|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu dệt may vẫn trên đà giảm, ít nhất đến quý IV mới phục hồi

07:45 | 22/05/2023
Chia sẻ
4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt khoảng 11,7 tỷ USD, giảm 20% so cùng kỳ năm trước. Đại diện Vitas dự báo đà giảm này có thể kéo dài đến hết quý III và ít nhất sang quý IV mới phục hồi trở lại.

Thông tin từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) trong tháng 4, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt hơn 3 tỷ USD, giảm 21% so với tháng 4/2022. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt khoảng 11,7 tỷ USD, giảm 20% so cùng kỳ năm trước.

Vinatex cho biết xuất khẩu dệt may sang hầu hết thị trường đều ghi nhận giảm mạnh, Mỹ và Trung Quốc lao dốc 30%; EU giảm 12%. Duy nhất chỉ có Nhật Bản tăng trưởng 6,6% so cùng kỳ năm trước, vượt qua EU trở thành thị trường xuất khẩu dệt may lớn thứ hai của Việt Nam.

Tại Diễn đàn Toàn cảnh Ngân hàng 2023, ông Trương Văn Cẩm cho rằng tình hình kinh tế ảm đạm đang tác động rất lớn đến nhu cầu tiêu dùng của người dân và lượng đơn hàng của doanh nghiệp.

Từ cuối quý III/2022 đến nay, ngành dệt may đã bắt đầu ngấm đòn của lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu, cả đơn hàng và đơn giá đều giảm tới 20-30%, cá biệt một số mặt hàng giá giảm tới 40-50%. Đây là điều chưa từng xảy ra với ngành dệt may.

Ngoài yếu tố vĩ mô, ngành dệt may hiện đang chịu thêm một “quả tạ” mang tên hàng tồn kho cao. Sau khi dịch COVID-19 hạ nhiệt, các đối tác tăng mua vào nên nửa đầu năm 2022, đơn hàng dệt may rất nhiều, giá xuất khẩu tốt.

Tuy nhiên, hàng giao đến tay khách hàng cũng là lúc kinh tế suy giảm, tiêu thụ kém, hiện tồn kho của các nhãn hàng vẫn còn tới 25-30%. Cùng với đó, chi phí vốn tăng cao trở thành gánh nặng đối với doanh nghiệp.

“Sự sụt giảm về đơn hàng, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may có thể kéo dài sang quý III và ít nhất sang quý IV mới dần phục hồi”, ông Trương Văn Cẩm nói.

Tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Vitas cho rằng những chính sách về tín dụng, điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, điển hình như việc giảm lãi suất hay ban hành Thông tư 02/2023 đã giúp cơ cấu lại nhóm nợ cho doanh nghiệp.

Ông Trương Văn Cẩm đề xuất ngành ngân hàng cơ cấu lại nguồn vốn giữa các ngành kinh tế, bởi hiện nay dư nợ dành cho ngành dệt may còn rất hạn chế, trong khi đó nhu cầu vốn để chuyển đổi ngành này rất lớn, khoảng 500.000-600.000 tỷ đồng.

Hoàng Anh