|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nhà thầu xây dựng dân dụng tiếp tục gặp khó, rủi ro nợ xấu từ hàng chục nghìn tỷ đồng phải thu các chủ đầu tư

11:25 | 07/11/2023
Chia sẻ
Trong bối cảnh thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn, các chủ đầu tư vẫn chưa xử lý được vấn đề pháp lý cũng như bán hàng và điều này đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các nhà thầu xây dựng.

Chia sẻ với người viết cuối tháng 9, ông Bolat Duisenov - Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng Coteccons (Mã: CTD) cho biết hiện doanh nghiệp xây dựng đang phải đối diện với khó khăn chủ yếu đến từ thiếu nguồn việc và nợ đọng kéo dài.

Bức tranh kinh doanh của các nhà thầu xây dựng dân dụng lớn như CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC), CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons chưa có sự khởi sắc trong quý III.

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất.

Quý III, doanh thu thuần của Ricons giảm 59% về 1.484 tỷ đồng và luỹ kế 9 tháng giảm 39% còn 5.305 tỷ. Ricons lãi ròng 5 tỷ quý III, giảm 84% so với cùng kỳ và lãi ròng 9 tháng giảm 9% còn 73 tỷ.

Còn doanh thu thuần của Xây dựng Hoà Bình trong quý III và 9 tháng chỉ bằng 1/2 cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận lần lượt 1.893 tỷ và 5.356 tỷ đồng. Doanh thu quý của Xây dựng Hoà Bình đã suy giảm so với cùng kỳ liên tiếp 4 quý.

Xây dựng Hoà Bình lỗ ròng quý thứ 4 liên tiếp với con số 168 tỷ quý III và nâng mức lỗ 9 tháng lên 880 tỷ. Năm nay, Xây dựng Hòa Bình đặt kế hoạch tổng doanh thu 12.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến là 125 tỷ đồng. 

Tại ĐHĐCĐ bất thường 2023 lần 2 vào ngày 17/10, Phó Chủ tịch Lê Viết Hiếu nhận định khả năng để Xây dựng Hòa Bình đạt được kế hoạch kinh doanh 2023 thật sự khó khăn khi các chủ đầu tư vẫn chưa xử lý được vấn đề pháp lý cũng như bán hàng.

  Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất.

Tia sáng của ngành đến từ Coteccons khi doanh thu thuần quý III đạt 4.124 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước và cao nhất kể từ quý I/2021. Luỹ kế 9 tháng, doanh thu của Coteccons đạt 10.868 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù doanh thu quý III và 9 tháng tăng trưởng song so với giai đoạn trước 2020 vẫn ở mức thấp.

Doanh thu tăng trong khi các chi phí tiết giảm và tăng nguồn thu tài chính giúp Coteccons có quý báo lãi cao nhất kể từ quý I/2021, đạt 67 tỷ trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 4 tỷ. Luỹ kế 9 tháng, Coteccons lãi ròng 119 tỷ, cùng kỳ lợi nhuận chưa tới 2 tỷ.

 Rủi ro nợ khó đòi từ khách hàng vẫn hiện hữu

Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của nhóm nhà thầu xây dựng nằm ở các khoản phải thu. Trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn nguội lạnh, dòng tiền của chủ đầu tư đang gặp khó thì rủi ro nợ xấu từ khách hàng với nhóm nhà thầu xây dựng vẫn hiện hữu.

Cuối quý III, khoản phải thu ngắn hạn của Xây dựng Hoà Bình có giá trị 8.857 tỷ đồng, trong đó tập đoàn đã trích lập dự phòng 2.505 tỷ đồng. Trong đó, Xây dựng Hoà Bình có 5.293 tỷ phải thu từ khách hàng, 3.659 tỷ phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng.

Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất.

Nói thêm, phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng được ghi nhận cùng lúc với doanh thu. Khoản mục này dùng để ghi nhận phần trăm công việc mà Hòa Bình đã hoàn thành và được xác minh bởi bên tư vấn thứ ba, nhưng chưa lập hóa đơn cho khách hàng.

Còn phải thu khách hàng được chuyển từ phải thu theo tiến độ hợp đồng xây dựng đã lập hóa đơn và chuyển đến khách hàng. Theo đó, khách hàng có nghĩa vụ phải thanh toán cho Hòa Bình và bất kỳ khoản thanh toán chậm nào sẽ bị phạt.

Phó Chủ tịch Lê Viết Hiếu cho biết tổng nợ tính đến ngày 17/10 bao gồm lãi chậm thanh toán còn khoảng 9.192 tỷ đồng. Các chủ đầu tư nợ nhiều nhất gồm: Novaland, Sun Group, Sunshine, Gamuda Land, Vingroup, Cocobay, Ecopark, MIKGroup, My Way Group.

Trong quý IV, công ty dự thu 2.836 tỷ đồng trong tổng số nợ nói trên và lũy kế đến Tết Nguyên đán 2023 có thể thu được 4.846 tỷ đồng.

Hiện Xây dựng Hoà Bình đang tiến hành tái cấu trúc toàn diện, tập đoàn đã ráo riết thu hồi công nợ trong thời gian qua như quy đổi công nợ ra sản phẩm bất động sản, hoán đổi nợ thành cổ phần. Đối với một số khách hàng chây ì trong việc thanh toán nợ, công ty buộc phải áp dụng các giải pháp pháp lý là đưa ra tòa.

Còn với Coteccons, cuối quý III, hơn một nửa tài sản là khoản phải thu ngắn hạn với 11.230 tỷ đồng, chủ yếu là từ khách hàng. Trong đó, doanh nghiệp đã phải trích lập dự phòng nợ xấu 1.195 tỷ.

Bà Mai Lê - Trưởng phòng Tài chính - Kế toán Coteccons chia sẻ với cổ đông: "Tuỳ theo tình hình thị trường, Coteccons có thể hoàn nhập hoặc tiếp tục trích lập nếu khách hàng khó khăn hoặc phát sinh vấn đề trong thu hồi công nợ. Các công nợ này chủ yếu đến từ các dự án đã bàn giao từ trước năm 2020.

Thị trường bất động sản vẫn chưa hết khó, các khách hàng của Coteccons vẫn đang gặp khó khăn về dòng tiền. Vì vậy, Coteccons vẫn tiếp tục trích lập dự phòng. Năm 2024, Coteccons dự kiến trích lập dự phòng khoảng 90 tỷ".

Ngoài ra, bà Mai Lê cũng chia sẻ thêm nếu chủ đầu tư có khó khăn về mảng thương mại, Coteccons sẽ ngồi lại cùng chủ đầu tư để có thể thương lượng đổi công nợ thành sản phẩm bất động sản trên cơ sở tốt về pháp lý và thanh khoản. Nếu không thể thương lượng thu hồi nợ thì Coteccons sẽ tiến hành các bước tiếp theo liên quan tới pháp lý.

 Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất.

Khi nào ngành xây dựng phục hồi?

Về triển vọng hồi phục của ngành xây dựng cũng như thị trường bất động sản, Chủ tịch Coteccons cho rằng khi niềm tin của khách hàng trở lại thì lúc đó thị trường bất động sản thương mại mới có thể sôi động trở lại.

Ông Bolat Duisenov dự báo cuối năm 2024, những kế hoạch phát triển dự án mới chính là nguồn việc của nhà thầu xây dựng sẽ được hồi phục.

“Bên cạnh đó, thị trường xây dựng trong nước cũng kỳ vọng được hưởng lợi từ làn sóng FDI đang đổ về Việt Nam, tuy nhiên, các công ty xây dựng như Coteccons cũng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh đến từ các nhà thầu ngoại khi nhiều chủ đầu tư FDI dành sự ưu tiên cho các nhà thầu đến từ quốc gia của họ.

Đối với lĩnh vực đầu tư công, việc sử dụng chính sách tài khóa để thúc đẩy giải ngân, bình ổn kinh tế là một công cụ được áp dụng trong năm 2023, các doanh nghiệp xây dựng đã phát triển ở mảng này sẽ được hưởng lợi, tuy nhiên đây là xu hướng ngắn hạn và không tác động nhiều lên toàn bộ thị trường xây dựng”, ông Bolat Duisenov chia sẻ với người viết.

  Ông Bolat Duisenov - Chủ tịch HĐQT Coteccons. (Ảnh chụp màn hình).

Khi các nhà thầu thiếu việc, nhiều doanh nghiệp lớn như Coteccons, Hoà Bình, Newtecons, Ricons đã có xu hướng đẩy mạnh sang các dự án đầu tư công, đặc biệt qua các gói thầu của Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Đây được đánh giá là một bước ngoặt, đem đến cơ hội mới cho doanh nghiệp. Song đây là một bài toán khó với doanh nghiệp thầu dân dụng cả về nguồn vốn, nhân lực, vật lực.

Chủ tịch Coteccons chia sẻ “những doanh nghiệp lấn sân sang lĩnh vực này phải đối mặt thêm nhiều thách thức hơn khi phải cạnh tranh với những công ty vốn đã hoạt động lâu năm”.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Coteccons còn cho biết: “Dự án đầu tư công thường có đơn giá lạc hậu, bất cập, nhiều nơi chỉ bằng hơn 30% giá thị trường, đơn giá định mức. Hơn nữa, các thủ tục thanh quyết toán và các bước thực hiện thủ tục đầu tư vẫn cồng kềnh nhưng chưa có cơ chế quy trách nhiệm cụ thể cho từng khu vực, từng công đoạn”.

“Mặc dù nhu cầu và dư địa phát triển kết cấu hạ tầng của Việt Nam còn rất lớn nhưng xuất hiện khá nhiều rào cản cho các doanh nghiệp xây dựng mới bước chân vào lĩnh vực này bởi cơ chế đấu thầu và vướng mắc về thủ tục hành chính”, Chủ tịch Coteccons nhận định.

Hoàng Kiều