|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Xuất khẩu chưa phục hồi, doanh nghiệp thuỷ sản gặp khó trong quý III

12:37 | 12/11/2023
Chia sẻ
Một số doanh nghiệp thuỷ sản đã phải điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh năm khi thị trường xuất khẩu chưa phục hồi, sức cầu yếu.

Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), trong quý III, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 2,5 tỷ USD giảm 12% so với cùng kỳ, đây cũng là mức giảm ít nhất trong ba quý năm 2023.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 6,6 tỷ USD, giảm 23% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu cá tra đạt 1,4 tỷ USD giảm 31%, xuất khẩu tôm đạt 2,5 tỷ USD giảm 26% so với 9 tháng đầu năm 2022.

Có thể thấy, sự giảm sút trong tốc độ tiêu thụ thuỷ sản diễn ra từ cuối quý IV/2022 trong bối cảnh sức cầu yếu và thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt. Điều này được phản ánh rõ nét trong kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành.

Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ BCTC.

Doanh nghiệp cá tra vẫn khó

Tính tới nay, CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý III. Song vài ngày trước doanh nghiệp đã công bố sơ bộ doanh thu tháng 8 và 9. Tính chung quý III, doanh thu của Vĩnh Hoàn đạt 2.634 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, doanh thu đạt 7.555 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ và mới thực hiện được 66% kế hoạch cả năm.

Quý III/2023, CTCP Nam Việt (Mã: ANV) lãi sau thuế vỏn vẹn 1 tỷ đồng, giảm hơn 99% so với cùng kỳ do giá bán chưa được phục hồi. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế công ty đạt 42 tỷ đồng, giảm 93% so với cùng kỳ.

Tổng Giám đốc Nam Việt Doãn Tới từng cam kết duy trì được mức lợi nhuận của công ty trên 1.000 tỷ đồng trong nhiều năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh xuất khẩu thủy sản vẫn chưa khởi sắc, tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 diễn ra vào tháng 6, Nam Việt đã điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận năm từ 500 tỷ đồng xuống 300 tỷ đồng. Với kết quả trên, công ty mới thực hiện được 21% mục tiêu lợi nhuận sau ba quý.

 Nguồn: MH tổng hợp từ BCTC.

Tương tự, CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I (Mã: IDI) cũng gặp nhiều khó khăn trong quý III khi lãi sau thuế giảm 80% xuống 23 tỷ đồng do lượng đơn hàng giảm sútsức ép từ chi phí lãi vay.

Tính đến cuối tháng 9, tổng nợ vay của IDI khoảng 4.394 tỷ đồng, gấp 1,3 lần vốn chủ sở hữu (3.429 tỷ đồng), chiếm 52% tổng nguồn vốn. 9 tháng đầu năm, công ty đi vay thêm 5.718 tỷ đồng, trả nợ gốc vay 5.346 tỷ đồng. Số tiền lãi vay mà IDI phải trả trong ba quý khoảng 269 tỷ đồng.

Là doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hiếm hoi có doanh thu tăng trưởng trong quý vừa qua nhưng trước áp lực của giá vốn và các chi phí, lợi nhuận sau thuế của CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (Mã: ACL) giảm 5% so với cùng kỳ, xuống 5 tỷ đồng.

Trái lại, CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (Mã: ABT) lại có lợi nhuận “đi lên” dù doanh thu sụt giảm. Song, sự gia tăng của lợi nhuận không đến từ hoạt động cốt lõi là nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thuỷ sản mà đến từ doanh thu tài chính.  Bên cạnh đó, việc công ty tiết giảm đáng kể chi phí bán hàng và tài chính cũng giúp cải thiện lợi nhuận quý III.

Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ BCTC.

Hai thái cực của doanh nghiệp tôm

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III, CTCP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (Mã: MPC) ghi nhận 2.993 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 42% so với cùng kỳ. Lỗ sau thuế 26 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 332 tỷ đồng.

Theo “vua tôm” Việt Nam, kết quả kinh doanh suy yếu do doanh thu bán hàng giảm. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty nuôi tôm thương phẩm như: Công ty TNHH Nuôi trồng Thủy sản Minh Phú Lộc An, Công ty TNHH Thủy hải sản Minh Phú Kiên Giang và Công ty TNHH Sản xuất giống Thủy sản Minh Phú Ninh Thuận chưa có hiệu quả.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, ban lãnh đạo Minh Phú nhận định, kinh tế toàn cầu và Việt Nam trong năm 2023 chưa lạc quan hơn nhưng công ty đã và đang có những mục tiêu phát triển trong tương lai. Theo đó, công ty đặt chiến lược trọng tâm phấn đấu đến năm 2030 giá thành tôm nguyên liệu Việt Nam bằng với Ấn Độ và phấn đấu đến năm 2035 giá thành tôm nguyên liệu Việt Nam bằng với Ecuador.

Tổng Giám đốc Thủy sản Minh Phú Lê Văn Quang từng cho biết, giá thành tôm nguyên liệu của Việt Nam hiện cao hơn 30% so với Ấn Độ và cao hơn gấp đôi so với Ecuador khiến con tôm Việt Nam mất sự cạnh tranh so với tôm các nước.

Trái ngược với Minh Phú, CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) báo lãi quý III tăng 11% lên 89 tỷ đồng. Công ty cho biết lợi nhuận đi lên” do mảng kinh doanh tôm của công ty thành viên Khang An hoạt động có lãi 7,8 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 20,7 tỷ đồng. Đồng thời, công ty này được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.

Song, ngay sau khi công bố báo cáo tài chính chính quý III, Sao Ta cũng quyết định điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm.

Cụ thể, tổng doanh thu giảm 17% so với kế hoạch cũ, từ 5.900 tỷ đồng xuống 4.870 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế giảm 25% so với mục tiêu ban đầu, từ 400 tỷ đồng xuống 300 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận trước thuế công ty mẹ còn 278 tỷ đồng, giảm 25% so với chỉ tiêu cũ.

Một doanh nghiệp xuất tôm khác là CTCP Thủy sản Bạc Liêu (Mã: BLF) có một quý kinh doanh thuận lợi. Bên cạnh sự cải thiện về doanh thu, việc tiết giảm các chi phí  trong kỳ cũng giúp công ty tôm đến từ Bạc Liêu gia tăng lợi nhuận.

Xuất khẩu thủy sản quý IV có thể chấm dứt đà giảm

Theo dự báo của VASEP, kim ngạch xuất khẩu thủy sản quý IV có thể mang về 2,4 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm ngoái khi thị trường phục hồi. Kết quả này sẽ đưa kim ngạch xuất khẩu ngành năm 2023 lên 9 tỷ USD, thấp hơn 17% so với năm 2022.

Trong quý cuối năm, mức độ hồi phục doanh số xuất khẩu thủy sản phần nhiều phụ thuộc vào thị trường Mỹ và Trung Quốc. Hiện tại, các đơn hàng từ hai thị trường này đang tăng trở lại nhưng giá xuất khẩu vẫn ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá cá tra phile đông lạnh sang thị trường Mỹ trong 9 tháng năm nay thấp hơn 25 - 40% so với cùng kỳ. Ngoài các loài cá thịt trắng, cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ phải cạnh tranh với chính lượng hàng tồn từ năm 2022.

Các chuyên gia dự đoán ít nhất tới năm 2024, cơ hội phục hồi ở thị trường này mới khả quan hơn, khi áp lực về tồn kho không còn lớn.

Với thị trường Trung Quốc, VASEP cho biết không chỉ Việt Nam, mà nhiều nước khác cũng đang trông chờ vào sự phục hồi hậu COVID-19, đặc biệt là cao điểm cuối năm nay. Nhiều nguồn cung nhắm tới thị trường này nên giá mua của các nhà nhập khẩu Trung Quốc ở mức thấp. Tuy vậy, đây vẫn là điểm đến tiềm năng cho các nhà xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt sau khi quốc gia 1,4 tỷ dân cấm nhập khẩu hải sản từ Nhật Bản. 

Lâm Anh

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.