Cục Thú y: Dịch tả heo châu Phi có nguy cơ tái phát và lây lan diện rộng
Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết 10 tháng năm 2023, cả nước đã xảy ra 481 ổ dịch tả heo châu Phi (ASF) tại 42 tỉnh, thành phố. Trong đó, dịch bệnh diễn biến phức tạp và dai dẳng tại một số tỉnh như Lạng Sơn, Cao Bằng, Đắk Lắk, Sơn La,...Tổng số heo chết, buộc tiêu hủy là 18.110 con, giảm 68% so với cùng kỳ năm 2022.
Cục Thú y nhận định nguy cơ bệnh dịch tả heo châu Phi tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao do loại virus này nguy hiểm đối với heo, có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền phức tạp.
Ngoài ra, chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn, không đảm bảo các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.
Bên cạnh đó, việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ heo bệnh, cũng như tình trạng không báo cáo theo đúng quy định còn diễn ra ở một số địa phương, doanh nghiệp và người chăn nuôi.
Một số doanh nghiệp, người dân lấy mẫu gửi các phòng thí nghiệm tư nhân, phòng thí nghiệm của doanh nghiệp để xét nghiệm bệnh, nhưng không báo cáo, thực hiện các biện pháp phòng, chống theo quy định.
Cục Thú y nhận định thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa, diễn biến phức tạp, gây bất lợi cho sức khỏe đàn vật nuôi và tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh.
Bộ NN&PTNT đã có văn bản cho phép sử dụng vắc xin ASF trên phạm vi toàn quốc từ tháng 7, nhưng số lượng sử dụng còn hạn chế do một số địa phương, chủ trang trại chưa thực sự quan tâm, còn tâm lý e ngại chưa tiêm cho đàn heo.
Về tình hình sử dụng vắc xin, Cục Thú y cho biết kể từ khi cấp phép lưu hành, tổng số vắc xin dịch tả heo châu Phi đã cung ứng, sử dụng khoảng 1,3 triệu liều.
Số lượng vắc xin cung ứng, sử dụng vắc xin diện mở rộng khoảng 375.000 liều, trong đó gồm hàng của công ty Navetco là 75.000 liều, công ty AVAC sản xuất 300.000 liều.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đã xuất khẩu 300.000 liều. Số lượng vắc xin đã sản xuất và đang bảo quản tại kho của các công ty khoảng 2 triệu liều.