Sóng cổ phiếu ngành gạo có còn khả quan trong nửa cuối năm?
Thị trường chứng khoán kết thúc tuần giao dịch cuối cùng của tháng 7 với sự hưng phấn tột độ của giới đầu tư, khi chỉ số VN-Index vượt ngưỡng 1.200 điểm đầy thuyết phục sau 10 tháng giằng co. Cùng với sự sôi động của thị trường, nhóm cổ phiếu ngành gạo gần đây cũng đã thu hút sự chú ý lớn của giới đầu tư, sau nhiều thông tin hỗ trợ ngành.
Đặc biệt, với việc chỉ số lương thực thiết lập mức tăng mới cùng xu hướng thắt chặt nguồn cung do hiện tượng El Nino, Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo… là những yếu tố sẽ tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu cũng như cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành gạo trong thời gian tới.
Cổ phiếu tăng hơn 80% chỉ trong một tuần
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/7, cổ phiếu VSF của Tổng công ty Lương thực miền Nam – Công ty cổ phần (Vinafood 2) leo lên mức 14.600 đồng/cổ phiếu, duy trì 5 phiên liên tiếp tăng điểm, trong đó có 4 phiên phủ sắc tím.
Đáng chú ý, mức 14.600 đồng/cổ phiếu là mức giá cao nhất của VSF kể từ khi Vinafood 2 niêm yết cổ phiếu lên sàn giao dịch UPCOM vào tháng 4/2018 đến nay. Đây cũng là lần vượt mệnh giá thuyết phục nhất của cổ phiếu này, với thanh khoản tuy chưa cao nhưng đã cải thiện đáng kể so với trước đó.
Chỉ với tuần giao dịch vừa qua, thị giá cổ phiếu VSF đã có mức tăng khủng đáng mơ ước, khi tăng hơn 82%, đưa vốn hóa của Vinafood 2 lần đầu đạt mức 7.300 tỷ đồng, sau nhiều năm dao động quanh mức 4.000 tỷ đồng.
Cổ phiếu AGM của Công ty cổ phần Xuất Nhập khẩu An Giang cũng có sự hồi phục đáng ngưỡng mộ trong thời gian gần đây, với 7 phiên tăng điểm liên tiếp; trong đó có 5 phiên tăng trần. Chốt phiên cuối cùng của tuần, AGM đạt 8.510 đồng/cổ phiếu, tăng gần 40% trong một tuần giao dịch, bất chấp cổ phiếu đang nằm trong diện hạn chế giao dịch của HOSE.
Ở nhóm cổ phiếu ngành gạo có vốn hóa lớn hơn như LTG, PAN, TAR… cũng ghi nhận giao dịch sôi động trong tuần qua. Dù cổ phiếu có phiên cũng chịu sự điều chỉnh, song xu hướng chính vẫn nằm trong kênh tăng giá.
Trên thực tế, đà tăng của nhóm cổ phiếu ngành gạo được duy trì kể từ trước theo sự hồi phục của thị trường. Xét từ vùng đáy tháng 11/2022 tới nay, hầu hết các mã cổ phiếu gạo đều tăng trưởng mạnh về thị giá với mức tăng hàng chục %, thậm chí có cổ phiếu tăng bằng lần.
Chẳng hạn, TAR (Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An) có thời điểm tăng gấp 3 lần; PAN (Công ty cổ phần Tập đoàn PAN), LTG (Tập đoàn Lộc Trời) tăng hơn gấp đôi… Riêng VSF gây ấn tượng nhất khi tăng hơn 4 lần kể từ vùng đáy tháng 11/2022.
Theo giới phân tích, sở dĩ nhóm cổ phiếu ngành gạo thu hút sự chú ý của giới đầu tư trong thời gian qua nhờ hưởng lợi từ một loạt thông tin hỗ trợ ngành như giá lương thực tăng cao trong bối cảnh El Nino xuất hiện và có khả năng kéo dài sang năm 2024 đe dọa đến nguồn cung lương thực toàn cầu.
Gần đây nhất, Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới đột ngột ban hành lệnh cấm xuất khẩu hầu hết các loại gạo trắng không thuộc giống Basmati… Động thái mới này của Ấn Độ trong bối cảnh El Nino diễn biến phức tạp sẽ có những ảnh hưởng nhất định lên thị trường gạo thế giới, trong đó có ngành gạo Việt Nam.
Trong báo cáo cập nhật mới đây, Công ty cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cũng nhận định, ngành gạo Việt Nam đang đứng trước nhiều thuận lợi như nguồn cung lương thực thế giới đang thiếu hụt, diện tích trồng lúa gạo tại nhiều quốc gia bị thiệt hại và hạn hán do sự xuất hiện của El Nino đẩy giá gạo lên cao. Giá xuất khẩu gạo tiếp tục tăng trong nửa cuối năm 2023 được kỳ vọng là thông tin tích cực đối với các doanh nghiệp ngành gạo.
Kỳ vọng tăng trưởng tích cực trong nửa cuối năm
Theo Tổng cục Thống kế, trong nửa đầu năm nay, giá trị xuất khẩu gạo đạt khoảng 2,3 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước; đứng thứ 3 về giá trị xuất khẩu trong nhóm hàng nông sản. Mặc dù kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp gạo không hoàn toàn tích cực theo đà tăng xuất khẩu, do áp lực chi phí lãi vay tăng cao, giá gạo nội địa biến động bất thường với biên độ lớn...
Tuy nhiên, với xu hướng hồi phục của giá lương thực toàn cầu, nguồn cung thế giới bị thu hẹp và mặt bằng lãi suất trong nước có xu hướng giảm được cho là những "chất xúc tác" kỳ vọng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ngành gạo sẽ dần khởi sắc trong thời gian tới.
Tại Vinafood 2, dù là doanh nghiệp đầu ngành gạo, song lâu nay cổ phiếu VSF của doanh nghiệp này ít thu hút giới đầu tư. Nguyên nhân một phần do thanh khoản thấp, một phần còn ở nội tại doanh nghiệp. Vinafood 2 vốn dĩ là doanh nghiệp nhà nước, trải qua quá trình cổ phần hóa và chính thức được niêm yết vào năm 2018.
Kể từ sau cổ phần hóa, Vinafood 2 đối mặt với không ít "lùm xùm" do các sai phạm trong quản lý của dàn lãnh đạo cũ. Cộng thêm vấn đề kinh doanh cốt lõi chưa nhiều cải thiện, khi liên tiếp ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ. Vấn đề chia cổ tức theo đó cũng không thể thực hiện được như kỳ vọng cổ đông…
Tuy vậy, những vấn đề tồn tại này đang dần được khắc phục. Đặc biệt, hoạt động kinh doanh của Vinafood 2 đã ghi nhận sự cải thiện đáng kể, khi năm 2022, lần đầu ghi nhận khoản lợi nhuận dương, sau nhiều năm chìm trong thua lỗ.
Bước sang năm 2023, dù nhận định thị trường còn nhiều khó khăn, song Vinafood 2 vẫn đặt mục tiêu lợi nhuận hợp nhất trước thuế là hơn 100 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với năm 2022. Vấn đề kinh doanh cốt lõi cải thiện có lẽ cũng là yếu tố quan trọng giúp VSF vượt đỉnh lịch sử đợt này.
Trong năm 2023, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (mã: AFX) cũng lên kế hoạch kinh doanh khả quan hơn, với mục tiêu doanh thu 2.558 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 37 tỷ đồng, tăng lần lượt 52,6% và 4,6% so với năm ngoái.
Năm 2023, Tập đoàn Lộc Trời lên kế hoạch kinh doanh có phần thận trọng hơn, khi đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế tối thiểu đạt 400 tỷ đồng, giảm nhẹ so với 2022. Tuy nhiên, với diễn biến khả quan của ngành gạo, giới phân tích dự báo kết quả kinh doanh của Tập đoàn này sẽ tích cực hơn.
Các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Nhất Việt dự kiến lợi nhuận sau thuế của Lộc Trời sẽ đạt hơn 465 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2022. Bởi lẽ, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã mở rộng cơ hội cho công ty này xuất khẩu gạo vào thị trường EU.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng giúp nhu cầu nhập khẩu gạo gia tăng. Đặc biệt, với việc sáp nhập Công ty cổ phần Lương thực Lộc Nhân, mảng lương thực được kỳ vọng là động lực tăng trưởng chính cho Lộc Trời trong năm nay.
Tương tự tại Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, năm nay công ty đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế là 50 tỷ đồng, giảm 33,5% so với 2022. Tuy nhiên, Chứng khoán Nhất Việt nhận định kết quả kinh doanh của Trung An có thể sẽ khả quan hơn, nhờ hưởng lợi từ giá gạo xuất khẩu tăng mạnh, tỷ trọng xuất khẩu chiếm 15% tổng doanh thu; trong đó thị trường xuất khẩu gạo chính là Trung Quốc.
Với kỳ vọng bức tranh xuất khẩu tiếp tục sáng, giá bán gạo tăng trong khi chi phí đầu vào và chi phí vốn vay giảm, cổ phiếu ngành gạo đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư khi xem xét danh mục cho nửa cuối năm 2023.
Theo các chuyên gia của KBSV, mặc dù giá cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành gạo đã hồi phục tương đối tốt tính từ vùng đáy tháng 11/2022, song vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng trong thời gian tới.
Bởi lẽ, El Nino được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài đến hết năm 2024 với cường độ mạnh hơn những năm trước. Do đó, các nhà đầu tư trong trung và dài hạn có thể mua thực hiện tích lũy từng phần cổ phiếu thuộc các nhóm ngành này trong các nhịp điều chỉnh về lại hỗ trợ.
Tuy vậy, hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong bối cảnh giá gạo gia tăng có thể không như kỳ vọng. Bởi lẽ, giá gạo nguyên liệu cũng sẽ tăng theo, doanh nghiệp khó có lãi, thậm chí có thể gặp rủi ro nếu không tìm được đầu ra kịp thời.
Chưa kể, chi phí lãi vay dù đã giảm nhưng vẫn chưa thực sự hấp dẫn để doanh nghiệp vay ôm hàng số lượng lớn… Đây là những yếu tố nhà đầu tư có thể phải cân nhắc trước khi quyết định đầu tư ngắn hạn vào nhóm cổ phiếu ngành này.