|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành xi măng Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng thế nào từ cơ chế CBAM của EU?

07:00 | 05/09/2024
Chia sẻ
Việc EU áp dụng cơ chế CBAM không phải là điều đáng lo ngại với ngành xi măng vì lượng xuất khẩu mặt hàng này sang EU chiếm chưa đến 2% trong tổng cơ cấu thị trường tiêu thụ.

Xi măng Việt Nam ít chịu ảnh hưởng từ cơ chế CBAM

Xi măng là một trong 4 mặt hàng của Việt Nam(sắt thép, nhôm, xi măng và phân bón) dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (The EU's Carbon Border Adjustment Mechanism - CBAM) của Liên minh Châu Âu (EU).

Tuy nhiên, chuyên gia trong ngành đánh giá mức độ ảnh hưởng là không đáng kể. Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Đức Long, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam, cho rằng CBAM vẫn là vấn đề đáng quan tâm bởi nếu EU đưa ra hạn mức phát thải thấp hơn so với thực tế các nhà sản xuất xi măng Việt Nam đang thực hiện thì phải đóng thuế.

“Khả năng cao EU sẽ đưa ra ngưỡng thấp hơn so với thực tế các doanh nghiệp Việt Nam đang phát thải ra môi trường bởi họ là những nước sản xuất có trình độ phát triển cao hơn”, ông nói. 

Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, hiện chưa có số liệu thống kê chính thức về lượng phát thải khi sản xuất vật liệu xây dựng này. Tuy nhiên, tổ chức này ước tính khi sản xuất 1 tấn xi măng sẽ phát thải khoảng 700 - 750 kg khí CO2. 

Con số là như vậy nhưng theo ông Long, CBAM không phải là điều đáng lo ngại vì hiện lượng xi măng xuất khẩu sang EU chiếm chưa đến 2% trong tổng cơ cấu thị trường tiêu thụ. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, châu Á vẫn là thị trường tiêu thụ xi măng lớn của Việt Nam, đặc biệt là Philippines và Bangladesh.

 Nguồn: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)

Cơ chế CBAM được đặt ra trong bối cảnh EU đặt mục tiêu tham vọng trở thành lục địa trung hòa khí carbon vào năm 2050. Tuy nhiên, EU lo ngại các doanh nghiệp trong khu vực có thể chuyển những hoạt động sản xuất phát thải nhiều carbon ra nước ngoài để tranh thủ các tiêu chuẩn còn lỏng lẻo, hay còn gọi là “rò rỉ carbon” và làm suy yếu nghiêm trọng tham vọng trung hòa khí hậu của EU và toàn cầu.

Để ngăn chặn nguy cơ này, EU quyết định sẽ cân bằng giá carbon giữa sản phẩm nội địa và nhập khẩu bằng CBAM, được thực hiện thí điểm từ ngày 1/10/2023 và thực hiện đầy đủ từ năm 2026.

Theo cơ chế này, EU sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc EU dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại.

Cụ thể, nhà nhập khẩu hàng vào EU cần đăng ký với cơ quan quản lý trong nước và mua chứng chỉ CBAM. Giá của chứng chỉ dựa vào giá tín chỉ phát thải hàng tuần của Hệ thống thương mại khí thải của Liên minh châu Âu (EU ETS).

Nhà nhập khẩu trong EU kê khai hàm lượng phát thải trong hàng nhập khẩu và giao nộp số lượng tín chỉ tương ứng của mỗi năm. Nếu nhà nhập khẩu chứng minh được giá carbon đã được thanh toán khi sản xuất hàng nhập khẩu, lượng phát thải tương ứng có thể được khấu trừ.

Ngành xi măng đang làm gì để giảm phát thải?

Dù không có CBAM, ngành sản xuất xi măng Việt Nam cũng đang có lộ trình giảm phát thải. Theo chiến lược phát triển ngành xây dựng mà Thủ tướng đã xây dựng, ngành xi măng phấn đấu giảm phát thải xuống 650 kg CO2 vào năm 2030 và 550 vào năm 2050 kg CO2 trên một tấn xi măng.

Trong tương lai, ngành xi măng Việt Nam được kỳ vọng có thể tiếp cận đến những giới hạn mà thế giới quy định. 

Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết sau năm 2015, bức tranh ngành xi măng bắt đầu thay đổi khi công nghệ lò đứng, vốn đã lạc hậu, phát thải nhiều và sử dụng rộng rãi những năm 2000, đã biến mất. Tất cả nhà máy sử dụng công nghệ lò quay - mô hình tiên tiến nhất hiện nay, giảm thiểu phát thải. Một số nhà máy sử dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất. Các nhà máy đang ở trình độ ngang bằng thế giới. 

Hiện nay hầu hết nhà máy xi măng sử dụng nhiên liệu hoá thạch chủ yếu than, dầu. Tuy nhiên, xu thế là sử dụng nhiên liệu thay thế, trong đó bao gồm kết hợp xử lý rác thải công nghiệp và sinh hoạt. Thực tế đã có khoảng 15 nhà máy sử dụng nhiên liệu thay thế ở mức độ khác nhau. 

Ngoài vấn đề nhiên liệu, ông Long cho biết ngành xi măng đang phải giải quyết vấn đề liên quan đến bụi và khí nhà kính. 

“Trước đây, các nhà máy xi măng phát thải rất nhiều bụi. Tuy nhiên, hiện nay nhờ hệ thống thu hồi bụi nên phát thải rất thấp. Nhiều nhà máy phát thải đạt 20mg/m3, thấp hơn so với tiêu chuẩn hiện nay là 100 mg/m3”, ông nói

Đối với vấn đề xử lý khí thải nhà kính như CO2, ông cho biết các nhà máy đang nghiên cứu các biện pháp. Một trong những phương án được tính đến là chôn lấp CO2, tuy nhiên chi phí vẫn còn đắt nên các nhà máy mới dừng lại ở mức độ “quan tâm”.

H.Mĩ

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.