|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Biên lãi gộp nhiều doanh nghiệp cá tra giảm sâu, có công ty về đáy gần 10 năm

16:13 | 17/11/2023
Chia sẻ
Thống kê kết quả kinh doanh quý III của 5 doanh nghiệp cá tra trên sàn chứng khoán cho thấy tất cả doanh nghiệp ghi nhận cả biên lợi nhuận gộp và lợi nhuận sau thuế giảm sâu so với cùng kỳ năm 2022.

Biên lợi nhuận nhiều doanh nghiệp cá tra tiếp tục xuống sâu

Sau giai đoạn đỉnh cao trong nửa đầu 2022, xuất khẩu cá tra đã có cú trượt dốc trong nhiều tháng liên tiếp. Tính chung 9 tháng năm 2023, xuất khẩu cá tra đạt trên 1,4 tỷ USD, giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thống kê kết quả kinh doanh quý III của 5 doanh nghiệp cá tra đã niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy đều ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm sâu so với cùng kỳ năm 2022, biên lợi nhuận gộp dưới 15%.

 

CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC), doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất, đã có quý III không mấy khả quan. Công ty ghi nhận doanh thu thuần quý này đạt 2.698 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn tăng cao nên lợi nhuận gộp còn 285 tỷ đồng, giảm gần 55% so với quý III/2022. Điều này khiến biên lãi gộp giảm sâu từ 19,2% xuống còn gần 11%, mức thấp nhất kể từ quý IV/2014. 

Quý III năm nay, Vĩnh Hoàn lãi sau thuế 201 tỷ đồng, giảm 56% so với cùng kỳ, do lạm phát gia tăng, tồn kho cá tra ở các nước nhập khẩu vẫn đang ở mức cao khiến nhu cầu tiêu dùng giảm.

 

Trong hai quý đầu năm 2022,  CTCP Nam Việt (Mã: ANV) và CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (Mã: ACL) từng ghi dấu ấn khi biên lợi nhuận gộp cao nhất trong nhóm doanh nghiệp cá tra, đạt khoảng 30-35% nhờ hàng tồn kho giá thấp. Tuy nhiên, hai công ty đã không duy trì được phong độ, biên lợi nhuận gộp sa sút dần và còn lần lượt còn 7,7% và 13,4% trong quý III.

Riêng với Nam Việt, biên lãi gộp đã hồi phục lên 7,7% so với mức 4,5% trong quý II - quý ghi nhận biên lãi gộp thấp kỷ lục của công ty kể từ khi công bố báo cáo tài chính.

 

Trong quý III, Nam Việt ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.099 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2022. Lãi sau thuế giảm từ 120 tỷ đồng vào quý III/2022 xuống còn 1 tỷ đồng vào quý III năm nay, tương ứng giảm 99%. 

Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn thứ 3 của Việt Nam giải trình rằng dù chi phí tài chính, bán hàng và quản lý đều được tiết giảm so với cùng kỳ, tuy nhiên bối cảnh kinh tế khó khăn, lạm phát kéo dài khiến giá bán chưa được phục hồi, dẫn đến lợi nhuận gộp giảm sút.

Ngoài ra, trong quý III,  CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia - IDI (Mã: IDI) là doanh nghiệp cá tra có biên lợi nhuận gộp 6,3%, giảm gần 5 điểm % so với quý III/2022, mức thấp nhất trong nhóm thống kê. Trước đó, mặt bằng biên lợi nhuận gộp theo quý của doanh nghiệp này khoảng 8%, giai đoạn quý IV/2021-III/2022, điều kiện thị trường thuận lợi, chỉ số này bứt lên 11,2%-18%.

 

Kết thúc 9 tháng năm 2023, chỉ có Vĩnh Hoàn và CTCP Thủy sản Bến Tre (Mã: ABT) sắp về đích kế hoạch lợi nhuận, còn Nam Việt, IDI, Thủy sản Cửu Long An Giang mới thực hiện được lần lượt 21%, 37% và 15% kế hoạch lợi nhuận năm.

Mục tiêu xuất khẩu 1,8 tỷ USD năm 2023 trong tầm tay

10 tháng năm 2023, xuất khẩu cá tra đạt 1,5 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2022. Xét riêng theo tháng, giá trị xuất khẩu đang dần tốt lên vào giai đoạn cuối năm, tháng 9, tháng 10 liên tục tăng trưởng dương so với cùng kỳ.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) dự báo kim ngạch xuất khẩu ngành cá tra năm 2023 có thể đạt khoảng 1,8 tỷ USD. Với đà tăng trưởng như hiện nay, mục tiêu đang nằm trong tầm tay của các doanh nghiệp.

 

Trong hội nghị ngành cá tra mới đây, ông Võ Hùng Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam (VINAPA) cho biết sau khi đạt đỉnh vào năm 2022, ngành cá tra đang trong chu kỳ đi xuống, giá cá tra xuất khẩu ở mức thấp so với năm 2022, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

“Nhu cầu tiêu thụ của các thị trường có chuyển biến tích cực hơn trong giai đoạn cuối năm và mùa lễ hội, các doanh nghiệp đã có nhiều đơn đặt hàng từ tháng 9 đến nay”, ông Võ Hùng Dũng chia sẻ.

Theo Tổng Thư ký VINAPA, gần 10 năm qua, cá tra đã có sự chuyển dịch thị trường rõ rệt. Nếu năm 2015, thị trường Trung Quốc chỉ chiếm 11% thì đến năm 2022 tăng lên khoảng 29%.

Thị trường Mỹ tương đối ổn định, chiếm khoảng 20%; còn EU giảm từ 18% xuống còn 9% do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, ảnh hưởng bởi lạm phát và xung đột Nga – Ukraine.

Các hiệp hội đều cho rằng các doanh nghiệp cá tra có thể đặt “ngôi sao hy vọng” vào thị trường Trung Quốc và Mỹ.

Ngay trong tháng 10 vừa qua, doanh thu xuất khẩu của Vĩnh Hoàn sang thị trường Trung Quốc bật tăng 43% so với tháng 10/2022. Với những tín hiệu tích cực về chỉ số kinh tế, VASEP kỳ vọng xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc sẽ cải thiện nhiều hơn trong giai đoạn cuối năm 2023 và năm 2024.

Đối với thị trường Mỹ, tỷ lệ tồn kho của các nhà phân phối, bán lẻ đã giảm về mức trung bình, trong khi chỉ số niềm tin người tiêu dùng lạc quan hơn, đây là những yếu tố hỗ trợ xuất khẩu cá tra sang thị trường này, đặc biệt trong giai đoạn mùa cao điểm lễ hội.

Ông Ðỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Mỹ thông tin Bộ Nông nghiệp Mỹ đang lên kế hoạch mua lượng lớn phi lê cá da trơn đông lạnh để sử dụng trong các chương trình phân phối thực phẩm trong nước.

Một tin khác là ngày 31/8, Bộ Thương mại Mỹ đã kết luận sơ bộ đợt rà soát lần thứ 19 đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam, xác định mức thuế chống bán phá giảm mạnh so với kỳ rà soát trước đó.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng đã thanh tra về hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm đối với cá tra Việt Nam với kết quả khả quan, chỉ ghi nhận một số lỗi nhỏ không mang tính hệ thống.

Ông Đỗ Ngọc Hưng khẳng định đây là những tín hiệu tốt đối với triển vọng xuất khẩu cá tra sang Mỹ thời gian tới.

Phạm Mơ

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.