó là kích thích nhu cầu tiêu dùng.

Tuy nhiên, đơn vị phân tích cũng lưu ý, triển vọng thương mại toàn cầu năm 2025 vẫn tiềm ẩn rủi ro “lơ lửng” khiến dự báo đi không đúng quỹ đạo, gồm kết quả bầu Tổng thống Mỹ vào ngày 5/11 và căng thẳng địa chính trị dai dẳng.

Kết quả bầu cử sẽ tác động sâu sắc đến những động lực này, quyết định các chính sách trong tương lai về thuế quan và hiệp định thương mại”, VDSC viết trong báo cáo.

Trong trường hợp bà Harris trúng cử, quỹ đạo của quan hệ Việt – Mỹ dưới nhiệm kỳ tổng thống của Harris sẽ không khác biệt nhiều so với hiện tại do bà đã giữ chức Phó Tổng thống dưới chính quyền Biden.

Mặt khác, triển vọng thương mại của Việt Nam sẽ ẩn chứa nhiều yếu tố bất lợi hơn nếu ông Trump tái đắc cử. Quan điểm của ông Trump là giảm thâm hụt thương mại của Mỹ và biện pháp ông đưa ra là áp dụng hàng rào thuế quan 60% hàng hóa từ Trung Quốc và 10% đối với các quốc gia khác. Ngoài ra, Việt Nam đã từng bị điều tra là quốc gia thao túng tiền tệ, nên khả năng ông Trump việc mở lại các cuộc điều tra hoàn toàn có thể xảy ra trong nhiệm kỳ thứ hai.

Về vấn đề sung đột địa chính trị, giá năng lượng, giá cước vận tải biển hoặc đứt gãy chuỗi cung ứng có thể là một kênh dẫn truyền quan trọng đến nền kinh tế toàn cầu vì chúng tác động đến chi phí sản xuất, lạm phát và chi tiêu của người tiêu dùng, từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Theo VDSC, điều này đã được chứng minh qua cuộc chiến giữa Nga – Ukraine, xung đột tại Trung Đông. Hiện tại, khu vực Châu Á đang tiềm ẩn rủi ro chính trị giữa Triều Tiên – Hàn Quốc và Trung Quốc – Đài Loan.

Lâm Anh

Data Talk ‘Theo dấu dòng tiền định chế tài chính: Top 10 cổ phiếu đáng quan tâm năm 2025’
Cùng chuẩn bị những hành trang đầu tư cho 2025, những phân tích hữu ích của các chuyên gia trên nền tảng dữ liệu quy mô hàng đầu - những gì bạn cần cho quyết định đầu tư trong năm 2025. Tất cả có trong Data Talk số tháng 12/2024 với chủ đề "Theo dấu dòng tiền định chế tài chính: Top 10 cổ phiếu đáng quan tâm năm 2025".