Giá dầu thô giảm mạnh 3% vì lo ngại thuế đối ứng của Mỹ làm giảm nhu cầu
Hợp đồng dầu Brent giảm 1,97 USD, tương đương 2,63%, xuống còn 72,98 USD/thùng vào lúc 06h35 (giờ GMT), sau khi có thời điểm giảm tới 3,2% – mức giảm phần trăm lớn nhất trong ngày kể từ 5/3. Dầu thô Mỹ WTI cũng giảm 2 USD, tương đương 2,8%, xuống còn 69,7 USD/thùng sau khi có lúc giảm tới 3,4%.
Hôm thứ Tư, ông Trump công bố mức thuế tối thiểu 10% đối với hầu hết hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ – quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới – và mức thuế cao hơn nhiều đối với hàng hóa từ hàng chục quốc gia. Động thái này làm leo thang cuộc chiến thương mại toàn cầu, có nguy cơ đẩy lạm phát lên cao và làm chậm tăng trưởng kinh tế của Mỹ cũng như toàn cầu.
"Thông báo về thuế quan của Mỹ đã khiến thị trường bất ngờ. Trước đó, nhiều đồn đoán cho rằng mức thuế sẽ là 15-20% đồng đều, nhưng quyết định cuối cùng còn mạnh tay hơn," ông Yeap Jun Rong, chiến lược gia thị trường tại IG, nhận định qua email.
Đối với giá dầu, mối quan tâm hiện nay chuyển sang triển vọng tăng trưởng toàn cầu, vốn có thể bị điều chỉnh giảm do các mức thuế cao hơn dự kiến. Tuy nhiên, Nhà Trắng xác nhận rằng dầu thô, khí đốt và các sản phẩm tinh chế sẽ không bị áp thuế trong đợt này.
Thông tin về thuế quan khiến thị trường chao đảo vào thứ Năm, với chỉ số Nikkei của Nhật Bản rơi xuống mức thấp nhất trong 8 tháng, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc xuống mức thấp nhất trong 7 tuần và chứng khoán châu Á lao dốc trong phiên giao dịch đầu ngày.
"Chúng ta biết điều này sẽ tác động tiêu cực đến thương mại, tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ. Nhưng chưa rõ mức độ ảnh hưởng sẽ nghiêm trọng đến đâu vì tác động sẽ dần thể hiện theo thời gian," ông Bjarne Schieldrop, chuyên gia phân tích hàng hóa tại SEB, nhận định.
Cùng ngày, các nhà phân tích của UBS đã hạ dự báo giá dầu giai đoạn 2025-2026 xuống còn 72 USD/thùng, giảm 3 USD/thùng, do các yếu tố nền tảng suy yếu.
Giới giao dịch và phân tích kỳ vọng giá dầu sẽ biến động mạnh trong thời gian tới, khi các quốc gia có thể đàm phán mức thuế thấp hơn hoặc áp thuế trả đũa.
Thị trường cũng đang chờ đợi kết quả cuộc họp của OPEC+ vào thứ Năm. Nhóm này dự kiến sẽ tiếp tục kế hoạch tăng sản lượng dầu thêm 135.000 thùng/ngày vào tháng 5, đồng thời thảo luận về việc thuyết phục Kazakhstan tuân thủ hạn ngạch sản xuất và kế hoạch bù đắp sản lượng dư thừa.
Tâm lý thị trường tiếp tục chịu áp lực sau khi dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng 6,2 triệu thùng trong tuần trước, trái ngược với dự báo giảm 2,1 triệu thùng của giới phân tích.
Lượng tồn kho tăng lên do Mỹ gia tăng nhập khẩu dầu từ Canada, giữa những lo ngại rằng dầu nhập khẩu từ quốc gia này có thể bị áp thuế. Dữ liệu EIA cũng cho thấy nhu cầu xăng giảm và hoạt động lọc dầu giảm – một dấu hiệu tiêu cực khi các nhà máy lẽ ra phải tăng sản xuất trước mùa du lịch hè.