|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp biến động mạnh mùa soát xét bán niên

07:38 | 05/09/2023
Chia sẻ
Mùa báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2023 ghi nhận nhiều doanh nghiệp hao hụt lợi nhuận, có đơn vị tăng lỗ so với báo cáo tự lập, thậm chí chuyển từ lãi sang lỗ nặng.

Đồ họa: Justin Bùi.

Xây dựng Hòa Bình chuyển từ lãi sang lỗ đậm 

CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC) là trường hợp hiếm hoi chênh lệch lớn sau mùa soát xét bán niên năm nay. Báo cáo soát xét bán niên 2023 được thực hiện bởi Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY) cho thấy HBC lỗ sau thuế 713 tỷ đồng, trong khi báo cáo tự lập lãi 101 tỷ. Với kết quả này, HBC còn cách xa mục tiêu có lãi 125 tỷ đồng của năm 2023.

Thua lỗ 6 tháng đầu năm khiến lỗ lũy kế của HBC tại ngày 30/6 tăng lên gần 2.813 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ còn 503 tỷ, giảm 59% so với đầu năm.

Nguyên nhân là, bên cạnh việc hụt thu từ hoạt động tài chính, tăng chi phí quản lý doanh nghiệp, thì khoản mục lợi nhuận khác của HBC giảm tới 652 tỷ so với báo cáo tự lập.

Trên cáo cáo chưa soát xét, HBC ghi nhận 656 tỷ đồng từ việc bán tài sản cố định, vật tư và đây là động lực giúp tập đoàn có lãi sau thuế nửa đầu năm. Tuy nhiên thực tế sau kiểm toán, HBC chỉ ghi nhận chưa tới 6 tỷ đồng từ lãi thanh lý tài sản cố định. Tại ngày 30/6, giá trị tài sản cố định theo báo cáo soát xét của HBC hao hụt 131 tỷ về 828 tỷ đồng.

Novaland và Đại Thiên Lộc lỗ nặng hơn sau soát xét

Ở diễn biến khác, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland - Mã: NVL) là công ty báo lỗ nặng hơn sau khi được PwC kiểm toán.

Trên báo cáo soát xét, Novaland lỗ sau thuế 1.094 tỷ đồng, tăng lỗ hơn 483 tỷ đồng so với báo cáo tài chính tự lập.

Theo giải trình của doanh nghiệp, sự chênh lệch kết quả trước và sau soát xét “chủ yếu do Novaland trích lập dự phòng và điều chỉnh giảm thu nhập theo yêu cầu của kiểm toán. Tuy nhiên, đã có thỏa thuận thống nhất lịch thu tiền, dự kiến trong năm tài chính 2023 sẽ ghi nhận khoản thu nhập 283,8 tỷ đồng trong số 483,2 tỷ đồng nêu trên”.

Novaland Gallery -  trung tâm giới thiệu các dự án trọng điểm của Novaland cùng hệ sinh thái dịch vụ và tiện ích NovaGroup tại phường Đa Kao, quận 1, TP HCM. (Ảnh minh họa: MH).

Cụ thể, Novaland ghi nhận dự phòng giảm giá hàng tồn kho gần 159 tỷ đồng và thu nhập khác được điều chỉnh giảm từ 311 tỷ đồng về 27 tỷ đồng, đồng thời chi phí khác tăng gần gấp đôi, dẫn đến lỗ khác hơn 6 tỷ đồng (thay vì lãi hơn 296 tỷ đồng theo báo cáo tự lập).

Thu nhập khác được Novaland trình bày bao gồm: Thu tiền phạt vi phạm hợp đồng, lãi từ giao dịch mua rẻ, thu nhập từ bán phế liệu và công cụ dụng cụ. Riêng phần lãi từ giao dịch mua rẻ đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh của Novaland trong nhiều kỳ kế toán trước đó.

Trong nửa đầu năm 2023, thu nhập khác của Novaland được đóng góp chủ yếu bởi tiền vi phạm hợp đồng và số tiền này giảm từ 293 tỷ đồng về còn 9 tỷ đồng sau soát xét. Phần còn lại này được ghi nhận từ ông Lê Thanh Liêm do đơn phương thanh lý hợp đồng liên quan đến việc chuyển nhượng vốn góp trong Công ty TNHH Vũng Tàu Investment vào ngày 30/6/2023.

Mặc dù không đưa ra kết luận loại trừ, PwC nhấn mạnh đến khoản lỗ thuần hơn 1.000 tỷ đồng trong kỳ kết toán 6 tháng đầu năm 2023 của Novaland, cũng như ảnh hưởng đáng kể của thị trường bất động sản và thanh khoản trái phiếu đến tình hình hoạt động kinh doanh của tập đoàn.

PwC cũng đưa ra giả định về hoạt động liên tục của Novaland phụ thuộc vào khả năng tập đoàn có thể thanh toán hoặt tái cấu trúc nợ vay, trái phiếu sắp đáo hạn, cũng như thực hiện các giải pháp khác tạo ra dòng tiền để tài trợ cho hoạt động kinh doanh của tập đoàn.

Nguồn: Tổng hợp từ BCTC kiểm toán của công ty. 

CTCP Đại Thiên Lộc (Mã: DTL) chuyên sản xuất thép lá cán nguội, thép lá mạ kẽm, mạ hợp kim nhôm - kẽm và kinh doanh thép cán nóng, thép tấm, thép hình, thép xây dựng…

Sau soát xét bán niên, công ty này cũng lỗ thêm gần 18 tỷ đồng, từ mức lỗ 93 tỷ đồng trên báo cáo tự lập. Nguyên nhân được công ty giải trình do kiểm toán viên ghi nhận thêm chỉ tiêu thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại phát sinh từ việc loại trừ khoản dự phòng đầu tư vào công ty con. Đồng thời kiểm toán viên đưa ra một số bút toán điều chỉnh cho phù hợp với quy định.

Tập đoàn F.I.T "bốc hơi" 87% lợi nhuận

Sau mùa kiểm toán, một số doanh nghiệp hao hụt lợi nhuận như Hoàng Anh Gia Lai (Mã: HAG) giảm 5%, CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (Mã: ITA) giảm 6%, CTCP Vận tải Xăng dầu Vitaco (Mã: VTO) giảm 14%, CTCP Kho vận Miền Nam (Sotrans- Mã: STG) giảm 21%, CTCP Tập đoàn Điện Quang (Mã: DQC) giảm 56%,... Trong đó, ghi nhận Tập đoàn F.I.T (Mã: FIT) có lợi nhuận giảm tới 87% sau soát xét.

Báo cáo soát xét do Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C thực hiện cho thấy lợi nhuận sau thuế của CTCP Tập đoàn F.I.T (Mã: FIT) còn 33 tỷ đồng, giảm 87% so với báo cáo tự lập. Lợi nhuận ròng đạt 7 tỷ sau soát xét.

Khoản mục thay đổi nhiều nhất là doanh thu từ hoạt động tài chính khi chỉ ghi nhận 94 tỷ đồng, trong khi báo cáo tự lập là 323 tỷ.

Tập đoàn F.I.T giải trình, nguyên nhân thay đổi là do điều chỉnh lại các bút toán liên quan đến việc hợp nhất công ty con đối với khoản đầu tư vào CTCP Cap Padaran Mũi Dinh. Trên báo cáo tự lập ghi nhận 224 tỷ đồng lợi nhuận từ hợp nhất công ty con này, còn theo kiểm toán không ghi nhận.

Thực tế F.I.T đã tăng tỷ lệ sở hữu để Cap Padaran Mũi Dinh trở thành công ty con cấp hai của tập đoàn tại ngày 4/1 và ghi nhận khoản đầu tư trên báo cáo tự lập quý I và quý II/2023. Tuy nhiên đến cuối tháng 7, số cổ phần tại Cap Padaran Mũi Dinh phát hành. Do đó dẫn tới sự thay đổi trên báo cáo soát xét bán niên 2023 của Tập đoàn F.I.T. Đến hiện tại, Cap Padaran Mũi Dinh vẫn là công ty liên kết của Tập đoàn.

Với Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã: HAG), dù lợi nhuận sau thuế không chênh lệch quá nhiều so với báo cáo tự lập, phía kiểm toán Ernst & Young Việt Nam tiếp tục nhấn mạnh đến khoản lỗ luỹ kế 2.959 tỷ của HAGL.

Đồng thời tại ngày 30/6 khoản nợ ngắn hạn của công ty đang vượt tài sản ngắn hạn 2.004 tỷ, khiến kiểm toán thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn.

HAGL cho biết tại ngày lập báo cáo soát xét, công ty đã lập kế hoạch cho 12 tháng tiếp theo bao gồm dòng tiền dự kiến sẽ được tạo ra từ việc thanh lý một phần các khoản đầu tư tài chính, thu hồi nợ từ các đối tác, dòng tiền từ việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho các cổ đông, tiền đi vay các ngân hàng và dòng tiền tạo ra từ các dự án đang triển khai.

Tập đoàn cũng thông tin đang trong quá trình làm việc với các bên cho vay về việc điều chỉnh các điều khoản đã bị vi phạm của các hợp đồng vay và trái phiếu có liên quan. HAGL cũng đang trong đàm phán tái cơ cấu một số khoản nợ quá hạn đồng thời hoạt động kinh doanh từ heo, chuối tiếp tục tạo ra nguồn tiền lớn trong 2023. Vì vậy, HAGL khẳng định có thể hoàn trả các khoản nợ khi đến hạn.

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tự lập và soát xét bán niên 2023 của doanh nghiệp.

Kinh Bắc tăng lãi sau soát xét

CTCP Phát triển đô thị Kinh Bắc (Mã: KBC) là trường hợp hiếm hoi báo lợi nhuận tăng thêm sau kiểm toán. Báo cáo soát xét bán niên do Kiểm toán EY thực hiện cho thấy lợi nhuận sau thuế của KBC tăng thêm 265 tỷ đồng, tương ứng tăng 15% so với báo cáo tài chính tự lập trước đó.

KBC giải trình, nguyên nhân lợi nhuận tăng thêm do điều chỉnh tăng doanh thu và điều chỉnh giảm chi phí quản lý trong kỳ. 

Theo thuyết minh trên báo cáo đã kiểm toán, doanh thu tăng trưởng so với báo cáo tự lập chủ yếu là do doanh thu từ cho thuê đất và cơ sở hạ tầng với 4.541 tỷ đồng, tăng thêm hơn 500 tỷ so với báo cáo ban đầu và gấp 7,7 lần kết quả cùng kỳ. Còn sự thay đổi trong chi phí quản lý doanh nghiệp đến chủ yếu từ phần "chi phí khác" không được thuyết minh cụ thể.

Với lãi sau thuế 2.068 tỷ đồng sau soát xét bán niên, cao hơn cả năm 2022, công ty đã thực hiện được 52% mục tiêu lợi nhuận cho năm 2023.

 Năm 2023, KBC đề ra mục tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất cao kỷ lục với 9.000 tỷ đồng và 4.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 157% và 154% so với thực hiện trong năm 2022. (Nguồn: Tổng hợp từ BCTC kiểm toán của KBC).

Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group - Mã: OGC) cũng công bố khoản lợi nhuận sau thuế tăng 144% so với báo cáo tự lập lên 44 tỷ đồng.

Công ty giải trình nguyên nhân do các công ty con điều chỉnh giảm các khoản thuế thu nhập hoãn lại phải trả khi thực hiện thoái toàn bộ vốn khỏi công ty liên kết trong kỳ gần 21 tỷ đồng. Công ty cũng điều chỉnh giảm phân bổ lợi thế thương mại khoảng 5,2 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, trên báo cáo soát xét riêng bán niên, Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn Tài chính Kế toán và Kiểm toán Nam Việt nhấn mạnh tại ngày 30/6, tài sản ngắn hạn của công ty thấp hơn nợ ngắn hạn là gần 59,6 tỷ đồng. Điều này cho thấy "sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty", kiểm toán nêu.

Ocean Group giải trình tài sản ngắn hạn thấp chủ yếu là do các khoản dự phòng công nợ khó đòi, các khoản đầu tư từ những năm trước. Các khoản công nợ và tài sản này đã được chuyển ra theo dõi ngoại bảng trên báo cáo tài chính của công ty theo phê duyệt của ĐHĐCĐ. 

Trong thời gian qua, công ty mẹ và các đơn vị thành viên đang thực hiện tái cơ cấu các khoản đầu tư cổ phần, cổ phiếu. Các dự án bất động sản và công ty cũng đang tích cực thu hồi/bán các khoản công nợ phải thu bao gồm các khoản đã chuyển theo dõi ngoại bảng.

Các khoản tiền bao gồm tiền mặt, tiền gửi ngân hàng và tiền gửi có kỳ hạn cũng tăng mạnh duy trì lên 600 tỷ đồng. Vì vậy công ty đánh giá báo cáo tài chính được lập trên cơ sở giả định hoạt động liên tục là phù hợp.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu OGC đang thuộc diện cảnh báo lỗ lũy kế tính đến 30/6 khoảng 2.662 tỷ đồng.

Minh Hằng