|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp đứng thứ hai thị phần thép xây dựng lỗ 155 tỷ quý III

11:00 | 27/10/2023
Chia sẻ
VNSteel lỗ hai quý liên tiếp nâng tổng mức lỗ ròng luỹ kế 9 tháng đầu năm lên 404 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III của Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSteel - Mã: TVN) ghi nhận doanh thu thuần đạt 7.947 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước.

Kỳ này lợi nhuận gộp của doanh nghiệp đạt 176 tỷ trong khi quý III năm ngoái lỗ 271 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính giảm 74% so với cùng kỳ còn 72 tỷ. Các chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp tiết giảm không nhiều. Bên cạnh đó, tổng công ty tiếp tục lỗ 119 tỷ từ các đơn vị liên doanh và liên kết, cùng kỳ năm ngoái lỗ 293 tỷ.

Kết quả, lợi nhuận sau thuế của VNSteel âm 172 tỷ và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ âm 155 tỷ song đã giảm so với mức lỗ ròng 543 tỷ của quý III/2022.

Luỹ kế 9 tháng, VNSteel đạt 23.027 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 24% so với 9 tháng đầu 2022. VNSteel ghi nhận lỗ sau thuế 453 tỷ và lỗ ròng 404 tỷ, cùng kỳ năm ngoái lỗ ròng 425 tỷ.

  Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất.

 Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất.

VNSteel cho biết nằm trong tình hình chung, tiêu thụ thép thành phẩm các tháng trong quý III tại thị trường nội địa của hầu hết các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thép có sự cải thiện so với các tháng liền trước cũng như so với cùng kỳ.

Tuy nhiên tính chung 9 tháng tiêu thụ vẫn sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022 do nhu cầu tiêu thụ thép của thị trường thấp, ngay cả trong các thời điểm là mùa xây dựng nhưng sản lượng tiêu thụ các nhà máy đều không tăng như thông lệ. Hầu hết các nhà máy đều phải thực hiện các giải pháp tiết giảm tối đa chi phí, vận hành sản xuất luân phiên để duy trì hoạt động.

Lũy kế 9 tháng năm, tiêu thụ thép thành phẩm các loại của VNSteel đạt trên 2 triệu tấn, bằng 77% cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thép xây dựng đạt trên 1,5 triệu tấn, thép cuộn cán nguội đạt trên 345.000 tấn, tôn mạ đạt trên 201.000 tấn. VNSteel ghi nhận 10,95% thị phần ở mảng thép xây dựng 9 tháng đầu năm, xếp thứ hai sau Hoà Phát (33,27%).

 Nguồn: HK tổng hợp từ công bố thông tin của VNSteel.

Về tình hình tài chính, quy mô tài sản của VNSteel đạt 23.285 tỷ đồng cuối quý III. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản là chi phí xây dựng cơ bản dở dang (6.551 tỷ), chủ yếu nằm ở dự án cải tạo và mở rộng sản xuất của CTCP Gang Thép Thái Nguyên (Tisco) - Giai đoạn 2.  

Tisco là công ty con của VNSteel. Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu là 3.844 tỷ và đã được điều chỉnh lên 8.105 tỷ. Hiện dự án đã kéo dài hơn so với dự kiến ban đầu. VNSteel cho biết Ban lãnh đạo Tisco cùng VNSteel vẫn đang tiếp tục đàm phán với các nhà thầu và phối hợp với các cơ quan nhà nước có liên quan để tháo gỡ các khó khăn cho dự án. 

Tại ngày 30/9, tổng giá trị đầu tư của dự án đã thực hiện là 6.530 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay vốn hoá là 3.317 tỷ, chi phí phát sinh chủ yếu trong 9 tháng đầu năm nay là chi phí lãi vay vốn hoá.

Doanh nghiệp cho biết thêm, ngày 20/2/2019, Thanh tra Chính phủ thông báo kết luận thanh tra dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Tisco. Các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ vẫn đang trong quá trình thực hiện. Chi phí đầu tư của dự án có thể thay đổi sau khi các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ được thực hiện. 

Chỉ tiêu hàng tồn kho cuối kỳ là 4.264 tỷ đồng, đã trích lập dự phòng 104 tỷ và giảm 8% sau một quý.

Cuối quý III, VNSteel có tổng cộng 2.975 tỷ đồng tiền, tiền gửi ngân hàng và trong 9 tháng doanh nghiệp thu về 108 tỷ lãi tiền gửi, tiền cho vay.

Tổng dư nợ vay tại ngày 30/9 là 7.504 tỷ đồng với 5.767 tỷ vay ngắn hạn và chủ yếu từ ngân hàng. 9 tháng đầu năm, VNSteel vay tổng cộng 16.777 tỷ đồng thời trả nợ gốc vay 17.164 tỷ đồng. Chi phí lãi vay trong ba quý là 278 tỷ.

Hoàng Kiều

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.