|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

HAGL chưa thanh toán khoản nợ quá hơn 3.000 tỷ

08:19 | 30/08/2023
Chia sẻ
Tính tới ngày 29/8, HAGL còn chưa thanh toán khoản lãi vay 2.656 tỷ với BIDV và khoản nợ 404 tỷ với ba ngân hàng.

CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã: HAG) đã công bố báo cáo tài chính được soát xét bán niên bởi Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY).

Theo báo cáo soát xét, tại ngày 30/6, HAGL có tổng dư nợ vay là 8.085 tỷ đồng, bao gồm 4.115 tỷ vay ngắn hạn và 3.970 tỷ dài hạn. Nửa đầu năm, doanh nghiệp chỉ đi vay 1.307 tỷ đồng thời trả nợ gốc vay 1.317 tỷ.

  Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất.

Trong đó, dư nợ trái phiếu của công ty là 5.544 tỷ với 1.960 tỷ đến hạn trả trong vòng 1 năm. Trái chủ lớn nhất của HAGL là ngân hàng BIDV với tổng dư nợ 5.271 tỷ, ngày đáo hạn là 30/12/2026. Khoản vay trái phiếu này nhằm bổ sung vốn cho các dự án đầu tư và tái cấu trúc nợ vay của tập đoàn.

Tại ngày 30/6 và cho tới tận ngày lập báo cáo soát xét bán niên (29/8), HAGL vẫn chưa tiến hành thanh toán lãi vay phải trả đã đến hạn cuối quý II của BIDV với tổng giá trị 2.656 tỷ đồng.

Ngoài ra, HAGL có dư nợ từ ngân hàng khoảng 2.402 tỷ đồng, trong đó chỉ có 265 tỷ là vay dài hạn. Các ngân hàng có là chủ nợ của HAGL gồm Eximbank, TPBank, Sacombank, Ngân hàng Lào - Việt.

Tính tới ngày 20/8, HAGL chưa thanh toán khoản vay đến hạn với tổng giá trị 279 tỷ theo lịch cam kết với Eximbank, khoản vay 116 tỷ với Ngân hàng Lào - Việt, khoản vay 9,5 tỷ với Sacombank Lào.

Như vậy, tính tới ngày 29/8, HAGL còn chưa thanh toán khoản lãi vay 2.656 tỷ và khoản nợ 404 tỷ với ba ngân hàng.

Chi tiết khoản nợ ngân hàng của HAGL. (Nguồn: Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023).

Tại báo cáo soát xét bán niên, EY cũng nhấn mạnh đến khoản lỗ luỹ kế 2.959 tỷ của HAGL đồng thời tại ngày 30/6 khoản nợ ngắn hạn đang vượt tài sản ngắn hạn 2.004 tỷ, khiến kiểm toán thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn.

HAGL cho biết tại ngày lập báo cáo soát xét, công ty đã lập kế hoạch cho 12 tháng tiếp theo bao gồm dòng tiền dự kiến sẽ được tạo ra từ việc thanh lý một phần các khoản đầu tư tài chính, thu hồi nợ từ các đối tác, dòng tiền từ việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho các cổ đông, tiền đi vay các ngân hàng và dòng tiền tạo ra từ các dự án đang triển khai.

Tập đoàn cũng thông tin đang trong quá trình làm việc với các bên cho vay về việc điều chỉnh các điều khoản đã bị vi phạm của các hợp đồng vay và trái phiếu có liên quan. HAGL cũng đang trong đàm phán tái cơ cấu một số khoản nợ quá hạn đồng thời hoạt động kinh doanh từ heo, chuối tiếp tục tạo ra nguồn tiền lớn trong 2023.

Vì vậy, HAGL khằng định có thể hoàn trả các khoản nợ khi đến hạn.

Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư ngày 20/8, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT chia sẻ năm 2023, HAGL dự kiến có lãi như kế hoạch, trả 1.000 tỷ đồng nợ cho ngân hàng, cùng với nguồn tiền từ HAGL Agrico.

Từ 2024, công ty kỳ vọng có lợi nhuận trên 2.000 tỷ đồng và dùng để trả nợ. Ban lãnh đạo khẳng định hiện không còn nhu cầu vay vốn để đầu tư. Đến 2026, công ty sẽ cố gắng xử lý hết khoản 7.600 tỷ nợ ngân hàng.

Bên cạnh đó, HAGL vừa có tờ trình lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc chào bán 130 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cp ngay sau khi được UBCKNN chấp thuận.

Tổng số tiền thu được từ đợt chào bán là 1.300 tỷ đồng sẽ dùng để: Thanh toán khoản nợ gốc và lãi trái phiếu do công ty phát hành ngày 18/6/2012 với mã HAG2012.300 (323 tỷ đồng); Cơ cấu lại các khoản nợ vay tại TPBank cho công ty con là CTCP Gia súc Lơ Pang (277 tỷ đồng); Bổ sung nguồn vốn lưu động và cơ cấu lại nợ cho công ty con là Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai (700 tỷ đồng). 

Đây cũng không phải lần đầu HAGL bị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục và chậm thanh toán lãi vay và nợ vay. Doanh nghiệp đã bị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục kể từ báo cáo tài chính năm 2017 khi vốn lưu động âm và thường xuyên vi phạm các điều khoản của các khoản vay.

Về tình hình kinh doanh, 6 tháng đầu năm, HAGL đạt 3.145 tỷ đồng doanh thu thuần, không chênh nhiều so với báo cáo tự lập, tăng 55% so với nửa đầu 2022. Doanh nghiệp lãi ròng 382 tỷ, giảm 22 tỷ so với báo cáo tự lập và giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chi phí lãi vay và chi phí bán hàng ăn mòn hết lợi nhuận gộp của HAGL song nhờ khoản doanh thu tài chính (chủ yếu là tiền lãi cho vay) và thu nhập khác (lãi mua rẻ Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Bolaven) nên công ty vẫn báo lãi lớn nửa đầu năm.

Hoàng Kiều

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.