Đi ngược thị trường, Dệt may TNG báo doanh thu tăng trưởng tháng thứ 4 liên tiếp
CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (Mã: TNG) vừa công bố doanh thu tiêu thụ tháng 5/2023 đạt 668 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn so với tháng 4 trước đó, kết quả này tăng 6,5%.
Lũy kế 5 tháng đầu năm, doanh thu tiêu thụ của công ty đạt 2.630 tỷ đồng, tăng 159 tỷ đồng, tương ứng tăng 6,5% so với cùng kỳ. Trong đó xuất khẩu chiếm 98%, chủ yếu sang các nước Mỹ (47%), Pháp (16%), Canada (11%),...
Thành tích trên của Dệt may TNG đi ngược lại thị trường. Theo số liệu mới nhất, 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt khoảng 11,7 tỷ USD, giảm 20% so cùng kỳ năm trước.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết xuất khẩu dệt may sang hầu hết thị trường đều ghi nhận giảm mạnh, Mỹ và Trung Quốc lao dốc 30%; EU giảm 12%. Duy nhất chỉ có Nhật Bản tăng trưởng 6,6% so cùng kỳ năm trước, vượt qua EU trở thành thị trường xuất khẩu dệt may lớn thứ hai của Việt Nam.
Tại Diễn đàn Toàn cảnh Ngân hàng 2023, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng tình hình kinh tế ảm đạm đang tác động rất lớn đến nhu cầu tiêu dùng của người dân và lượng đơn hàng của doanh nghiệp.
Từ cuối quý III/2022 đến nay, ngành dệt may đã bắt đầu ngấm đòn của lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu, cả đơn hàng và đơn giá đều giảm tới 20 - 30%, cá biệt một số mặt hàng giá giảm tới 40 - 50%. Đây là điều chưa từng xảy ra với ngành dệt may.
“Sự sụt giảm về đơn hàng, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may có thể kéo dài sang quý III và ít nhất sang quý IV mới dần phục hồi”, ông Trương Văn Cẩm nói.
Trước áp lực của lạm phát, không riêng gì Việt Nam, xuất khẩu dệt may của các nhà sản xuất lớn như Bangladesh, Ấn Độ, Trung Quốc... đều đang trên đà giảm.
“Thực tế, 5 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới đều đã không ngăn được sự suy giảm kim ngạch xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước, mức giảm trung bình khoảng 15%", Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) thông tin.