|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Trợ lực từ đầu tư công, kết quả kinh doanh nhóm vật liệu xây dựng vẫn bấp bênh

11:08 | 15/11/2023
Chia sẻ
Nhiều chuyên gia kỳ vọng lực kéo từ đầu tư công sẽ giúp bức tranh kinh doanh nhóm vật liệu xây dựng khởi sắc. Song thực tế kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp xi măng, đá, thép vẫn bấp bênh.

Ngay từ đầu năm, Chính phủ xác định cần tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công với số vốn được giao là hơn 711.000 tỷ đồng – đây vốn được xem là trợ lực cho nền kinh tế quay lại quỹ đạo tăng trưởng.

Kết quả 9 tháng đầu năm cho thấy, tỷ lệ giải ngân được 51,38%. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, đối với đầu tư công 9 tháng, chưa năm nào vượt qua 50%. "Năm nay đã vượt qua, đây là điều rất vui. Số tiền tuyệt đối mà chúng ta giải ngân cao hơn năm ngoái là hơn 110.000 tỷ đồng, đây là con số rất lớn", đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.

Nhiều chuyên gia kỳ vọng lực kéo từ đầu tư công sẽ giúp bức tranh kinh doanh nhóm vật liệu xây dựng khởi sắc, giá thép sẽ tăng, xi măng, nhựa đường, đất cát,… cũng leo thang. Thế nhưng, thực tế kết quả kinh doanh 9 tháng của nhóm này vẫn bấp bênh.

Nhóm thép: Tiêu thụ ảm đạm

Nhìn chung nhu cầu thị trường với các mặt hàng thép trong nước nói chung vẫn yếu, chưa có cải thiện nhiều. Bất động sản đóng băng, thị trường dân dụng sức mua yếu, giải ngân đầu tư công chưa thực sự tích cực trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm nên nhu cầu thép trong nước giảm sút đáng kể.

Bên cạnh đó, giá thép liên tục giảm và duy trì ở vùng thấp do ảnh hưởng tiêu cực bởi nền kinh tế Trung Quốc cũng như tiêu thụ thép toàn cầu suy yếu. Trong khi đó, lạm phát, lãi suất, tỷ giá vẫn ở mức cao làm cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép gặp nhiều khó khăn. Giá bán thép xây dựng nội địa điều chỉnh giảm khoảng 12 - 14 lần kể từ tháng 3 đến trung tuần tháng 9.

Theo thống kê kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm, hầu hết các doanh nghiệp thép đều ghi nhận doanh thu thuần giảm sút hai chữ số so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ (lãi ròng) cũng giảm mạnh tương ứng, một số từ có lãi cùng kỳ chuyển thành lỗ kỳ này như  Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSteel - Mã: TVN) lỗ ròng 404 tỷ, Thép SMC (Mã: SMC) lỗ ròng 549 tỷ hay số lỗ ròng của Thép Pomina (Mã: POM) lên tới 647 tỷ. 

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính của công ty và Wichart.

Trong bối cảnh ngành bất động sản còn trầm lắng, Tổng Giám đốc Hoà Phát nhận định những tháng cuối năm ngành thép vẫn trông chờ vào các dự án đầu tư công. Ngoài ra, việc Chính phủ giảm lãi suất thời gian qua cũng bắt đầu thẩm thấu vào nền kinh tế Việt Nam. Điều này cũng được xem là động lực cho tiêu thụ thép thời gian tới. 

Các doanh nghiệp nhận định chưa thể kỳ vọng một "cú bật" của ngành thép trong những tháng còn lại năm 2023 bởi tình hình kinh tế vẫn chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc rõ ràng. Tuy nhiên, kịch bản về một sự phục hồi nhẹ là điều khả thi nhờ việc triển Chính phủ đang triển khai các dự án đầu tư công. 

Xi măng chật vật tìm đầu ra

Nhóm xi măng tiếp tục chật vật tìm đầu ra trong bối cảnh thị trường duy trì tình trạng dư cung trong thời gian dài từ năm 2010 đến nay. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn chịu áp lực rất lớn về chi phí chi trả trong kỳ, đặc biệt là chi phí lãi vay. Kết quả, hầu hết những doanh nghiệp sản xuất xi măng đều thua lỗ trong 9 tháng đầu năm.

Trong đó, CTCP Xi măng Vicem Hà Tiên (Mã: HT1), doanh nghiệp xi măng lớn nhất khu vực miền Nam, chiếm 10% thị phần thị trường trong nước báo lỗ ròng 37 tỷ đồng sau ba quý đầu năm, cùng kỳ lãi 204 tỷ đồng.

Còn CTCP Xi măng Bỉm Sơn (Mã: BCC) lỗ tới 108 tỷ đồng, mức lỗ lớn nhất trong nhóm xi măng. Không chỉ gặp khó trên chính “sân nhà”, thị trường xuất khẩu chính của Xi măng Bỉm Sơn là Trung Quốc (chiếm khoảng 30%) cũng không mấy khả quan. Theo Chứng khoán KIS, triển vọng nhu cầu toàn cầu nói chung và tại “quốc gia tỷ dân” dự báo sẽ suy giảm trong bối cảnh lãi suất vay nợ cao.

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính của công ty và Wichart.

 Nhóm nhựa đường, nhựa dân dụng và đá xây dựng

Trong bối cảnh các dự án hạ tầng giao thông lớn được đẩy mạnh thực hiện, các chuyên gia cho rằng điều này sẽ kích thích nhu cầu đá xây dựng tại khu vực miền Nam trong thời gian tới.

VNDirect cho rằng cụm mỏ đá được dự báo sẽ được hưởng lợi nhờ vị trí thuận lợi là Tân Cang và Thạch Phú – Thiện Tân. Trong đó, cụm mỏ Tân Cang sẽ là nguồn cung chính cho dự án sân bay Long Thành và Vành đai 3 – TP HCM nhờ vị trí gần công trường nhất. Còn cụm mỏ Thạnh Phú - Thiện Tân sẽ là nguồn cung cho các dự án tại Đồng bằng sông Cửu Long nhờ nằm gần sông Đồng Nai, thuận tiện vận chuyển đường thủy.

Vì thế, các doanh nghiệp đá xây dựng niêm yết đang sở hữu các mỏ đá có thời gian khai thác dài, công suất khai thác lớn như CTCP Xây dựng và Sản xuất Vật liệu Xây dựng Biên Hòa (Mã: VLB), CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (Mã: KSB), CTCP Hóa An (Mã: DHA)... sẽ có nhiều lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh và được hưởng lợi từ nhu cầu xây dựng hạ tầng giao thông rất lớn của Việt Nam trong giai đoạn 2023 - 2030. 

Thực tế, lợi thế trên chưa thực sự phản ánh vào trong bức tranh kết quả kinh doanh 9 tháng của nhóm đá xây dựng. Chẳng hạn, CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (Mã: KSB) báo doanh thu và lợi nhuận ròng giảm lần lượt 44% và 43% do tiêu thụ yếu.

Trong khi đó, với việc sở hữu 3 mỏ đá tại Đồng Nai và Bình Phước, CTCP Hóa An (Mã: DHA) dù báo doanh thu giảm nhẹ 2% nhưng nhờ hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán nên lợi nhuận ròng đạt gần 78 tỷ, tăng 93% so với cùng kỳ.

Trái lại, bức tranh kinh doanh 9 tháng của Đá Núi Nhỏ (Mã: NNC) ghi nhận sản lượng đá tiêu thụ tăng 87% so với cùng kỳ, giúp doanh thu thuần tăng 112% và lợi nhuận sau thuế tăng 137%.

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính của công ty và Wichart.

Tổng công ty Hoá dầu Petrolimex - CTCP (Mã: PLC) hiện đang nắm khoảng 30% thị phần nhựa đường. 9 tháng đầu năm, PLC ghi nhận 5.774 tỷ doanh thu thuần, 81 tỷ đồng lãi sau thuế; giảm lần lượt 4% và 26% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong cơ cấu doanh thu, mảng nhựa đường vẫn tăng trưởng 4% và đóng góp 1/2 vào nguồn thu của PLC, ngược lại hai mảng dầu mỡ nhờn và hóa chất giảm lần lượt 1,4% và 16%.

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính của công ty. 

Đối với nhóm nhựa dân dụng, kết quả lợi nhuận 9 tháng của CTCP Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (Mã: NTP) và CTCP Nhựa Bình Minh (Mã: BMP) lại trái chiều.

Dù doanh thu thuần của Nhựa Bình Minh giảm 16%, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ vẫn tăng 75% so với cùng kỳ nhờ giá vốn hàng bán giảm mạnh hơn mức giảm của doanh thu. Biên lãi gộp đạt kỷ lục hơn 41%, so với mức 26% cùng kỳ.

Trong khi đó, Nhựa Tiền Phong - doanh nghiệp nhựa chiếm lĩnh thị phần miền Bắc có doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế giảm lần lượt 7% và 4% so với cùng kỳ.

Sự khác biệt này được giải thích do nguồn nguyên liệu đầu vào. Nguyên liệu đầu vào của Nhựa Tiền Phong phụ thuộc hầu như hoàn toàn vào nguyên liệu nhập khẩu nên sự biến động giá nguyên vật liệu, chuỗi cung ứng và chi phí vận tải đường biển từ ngước ngoài về Việt Nam tác động đến giá vốn của công ty.

Trong khi đó, hoạt động mạnh ở khu vực miền Nam, Nhựa Bình Minh chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào nhờ sự hỗ trợ của Tập đoàn Siam Cement Group (SCG Group) của Thái Lan.

 Sự khác biệt trong đầu vào khiến biên lãi gộp của Nhựa Bình Minh thường nhỉnh hơn của Nhựa Tiền Phong. (Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính của công ty).

          Thị trường vật liệu xây dựng có thể giữ ổn định hoặc giảm nhẹ trong quý IV

Từ nay đến cuối năm, bên cạnh các dự án đang thi công, Bộ Giao thông Vận tải có 7 dự án dự kiến được khởi công gồm: dự án Nâng cấp tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ trên địa phận tỉnh Đồng Tháp và TP Cần Thơ; Nâng cấp mặt đường tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi trên TP Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang; Cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thuộc các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng; Nâng cấp đoạn Km18 - Km80 Quốc lộ 4B; đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hoà; dự án xây dựng hệ thống thông tin quản lý phương tiện, người điều khiển, vận tải, an toàn đường sắt.

Bộ Xây dựng nhận định, thị trường vật liệu xây dựng như xi măng, thép xây dựng và nhựa đường… sẽ giữ ổn định hoặc giảm nhẹ, nhưng giá cát, đá xây dựng vẫn tiếp tục tăng trong quý IV, do nhu cầu lớn từ các dự án giao thông trọng điểm được khởi công đồng loạt trên cả nước.

Còn theo Báo cáo Xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành xây dựng quý III và dự báo quý IV/2023 của Tổng cục Thống kê, nhiều doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng cho rằng, giá nguyên vật liệu đã được kiểm soát và bình ổn, nhưng giá xăng, dầu tăng đã ảnh hưởng không nhỏ tới chi phí vận hành máy móc, chi phí vận chuyển nguyên vật liệu.

Các doanh nghiệp cũng đề xuất Chính phủ, bộ, ngành, địa phương tháo gỡ vướng mắc trong giấy phép khai thác cát, đá, sỏi để đảm bảo nguồn cung ứng và giảm giá thành.

Minh Hằng