|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cám gạo nhập khẩu chỉ chiếm 5% tổng cung, lệnh cấm của Ấn Độ không tác động nhiều đến giá thức ăn chăn nuôi

08:09 | 02/08/2023
Chia sẻ
Ông Phạm Kim Đăng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định mỗi năm Việt Nam cần 4,7 triệu tấn cám gạo để làm thức ăn chăn nuôi, trong đó nguồn nhập khẩu chỉ khoảng 0,7 triệu tấn/năm. Do vậy, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu cám gạo không ảnh hưởng nhiều đến thị trường thức ăn chăn nuôi của Việt Nam.

Tác động không đáng kể

Gần đây, Ấn Độ bất ngờ cấm xuất khẩu gạo tẻ thường và cám gạo, điều này cũng tạo ra những cơ hội nhất định cho gạo Việt khi nhu cầu tiêu thụ của thế giới ở mức cao. Ở chiều ngược lại, Việt Nam vẫn nhập khẩu gạo cấp thấp và cám gạo từ Ấn Độ, câu hỏi đặt ra rằng liệu lệnh cấm này có ảnh hưởng đến thị trường thức ăn chăn nuôi của nước ta?

Tại họp báo của Bộ NN&PTNT, ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định nhu cầu sử dụng cám gạo của Việt Nam không lớn và cám gạo không phải là thành phần quan trọng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, chỉ chiếm khoảng 5-10%.

“Mỗi năm Việt Nam cần khoảng 4,7 triệu tấn cám gạo để làm thức ăn chăn nuôi, tuy nhiên nguyên liệu trong nước đã đáp ứng khoảng 4 triệu tấn, nhập khẩu chỉ 0,7 triệu tấn/năm”, ông Phạm Kim Đăng khẳng định.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu hơn 197.000 tấn cám gạo, tương đương hơn 40 triệu USD, giảm gần 45% về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2022. 

Để thay thế lượng cám gạo nhập khẩu từ Ấn Độ, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết có thể sử dụng cám mì bởi cám mì có giá trị dinh dưỡng cao, giá thành phù hợp, chỉ từ 6.200 đến 6.500 đồng/kg.

“Việc Ấn Độ cấm xuất khẩu cám không đáng lo ngại với sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước. Và Bộ NN&PTNT cũng đã có giải pháp thay thế nguồn cung”, đại diện Cục Chăn nuôi khẳng định.

 Cả lệnh cấm xuất khẩu gạo và cám gạo của Ấn Độ đều không tác động nhiều đến thị trương thức ăn chăn nuôi của Việt Nam. (Ảnh: Bazaar Việt Nam)

Còn theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV, lệnh cấm gạo tẻ của Ấn Độ còn mang lại cơ hội cho những sản phẩm gạo có phân khúc của Việt Nam.

Cụ thể, ông Nguyễn Văn Thành cho biết 3 năm nay, Trung Quốc nhập lượng gạo và cám gạo khổng lồ từ Ấn Độ về sản xuất thức ăn chăn nuôi, khi nguồn cung bị “đứt”, nước này có thể tìm kiếm các thị trường lân cận và các sản phẩm gạo cấp thấp, phụ phẩm từ gạo cũng có thể hưởng lợi từ xu hướng này. Dù vậy, các doanh nghiệp vẫn ưu tiên dành nguồn cung cho thị trường trong nước trước, dư thừa mới xuất khẩu.

Giá thức ăn chăn nuôi đang có xu hướng giảm

Như phân tích của cơ quan quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp, lệnh cấm xuất khẩu gạo và cám gạo của Ấn Độ không ảnh hưởng nhiều đến thị trường thức ăn chăn nuôi của Việt Nam, thậm chí giá sản phẩm này trong thời gian tới có xu hướng giảm theo diễn biến của thị trường thế giới.

Báo cáo mới nhất của Cục Chăn nuôi cho thấy 6 tháng đầu năm, giá một số nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi đang có xu hướng hạ nhiệt. Cụ thể, giá ngô hạt giảm nhiều nhất với 4%; Lysine HCl giảm 19%; cám gạo chiết ly giảm 0,5%; giá DDGS (phụ phẩm của quá trình sản xuất ethanol) giảm 0,2%; Duy chỉ có giá khô dầu đậu vẫn tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2022.

  (Nguồn: Cục Chăn nuôi)

Cục Chăn nuôi nhận định giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm mới bắt đầu giảm kể từ tháng 3 cho đến nay, do vậy mức giá bình quân 6 tháng đầu năm 2023 vẫn cao hơn 1,1-2,1% so với năm 2022. Giá nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi thành phẩm đang có xu hướng giảm từ nay tới cuối năm 2023 và đầu năm 2024.

Nhìn lại một giai đoạn của ngành chăn nuôi để thấy nhu cầu nguyên liệu phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi của nước ta là rất lớn, tuy nhiên năng lực sản xuất nguyên liệu trong nước còn hạn chế, không đáp ứng được.

Hàng năm, Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 20 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, chủ yếu là sản phẩm của ngành trồng trọt như: ngô 7,3 triệu tấn; lúa mì và lúa mạch khoảng 1,5 triệu tấn; khô dầu các loại 4,7 triệu tấn; DDGS 1 triệu tấn; cám các loại 550.000 tấn và một số nguyên liệu nguồn gốc động vật (bột thịt xương, bột gia cầm, bột lông vũ, bột huyết...) khoảng 1,8 triệu tấn.

Chính vì phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên giá thức ăn chăn nuôi trong nước luôn chịu tác động trực tiếp từ biến động giá nguyên liệu thế giới.

Giai đoạn từ năm 2015 đến tháng 10/2020, giá thức ăn chăn nuôi rất ổn định, thậm chí có thời điểm giảm thấp (năm 2017).

Tuy nhiên, từ cuối năm 2020 đến nay, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao với cả nguyên liệu trong nước và nhập khẩu, do đó giá sản phẩm thức ăn chăn nuôi thành phẩm cũng phi mã.

Thông tin giá nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi thành phẩm hạ nhiệt được kỳ vọng sẽ cải thiện biên lợi nhuận của doanh nghiệp và người chăn nuôi trong bối cảnh giá heo hơi, gia cầm có xu hướng tăng nhẹ, đặc biệt vào thời điểm cuối năm.

Phạm Mơ

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.