|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt đợt thứ 5, đà giảm có thể kéo dài đến đầu năm 2024

14:00 | 15/12/2023
Chia sẻ
Giá nguyên liệu thế giới có xu hướng hạ nhiệt, bên cạnh đó chi phí vận chuyển cũng ghi nhận giảm là tín hiệu tích cực cho thị trường thức ăn chăn nuôi. Xu hướng giảm được dự báo sẽ tiếp tục từ nay tới đầu năm 2024.

Giá thức ăn chăn nuôi có 5 đợt giảm kể từ đầu năm

CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa đưa ra nhận định tổng quan về thị trường thức ăn chăn nuôi năm 2023 và dự báo năm 2024.

Trong những năm qua, ngành chăn nuôi của Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng do nhu cầu về thịt và các sản phẩm từ sữa ngày càng tăng, từ đó hỗ trợ mảng thức ăn chăn nuôi cùng tăng trưởng.

Tuy nhiên, nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam Việt Nam phần lớn đến từ nhập khẩu nước ngoài, chiếm khoảng 65% tổng nhu cầu thức ăn chăn nuôi trong nước, cá biệt có một số nguyên liệu đạm đọng vật, thực vật phải nhập đến 90-100%.

11 tháng năm 2023, tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (lúa mì, ngô, đậu tương, thức ăn gia súc) khoảng 9,5 tỷ USD, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Vietnam Report cho rằng giá nguyên liệu thế giới có xu hướng hạ nhiệt, bên cạnh đó chi phí vận chuyển cũng ghi nhận giảm là tín hiệu tích cực cho thị trường thức ăn chăn nuôi.

Những ngày đầu tháng 10, các doanh nghiệp kinh doanh thức ăn chăn nuôi đã đồng loạt thông báo hạ giá bán sản phẩm, đây là lần giảm thứ 5 trong năm nay. Điều này kỳ vọng sẽ giảm bớt gánh nặng cho người chăn nuôi.

Trong báo cáo mới đây, Ngân hàng Đầu tư Rabobank dự báo thị trường hàng hóa nông sản thế giới dự kiến sẽ hạ nhiệt trong năm 2024. Phía Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cũng cho rằng giá nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi thành phẩm sẽ tiếp tục có xu hướng giảm từ nay tới đầu năm 2024.

Trước diễn biến tình hình giá nguyên liệu sẽ giảm nhiệt, các chuyên gia và doanh nghiệp kỳ vọng tăng trưởng của ngành thức ăn chăn nuôi trong năm 2024 sẽ khả quan hơn năm 2023. Trong đó, một trong những động lực cho ngành là nhu cầu tiêu thụ thực phẩm có nguồn gốc động vật như thịt, sữa và trứng ngày càng tăng.

(Nguồn: Vietnam Report) 

 4 'gọng kìm' với doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi

Theo khảo sát của Vietnam Report, các chuyên gia và doanh nghiệp đã chỉ ra 4 “gọng kìm” với ngành thức ăn chăn nuôi trong năm 2023.

Trong đó, 85% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng biến động giá năng lượng, nguyên vật liệu đầu vào là yếu tố tác động đến ngành nhiều nhất.

Thời điểm hiện tại, giá nhập khẩu các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính như: lúa mì, ngô, đậu tương đều có xu hướng giảm so với đầu năm nay, song vẫn ở mức cao và chưa trở lại mặt bằng trước đại dịch Covid-19.

Trong hai tháng gần đây, giá nhập khẩu đậu tương có xu hướng tăng trở lại. Diễn biến này phần nào ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước.

(Nguồn: Vietnam Report)

Khoảng 71% số chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng kinh tế tăng trưởng chậm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh ngành thức ăn chăn nuôi.

Cuối năm là thời điểm ngành chăn nuôi sôi động nhất năm, tuy nhiên đứng trước thế “gọng kìm” với giá đầu ra sản phẩm chăn nuôi biến động và giá đầu vào của thức ăn chăn nuôi cao, người chăn nuôi có tâm lý dè dặt, thận trọng tái đàn, điều này ảnh hưởng trực tiếp tới sản lượng của doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi.

Ngoài ra, các yếu tố khác như cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành và bất ổn địa chính trị cũng khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong năm 2023.

Trước những rào cản nêu trên, đặc biệt là biến động giá nguyên liệu thức ăn của các doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ điều chỉnh thuế suất theo hai phương án.

Một là giữ nguyên mức thuế suất MFN (thuế tối huệ quốc) như hiện hành, hai là điều chỉnh giảm mức thuế suất MFN từ 2% xuống 1%. Vietnam Report cho rằng nếu thực hiện phương án hai sẽ giảm tải được phần nào áp lực lên giá thức ăn chăn nuôi vốn ở mức cao khi mà đậu tương là nguyên liệu đầu vào quan trọng của ngành.

Ngoài việc giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu, các doanh nghiệp cũng mong muốn Chính phủ hỗ trợ kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh và phát triển đàn vật nuôi ở các địa phương; tổ chức quy hoạch và phát triển nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Hoàng Anh