Thêm một quý buồn của doanh nghiệp xi măng, có nhà máy phải dừng lò
Các doanh nghiệp xi măng tiếp tục có một quý kinh doanh ảm đạm khi thị trường bất động sản gặp khó và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.
Tính đến ngày 30/9, lượng giải ngân vốn đầu tư công khoảng 363.310 tỷ đồng, đạt 51,38% kế hoạch năm. Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của một số bộ, ngành, địa phương còn chậm, "khả năng giải ngân hết của năm 2023 là khó khả thi".
Doanh nghiệp xi măng chật vật tìm đầu ra
Trong quý III/2023, CTCP Xi măng Vicem Hà Tiên (Mã: HT1), doanh nghiệp xi măng lớn nhất khu vực miền Nam, chiếm 10% thị phần thị trường trong nước báo lỗ sau thuế 10 tỷ đồng do lượng tiêu thụ xi măng giảm sút. Điều này đã được HT1 dự báo từ đầu năm khi thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng và tăng trưởng âm do lãi suất cho vay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Bên cạnh đó, công ty cũng cho rằng nguồn cung xi măng tiếp tục mất cân đối, nguồn cung vượt cao so với nhu cầu. Theo dự kiến, năm 2023 tiếp tục có một số dây chuyền sản xuất xi măng mới đi vào hoạt động đưa nguồn cung xi măng lên khoảng 120,7 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước dự báo chỉ ở mức từ 64 - 65,5 triệu tấn, dẫn tới cạnh tranh ngày càng gay gắt, khốc liệt.
Mặt khác, việc giá điện tăng cũng gây ảnh hưởng đến giá nguyên vật liệu đầu vào sản xuất xi măng của HT1. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 diễn ra hồi tháng 4, ông Lưu Đình Cường - Tổng giám đốc công ty cho biết sẽ nâng giá bán sản phẩm khi giá điện tăng.
Còn CTCP Xi măng Bỉm Sơn (Mã: BCC) báo lỗ 57 tỷ đồng, nối dài chuỗi 5 quý thua lỗ liên tiếp khi thị trường tiêu thụ xi măng suy yếu. Đồng thời, đây cũng là quý BCC có biên lãi gộp thấp nhất kể từ khi niêm yết với 2,9%.
Không chỉ gặp khó trên chính “sân nhà”, thị trường xuất khẩu chính của BCC là Trung Quốc (khoảng 30% sản lượng) cũng không mấy khả quan. Theo Chứng khoán KIS, triển vọng nhu cầu toàn cầu nói chung và tại “quốc gia tỷ dân” dự báo sẽ suy giảm trong bối cảnh lãi suất vay nợ cao.
Những năm gần đây, các nhà sản xuất xi măng và clinker ở Việt Nam luôn đẩy mạnh các kênh xuất khẩu. Trong đó, Trung Quốc và Philippines là 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với các nhà sản xuất trong nước, đặc biệt là các nhà sản xuất ở khu vực phía Bắc.
Tuy nhiên, việc lệ thuộc nặng nề vào thị trường Trung Quốc đã bộc lộ những tác động tiêu cực đến ngành xi măng khi sản lượng xuất khẩu năm 2022 giảm trầm trọng do chính sách Zero-COVID. Dù hiện tại, quốc gia này đã mở cửa trở lại nhưng lượng tiêu thụ vẫn “đi xuống” do bất động sản chưa hồi phục hoàn toàn.
Trong bối cảnh khó khăn chung, CTCP Xi măng VICEM Bút Sơn (Mã: BTS) báo lỗ 32 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 8 tỷ đồng. Đây cũng là quý thua lỗ nặng nhất của BTS, kể từ quý I/2014. Lý giải nguyên nhân, công ty cho biết sản lượng tiêu thụ trong quý III giảm 95.000 tấn so với cùng kỳ. Cùng với đó là chi phí tài chính tăng khiến lợi nhuận sụt giảm.
Thậm chí, đứng trước tình trạng lượng tiêu thụ giảm mạnh và lượng tồn bãi clinker đầu quý lớn, CTCP Xi măng Vicem Hoàng Mai (Mã: HOM) phải dừng lò chủ động trong tháng 7 (dừng lò 29 ngày) và giảm năng suất lò, làm sản lượng clinker sản xuất trong quý III để tránh sản xuất tồn bãi, gây suy giảm chất lượng sản phẩm.
Kết quả, HOM báo lỗ 26 tỷ đồng trong quý III, cùng kỳ lãi gần 4 tỷ đồng. Đây là quý lỗ nặng nhất của doanh nghiệp kể từ khi niêm yết.
Áp lực nợ vay gia tăng
Không chỉ đối mặt với tình trạng lượng tiêu thụ xi măng sụt giảm, các doanh nghiệp còn chịu áp lực rất lớn về chi phí chi trả trong kỳ, đặc biệt là chi phí tài chính.
Tính đến cuối quý III, tổng nợ vay của “ông lớn” xi măng miền Nam HT1 khoảng 2.052 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm, chiếm 28% tổng tài sản. 9 tháng đầu năm nay, công ty đã phải đi vay thêm 4.172 tỷ đồng và trả nợ gốc vay 3.965 tỷ đồng. Số tiền lãi công ty phải trả trong ba quý gần 102 tỷ đồng, gấp 2 lần so với cùng kỳ.
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của HT1 âm 384 tỷ đồng trong 9 tháng do tăng các khoản phải thu và chi phí lãi vay. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 77 tỷ đồng và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính dương 97 tỷ đồng do tăng vay nợ. Điều này dẫn đến việc lưu chuyển tiền thuần trong 9 tháng âm 364 tỷ đồng.
Tương tự, so với ngày 1/1, tổng nợ vay của BCC tăng thêm 197 tỷ đồng (tương đương 34%) lên 779 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay từ ngân hàng và một phần nhỏ từ cá nhân. 9 tháng đầu năm, chi phí lãi vay là 37 tỷ đồng, tăng 12 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Không chỉ hai doanh nghiệp trên, BTS, HOM đều gia tăng nợ vay trong quý III. Thậm chí, BTS còn dùng tài sản thế chấp là dây chuyền sản xuất hay tài sản hình thành trong tương lai của một số dự án để vay nợ.
Chưa giải được bài toán cung – cầu
Số liệu của Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho thấy 9 tháng năm nay, tiêu thụ đạt 65 triệu tấn, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tiêu thụ nội địa khoảng 42 triệu tấn, giảm 17%; xuất khẩu khoảng 23 triệu tấn, giảm 2%.
Chứng khoán KIS từng chỉ ra, từ năm 2010, thị trường trong nước bắt đầu rơi vào tình trạng cung vượt cầu do Quyết định số 108/2005/QĐ-TTG khuyến khích thành lập mới các nhà máy sản xuất xi măng. Hiện tại, sản lượng tiêu thụ trong nước chỉ chiếm khoảng 70% và thấp hơn tổng công suất thiết kế.
Trước áp lực về cung - cầu, các doanh nghiệp sản xuất xi măng trong nước bắt buộc phải tăng cường xuất khẩu. Trong vài năm qua, lượng xi măng và clinker xuất khẩu tăng nhanh đã giải tỏa khó khăn cho ngành. Tuy nhiên, tăng trưởng sản lượng xuất khẩu đã tạm dừng vào năm 2022 sau khi đạt tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) 2016-2021 là 24,9%.
Đến năm 2022, tổng sản lượng xuất khẩu của Việt Nam giảm đáng kể, nguyên nhân là do Trung Quốc giảm nhập khẩu trước tác động của công tác phòng chống dịch, thị trường bất động sản tiếp tục tạo đáy khiến nhu cầu xi măng sụt giảm nhanh.
Bên cạnh đó, việc Nhà nước siết chặt phát hành trái phiếu, tín dụng bất động sản đã khiến thị trường này rơi vào trầm lắng. Trong khi đó, giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất xi măng, đặc biệt là giá than vẫn duy trì ở mức cao khiến các doanh nghiệp gặp khó.
Thậm chí, lãnh đạo Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) từng cho rằng, những quý đầu năm 2023 là thời điểm tiêu thụ khó khăn nhất trong lịch sử hơn 120 năm của ngành xi măng Việt Nam. Do đó, điều mong đợi lớn nhất của các nhà sản xuất xi măng hiện tại là hệ thống đường cao tốc khởi động để có cơ hội đẩy mạnh sản lượng tiêu thụ xi măng tại thị trường nội địa bởi kênh xuất khẩu hiện đang rất khó khăn .