Nga, UAE cấm xuất khẩu gạo không ảnh hưởng nhiều đến nguồn cung thế giới nhưng tác động đến tâm lý thị trường
Mùa vụ thuận lợi, gạo Việt tiếp tục chớp cơ hội xuất khẩu
Sau Ấn Độ, Nga và UAE là hai quốc gia vừa ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo nhằm ổn định thị trường trong nước, đảm bảo an ninh lương thực.
Thông tin này đã khiến thị trường gạo toàn cầu thêm “nóng”, đặc biệt trong bối cảnh nhiều quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ hiện tượng El Nino, sản lượng lúa gạo sụt giảm mạnh.
Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết Nga và UAE không nằm trong top 15 quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, tỷ trọng chưa đến 1%, điều này có nghĩa tác động đến thương mại gạo là không nhiều, tuy nhiên tin tức này cũng ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.
Xu hướng một số nước tạm cấm xuất khẩu gạo nổi lên đúng vào thời điểm chuỗi cung ứng lương thực thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức, từ biến đổi khí hậu, suy thoái kinh tế, hệ lụy đại dịch COVID-19, xung đột chính trị… cũng tạo ra cơ hội cho những nước có tiềm năng xuất khẩu lúa gạo, điển hình như Việt Nam.
Ông Nguyễn Như Cường thông tin cho đến thời điểm này sản xuất gạo ở cả ba miền đều khá thuận lợi, đảm bảo kế hoạch đề ra. Còn từ nay đến khi kết thúc vụ thu hoạch 2022-2023 vẫn chưa thể dự báo chắc chắn điều gì bởi những biến số như thời tiết, thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, diện tích trồng lúa vụ Đông Xuân năm nay giảm 40.000 ha so với năm trước, nhưng nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật nên sản lượng vẫn tăng 250.000 tấn. Kế hoạch năm 2023, cả nước sẽ gieo trồng 7,1 triệu ha lúa, sản lượng dự kiến đạt 43,1 triệu tấn, tăng 0,45 triệu tấn so với năm 2022.
Diện tích đã thu hoạch đến nay khoảng 3,4 triệu ha, đạt 46,8% kế hoạch, sản lượng đã thu hoạch được khoảng 21,8 triệu tấn. Dự kiến, diện tích lúa còn lại 3,7 triệu ha, tương đương với sản lượng hơn 21 triệu tấn sẽ được thu hoạch từ nay đến cuối năm 2023.
“Ngành gạo Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn, tuy nhiên dù cơ hội có tốt đến đâu, mục tiêu quan trọng nhất của chúng ta vẫn là đảm bảo an ninh lương thực. Do vậy tùy theo tình hình thị trường, thời điểm, Chính phủ và Bộ Công Thương sẽ có sự điều tiết linh hoạt giữa tiêu thụ trong nước – dự trữ - xuất khẩu”, ông Nguyễn Như Cường nói.
Theo Cục Trồng trọt sản lượng gạo hàng hoá xuất khẩu chủ yếu tập trung ở vùng ĐBSCL; các vùng khác chủ yếu phục vụ cho tiêu thụ nội địa.
Báo cáo Cục Trồng trọt cũng nêu tổng sản lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu tại khu vực ĐBSCL năm 2023 ước đạt 6,6 triệu tấn, trong đó nửa đầu năm khoảng 3,8 triệu tấn, nửa cuối năm khoảng 2,8 triệu tấn. Như vậy dư địa cho xuất khẩu gạo nửa cuối năm 2023 còn khoảng 2,2 triệu tấn.
“Chúng ta có thể xuất khẩu nhiều hơn 6,6 triệu tấn gạo, còn mức tăng bao nhiêu còn phụ thuộc vào tình hình cụ thể”, lãnh đạo Cục Trồng trọt khẳng định.
Thị trường gạo thế giới đang nóng lên từng ngày, các doanh nghiệp cũng khá lạc quan về tình hình xuất khẩu nửa cuối năm 2023.
Chia sẻ với người viết, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Lộc Trời cho rằng Việt Nam có đủ nguồn cung để có thể xuất khẩu 8 triệu tấn gạo bởi mỗi năm chúng ta sản xuất khoảng 42 triệu tấn lúa, trong đó tiêu thụ trong nước chỉ khoảng 14 triệu tấn.
“Việc đảm bảo nguồn cung trong nước chưa bao giờ là vấn đề so với năng lực sản xuất của nước ta, hay nói cách khác là Việt Nam không phải lo lắng về vấn đề mất ninh lương thực với lúa gạo. Chúng ta chỉ cần lo việc mình bán hết lượng sản xuất ra”, ông Nguyễn Duy Thuận nói.
Còn theo quan điểm của ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Long, xuất khẩu gạo nửa đầu năm 2023 đã có rất nhiều cơ hội, doanh nghiệp này cũng bán ra được 200.000 tấn gạo, tăng trưởng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2023.
“Thời cơ đến ai cũng muốn chớp, tôi hy vọng giá gạo nửa cuối năm 2023 tiếp tục ở mức cao, còn mức tăng thế nào sẽ phụ thuộc vào tình hình thị trường. Với những tín hiệu tích cực, xuất khẩu gạo cả năm 2023 có thể đạt được 4 tỷ USD, thậm chí cao hơn”, Chủ tịch Tân Long dự báo.
Chu kỳ tăng của giá gạo: Đến nhanh, đi nhanh
Có thể nói, giá gạo Việt Nam đang ở trong một chu kỳ tăng khá rực rỡ, tuy nhiên “sóng” này được cho rằng đến nhanh và đi cũng nhanh.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết ngành lúa gạo chịu ảnh hưởng từ các yếu tố như thời tiết, thị trường, chính trị… song do đặc thù mùa vụ ngắn nên giá mặt hàng này có thể tăng rất cao và nhanh, nhưng chu kỳ thường không kéo dài quá lâu.
Bởi thế giới có tới 55 quốc gia sản xuất gạo, mùa vụ chồng chéo nhau, nước này chưa sản xuất nhưng nước kia đã thu hoạch.
“Chúng ta không nên quá kỳ vọng về việc thiếu hụt lúa gạo toàn cầu trong thời gian dài để tìm cơ hội giá tăng giá gạo. Cơ hội nâng giá bền vững chỉ có thể tập trung vào chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, thương hiệu”, ông Lê Thanh Tùng nhận định.
Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết chúng ta đang đánh giá ngành lúa gạo thông qua kim ngạch xuất khẩu, chứ không phải giá lúa trong nước, lợi nhuận của doanh nghiệp và nông dân thu về.
Do vậy, việc nâng cao chất lượng sản phẩm vẫn là chiến lược đường dài cho ngành lúa gạo Việt Nam.
Tương tự, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng cho rằng gạo Việt muốn nâng cao thị phần tại các thị trường, buộc phải cạnh tranh được bằng giá, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, thương hiệu và uy tín.
Phó Chủ tịch VFA kỳ vọng đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ cải thiện chất lượng mặt hàng xuất khẩu này, khi có gạo ngon chúng ta có quyền lựa chọn thị trường.