|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Triển vọng giá heo mù mờ, mục tiêu lợi nhuận doanh nghiệp chăn nuôi có khả thi?

08:32 | 08/12/2023
Chia sẻ
Sau 9 tháng năm 2023, chỉ có 2/5 doanh nghiệp chăn nuôi đã niêm yết thực hiện được 60% kế hoạch lợi nhuận, còn đường về đích của ba công ty còn lại vẫn còn xa.

Mục tiêu năm khó khả khi

2023 là năm khó khăn với ngành chăn nuôi khi nhu cầu tiêu thụ và giá bán heo ở mức thấp, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của cac doanh nghiệp, kế hoạch lợi nhuận của các công ty không đạt được như kỳ vọng.

Số liệu thống kê 5 doanh nghiệp chăn nuôi niêm yết cho thấy 9 tháng năm 2023, chỉ có CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã: HAG) và CTCP Việt Nam Kỹ Nghệ Súc sản (Vissan, Mã: VSN) thực hiện được khoảng 60% kế hoạch lợi nhuận năm 2022, còn đường về đích của ba doanh nghiệp vẫn còn khá xa.

 

Với trường hợp của HAGL, mảng heo đóng góp 30% vào tổng doanh thu, tương ứng 1.489 tỷ đồng,tăng 51% so với cùng kỳ năm 2022. Biên lãi gộp mảng heo HAGL trong 9 tháng đạt 13%, giảm gần 17 điểm % so với cùng kỳ năm 2022. 

Sau 9 tháng, HAGL đã thực hiện được 63% mục tiêu lợi nhuận năm (1.130 tỷ). Tuy nhiên mảng chăn nuôi heo chỉ chiếm 30% doanh thu nên việc đạt trên 60% kế hoạch lợi nhuận phần lớn nhờ đóng góp từ doanh thu bán chuối.

(Nguồn: Phạm Mơ tổng hợp từ báo cáo tài chính quý III của các doanh nghiệp)

Đứng sau HAGL, Vissan đã hoàn thành được 61% kế hoạch kinh doanh năm 2023, tương ứng 2.527 tỷ đồng doanh thu và 111 tỷ đồng lãi trước thuế. 

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng giám đốc Vissan cho rằng rất khó để công ty có thể về đích như mục tiêu đã đặt ra.

Theo ông Phú, vấn đề lớn nhất với ngành chăn nuôi lúc này vẫn nằm ở sức cầu yếu, kéo theo hàng loạt hệ lụy và các chi phí phát sinh.

“Hàng hóa doanh nghiệp vẫn sản xuất đều như mọi năm nhưng tiêu thụ rất chậm. Có những thời điểm, công ty phải tung ra các chương trình khuyến mại 30-40%, điều chưa từng có trước đây để kích thích tiêu dùng”, ông Phú chia sẻ.

Mặt khác, khi tiêu thụ hàng hóa yếu ảnh hưởng doanh thu của hệ thống siêu thị, họ sẽ tăng phần trăm chiết khấu để bù đắp, điều này gây áp lực cho các nhà cung cấp như Vissan.

Tuy vậy trong nhóm doanh nghiệp chăn nuôi, Vissan là công ty có thể duy trì mặt bằng biên lợi nhuận gộp theo quý ở mức trên 20% nhờ phát triển song song mảng thực phẩm tươi và chế biến. Biên lãi gộp của Vissan 9 tháng năm 2023 đạt 23,5%, giảm gần 1 điểm % so với cùng kỳ năm 2022.

 

Đạt hơn 60% kế hoạch lợi nhuận, đường về đích của Vissan vẫn còn khó khăn. Trong khi đó, các doanh nghiệp còn lại mới chỉ hoàn thành dưới 20% mục tiêu lợi nhuận, việc về đích đúng hạn là điều khó khả thi.

9 tháng năm 2023, CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Mã: DBC) ghi nhận doanh thu thuần đạt 8.496 tỷ đồng doanh thuần, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu từ bán thành phẩm sản xuất đạt 7.532 tỷ, giảm 10% so với cùng kỳ và đóng góp 89% vào doanh thu của tập đoàn.

Biên lợi nhuận gộp của Dabaco đạt 10,6%, tăng 0,15 điểm % so với 9 tháng năm 2022. Công ty ghi nhận lãi sau thuế 18,5 tỷ đồng, giảm 92%. Với kết quả này, Dabaco mới đạt được hơn 3% chỉ tiêu 569 tỷ đồng lợi nhuận năm.

Là doanh nghiệp có ưu thế trong mảng thịt mát, CTCP Masan MEATLife (Mã: MML) ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.207 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ vào doanh số mảng mảng thịt chế biến tăng trưởng 36%.

Mảng thịt heo mát MEATDeli và trang trại heo dự kiến mang lại cho doanh nghiệp này khoảng 3.500 tỷ đồng, chiếm 39 – 41% kế hoạch doanh thu.

Sau 9 tháng, Masan MEATLife lỗ sau thuế 433 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 63 tỷ đồng. Năm nay, Masan MeatLife đặt ra kịch bản, có thể lỗ dưới 300 tỷ và lãi tới 100 tỷ đồng, tùy theo tình hình thị trường.

Động lực cho thị trường heo chưa rõ ràng

Thông thường, cuối năm và Tết Nguyên đán là thời điểm thị trường chăn nuôi sôi động nhất, mùa "hốt bạc" của nông dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, thị trường năm nay lại diễn biến khác thường.

Sau khi bật tăng lên mức 60.000 – 65.000 đồng/kg vào giữa tháng 7, giá heo hơi nhanh chóng quay đầu giảm và liên tục đi xuống cho đến nay. Cập nhật ngày 7/12, giá heo hơi ba miền khoảng 48.000 đồng/kg, giảm 21-27% so với đầu tháng 7 và giảm 8-10% so với cùng kỳ năm 2022.

(Nguồn: Phạm Mơ tổng hợp từ Anova Feed)

Chia sẻ với người viết, ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết giá thành sản xuất doanh nghiệp quy mô lớn dao động 50.000 – 55.000 đồng/kg. Điều này có nghĩa thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp đang kinh doanh dưới giá vốn.

“Cả nông hộ và doanh nghiệp nhỏ đều hụt hơi vì kinh doanh dưới giá thành. Các doanh nghiệp lớn cũng ghi nhận lợi nhuận giảm sâu”, ông Chinh nói.

 

Theo Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, tổng đàn heo đạt gần 29 triệu con. Nếu không có dịch bệnh bất ngờ, Việt Nam hoàn toàn không lo lắng đến nguồn cung. Tuy nhiên, mối quan tâm lớn nhất vẫn là khi nào giá sẽ nhích lên, cải thiện thu nhập cho nông dân, lợi nhuận cho doanh nghiệp. 

Ngoài ra, bệnh dịch trên gia súc cũng không còn nặng bởi trải qua nhiều năm, độc tố cũng đã giảm dần, không còn bùng mạnh như thời điểm mới xuất hiện.

“Với tình hình như hiện nay, tăng trưởng kinh tế chưa phải là động lực. Chúng tôi chưa tìm thấy động lực rõ ràng cho ngành chăn nuôi, chỉ hy vọng nhu cầu tiêu thụ, sức mua sẽ cải thiện hơn vào giai đoạn Tết Nguyên đán”, ông Chinh nói.

Dự báo về triển vọng năm 2024, ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng giám đốc Vissan cũng đánh giá chưa thấy tín hiệu phục hồi rõ ràng cho ngành chăn nuôi khi kinh tế được dự báo vẫn còn khó khăn.

“Tất cả đều phải phụ thuộc vào lực cầu, điều này liên quan sự phục hồi của kinh tế và thu nhập của người dân”, lãnh đạo Vissan nói.

Phạm Mơ