|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp dệt may vẫn 'đói' đơn hàng, triển vọng hồi phục chưa rõ ràng

17:00 | 20/11/2023
Chia sẻ
Doanh nghiệp dệt may đang trải qua giai đoạn khó khăn khi lượng đơn hàng từ các đối tác sụt giảm mạnh. Thậm chí, để duy trì hoạt động, có đơn vị phải cắt giảm gần 2.000 lao động chỉ trong 9 tháng.

Theo số liệu từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), tính đến hết tháng 9, xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 29,7 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ do sức mua yếu và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các đối thủ trên thị trường.

Theo thống kê của người viết, có 6/9 doanh nghiệp dệt may niêm yết trên sàn báo doanh thu và lợi nhuận suy giảm trong quý III/2023. Thậm chí, có 2 công ty còn báo lỗ. 

  Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ BCTC.

Báo cáo tài chính quý III của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex - Mã: VGT) ghi nhận doanh thu thuần giảm 11% xuống 4.089 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 80 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ.

Cũng giống như Vinatex, CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (Mã: TNG), CTCP May Sông Hồng (Mã: MSH), CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Mã: TCM), Tổng CTCP Phong Phú (Mã: PPH), CTCP Sợi Thế Kỷ (Mã: STK) đều ghi nhận lợi nhận "đi xuống" trong quý vừa qua khi lượng đơn hàng sụt giảm mạnh.

Quý III, CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex – Mã: GIL) lỗ sau thuế hơn 19 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 128 tỷ đồng.

Tương tự, doanh thu CTCP Garmex Sài Gòn (GMC) chỉ đạt 73 triệu đồng trong quý III , giảm hơn 99% so với mức 11 tỷ đồng cùng kỳ. Công ty cho biết trong quý không có đơn hàng nên doanh thu chủ yếu đến từ mảng dịch vụ. Garmex Sài Gòn tiếp tục lỗ ròng gần 11 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ và là quý thứ 5 liên tiếp thua lỗ.

Garmex Sài Gòn đã phải cân đối lại nhân sự, thu hẹp hoạt động cho phù hợp với tình hình mới, thực hiện tiết giảm chi phí để giảm thiệt hại. "Công ty sẽ tiếp tục tiết kiệm chi phí, rà soát tài sản, tìm kiếm cơ hội khai thác hợp lý các mặt bằng hiện có hoặc thanh lý tài sản không cần dùng", Garmex Sài Gòn thông tin.

Tại 30/9, số lượng nhân sự của Garmex Sài Gòn còn 37 người, giảm 4 người so với cuối quý II nhưng giảm 1.945 người so với đầu năm.

Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ BCTC.

Còn nguyên nhân chính khiến kết quả kinh doanh của Gilimex tụt dốc khởi phát từ việc gã khổng lồ thương mại Amazon thu hẹp đơn hàng. Amazon là đối tác chính của Gilimex từ 2014.

Trong giai đoạn là đối tác của Amazon từ năm 2014 đến năm 2021, Gilimex liên tục ghi nhận mức tăng trưởng cao cả về doanh thu và lợi nhuận. Năm 2021 công ty đạt đỉnh doanh thu hơn 4.000 tỷ đồng, lãi ròng hơn 300 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến cuối năm 20222, Gilimex thông báo đã khởi kiện Amazon đòi bồi thường 280 triệu USD. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, ông Nguyễn Việt Cường, Thành viên HĐQT chia sẻ hồ sơ kiện đã qua được bước quan trọng nhất trong quá trình khởi kiện là thụ lý.

Doanh nghiệp điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh

Ngay sau khi công bố kết quả kinh doanh không mấy khả quan trong quý III, "anh cả" của ngành dệt may Việt Nam - Vinatex đã xin điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh năm 2023. 

Cụ thể, mức doanh thu hợp nhất kế hoạch được điều chỉnh giảm từ 17.500 tỷ đồng xuống 16.500 tỷ đồng,giảm 6%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất giảm 39% so với mục tiêu ban đầu, từ 610 tỷ đồng xuống 370 tỷ đồng.

Nguồn: Vinatex.

Lý giải về việc điều chỉnh này, Vinatex cho biết trước đó Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Tập đoàn đã thông qua các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2023 theo kịch bản tốt, tuy nhiên diễn biến thị trường trong thời gian qua liên tục có những khó khăn, bất lợi đối với hoạt động sản xuất kinh doanh.

Căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm và dự báo thị trường các tháng cuối năm không được như kỳ vọng, Vinatex điều chỉnh giảm kế hoạch sản xuất kinh doanh.

9 tháng đầu năm, Vinatex ghi nhận 12.187 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận trước thuế đạt 288 tỷ đồng và giảm lần lượt 16%, 76% so với cùng kỳ.

So sánh với kế hoạch mới, Vinatex đã thực hiện 74% chỉ tiêu doanh thu và 78% mục tiêu lợi nhuận năm.

Theo Vinatex, từ cuối năm 2022, thị trường dệt may đối mặt với nhiều khó khăn như việc thiếu hụt đơn hàng cả về số lượng và đơn giá do cầu thấp. Việc thiếu hụt đơn hàng khiến người lao động thiếu việc làm.

Đứng trước thực trạng trên, Vinatex buộc phải nhận những đơn hàng giá thấp để đảm bảo mức lương cho người lao động bình quân trên 8 triệu đồng/người/tháng (trong khi với mức giá của các đơn hàng nhận được thì mức lương bình quân chỉ đạt dưới 6 triệu đồng/người/tháng).

“Điều này làm ảnh hưởng trọng yếu đến lợi nhuận của doanh nghiệp đặc biệt đối với dệt may là ngành có số lượng nhân công lớn”, Vinatex cho hay.

Khi nào ngành dệt may hồi phục?

Tại hội nghị thảo luận phương hướng sản xuất kinh doanh năm 2024 hồi tháng 10, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng, khó khăn với ngành dệt may Việt Nam có thể kéo dài đến năm 2024 khi còn những yếu tố bất lợi như suy thoái kinh tế thế giới, khủng hoảng địa chính trị lan rộng, hành vi người tiêu dùng thay đổi, cạnh tranh về giá từ quốc gia đối thủ…

Do vậy, các doanh nghiệp phải thận trọng khi xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024, đồng thời tìm cơ hội từ thị trường Mỹ, nâng cao năng suất, phát triển những mặt hàng mới…

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Vinatex nhận định tổng cầu hàng dệt may 2024 dự kiến cải thiện hơn so với năm 2023, nhưng vẫn thấp hơn 5-7% so với năm 2022.

Phía CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Mã: TCM) cho biết, quý IV thường là giai đoạn chuẩn bị cho lễ hội và Tết nhưng năm nay, nhu cầu mua sắm và đơn hàng vẫn chậm so với những năm trước do tình hình kinh tế khó khăn và phục hồi chậm.

Tính đến cuối tháng 10, TCM vẫn chưa nhận đủ đơn hàng cho cuối năm. Hiện tại, công ty mới chỉ nhận khoảng 75% kế hoạch doanh thu đơn hàng cho quý IV. TCM kỳ vọng tình hình đơn hàng quý I/2024 sẽ khả quan hơn. Hiện tại, công ty đã và đang nhận nhiều đơn hàng đáp ứng cho kế hoạch doanh thu cho quý đầu tiên của năm 2024.

 Công nhân đang làm việc tại một doanh nghiệp may tại Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Anh).

Còn trong báo cáo phân tích mới đây, CTCP Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) kỳ vọng, xuất khẩu dệt may trong những tháng cuối năm 2023 và năm 2024 sẽ từng bước cải thiện nhờ một số động lực từ tăng trưởng kinh tế ở các thị trường trọng điểm, hàng tồn kho giảm.

Ngân hàng Thế giới (World Bank) dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của các thị trường trọng điểm của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng: Mỹ khoảng 1,1%; EU với 0,4%; Nhật Bản khoảng 0,8% và Trung Quốc với 5,6%.

Những tín hiệu này cho thấy sự phục hồi về thu nhập và nhu cầu của người tiêu dùng. Nỗi lo về suy thoái kinh tế nhiều khả năng sẽ giảm, hỗ trợ việc chi tiêu cho các sản phẩm dệt may. Cùng với tốc độ tăng trưởng GDP, chỉ số niềm tin người tiêu dùng tại các thị trường trọng điểm vẫn ổn định trong 10 tháng năm 2023.

Ngoài ra, tỷ lệ hàng tồn kho trên doanh thu của các thương hiệu lớn như Nike, Inditex, GAP, H&M và Puma vào cuối quý III duy trì ở mức thấp, trong khi doanh số bán hàng có dấu hiệu tăng trong bối cảnh các kỳ nghỉ lễ sắp tới. “Những tín hiệu tích cực về doanh số bán hàng có thể giúp số lượng đơn đặt hàng tăng lên trong năm 2024”, Mirae Asset dự báo.

Tuy vậy, môi trường kinh doanh năm 2024 vẫn đối mặt với những thách thức, chủ yếu đến từ những bất ổn vĩ mô. Mirae Asset cho rằng trong ngắn hạn, địa chính trị và lãi suất ở mức cao là những rủi ro chính đối với nhu cầu dệt may năm 2024.

Còn về dài hạn, việc dòng vốn FDI vào Việt Nam ngày càng tăng, các doanh nghiệp dệt may sẽ phải chịu áp lực từ chi phí lao động đi lên. Ngoài ra, hiện nay người lao động Việt dễ dàng tìm kiếm việc làm ở nước ngoài, gây áp lực cạnh tranh về chi phí nhân công trong nước.

Lâm Anh

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.