|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vietcap: Dabaco dự kiến sản xuất vắc xin dịch tả heo châu Phi vào cuối quý IV, đặt mục tiêu xuất khẩu

15:30 | 18/09/2023
Chia sẻ
Vietcap cho rằng, việc thương mại hóa thành công vắc xin dịch tả heo châu Phi (ASF) có thể mang lại nguồn thu nhập lớn và ổn định cho Dabaco trong trung và dài hạn.

Trong báo cáo thăm doanh nghiệp, Chứng khoán Vietcap cho biết tháng 4/2023, CTCP Tập đoàn Dabaco (Mã: DBC) đã hoàn thành giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, trong đó tất cả heo được tiêm phòng đều có phản ứng kháng thể.

Nhà máy sản xuất vắc xin ASF của Dabaco sẽ sẵn sàng sản xuất hàng loạt vào cuối quý IV/2023 và đặt mục tiêu xuất khẩu vắc xin sang các quốc gia chăn nuôi heo lớn.

“Việc thương mại hóa thành công vắc xin ASF có thể mang lại nguồn thu nhập lớn và ổn định cho Dabaco trong cả trung và dài hạn”, Vietcap nêu quan điểm.

Thông tin từ Cục Thú y, từ tháng 5/2022 đến tháng 7/2023, tại Việt Nam có hai loại vắc xin ASF là vắc xin NAVET-ASFVAC (CTCP thuốc thú y Trung ương Navetco) và vắc xin AVAC ASF LIVE (CTCP AVAC Việt Nam) đã được đăng ký và cấp Giấy chứng nhận lưu hành.

Tính đến tháng 7, đã có hơn 650.000 liều vắc xin ASF được kiểm soát chất lượng đạt 100% và sử dụng an toàn theo hướng dẫn của nhà sản xuất tại hơn 40 tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước. Tỷ lệ heo được tiêm vắc xin có đáp ứng miễn dịch sinh kháng thể đạt trung bình trên 95%.

Ngoài cung ứng vắc xin trong nước, Việt Nam đã hỗ trợ, cử chuyên gia và phối hợp tổ chức tiêm phòng các vắc xin ASF tại các quốc gia như Cộng hòa Dominica, Philippines.

Hai loại vắc xin dịch tả heo châu Phi đã được đăng ký và cấp Giấy chứng nhận lưu hành. (Ảnh: Asian Agribiz, Alex Chu).

Tại họp báo của Bộ NN&PTNT hồi tháng 8, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y thông tin: “Dự kiến từ nay đến tháng 10, CTCP AVAC Việt Nam sẽ xuất khẩu 2 triệu liều vắc xin dịch tả heo châu Phi sang Philippines, Indonesia. Các doanh nghiệp đang phối hợp với các địa phương phủ rộng vắc xin dịch tả heo châu Phi trên toàn quốc, đồng thời tiềm năng xuất khẩu cũng rất lớn”.

Mảng 3F có thể hưởng lợi từ sự phục hồi của ngành chăn nuôi

Trở lại với Dabaco, Vietcap dự báo mảng kinh doanh 3F (thức ăn chăn nuôI - trang trại - thực phẩm) của công ty sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi của ngành chăn nuôi. Tính đến cuối tháng 8, giá heo hơi tại Việt Nam tăng 16% từ mức đáy 49.000 đồng/kg vào cuối tháng 3.

Đơn vị phân tích kỳ vọng giá heo hơi tăng trong nửa cuối năm 2023 sẽ được thúc đẩy bởi: Tổng đàn heo cả nước sụt giảm tạm thời do chi phí thức ăn cao và giá heo hơi thấp vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023 khiến nông hộ e ngại tái đàn; Tiêu thụ thịt heo tăng dần khi áp lực lạm phát suy yếu và lĩnh vực du lịch, khách sạn tiếp tục phục hồi; nh hưởng tích cực từ xu hướng tăng giá heo hơi tại thị trường Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Dabaco sẽ được hưởng lợi từ giá heo cao hơn trong nửa cuối năm 2023 do những nỗ lực gần đây của công ty nhằm mở rộng năng lực chăn nuôi. Vào quý II, Dabaco đã khánh thành trang trại lớn nhất tính đến hiện tại tại tỉnh Thanh Hóa, nâng công suất sản xuất lên 78.000 tấn/năm (tăng 30% so với cùng kỳ).

Tính đến cuối tháng 8, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính như ngô, đậu nành và lúa mì đã giảm 15% - 30% so với mức đỉnh trong quý I. Mức giảm này chủ yếu do thời tiết thuận lợi và mở rộng diện tích nuôi trồng ở các thị trường xuất khẩu lớn.

Theo Vietcap, giá nguyên liệu thô cho thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục biến động trong nửa cuối năm 2023 và trong suốt năm 2024. Xu hướng này dự kiến sẽ thúc đẩy biên lợi nhuận gộp của mảng thức ăn chăn nuôi của Dabaco. Nguyên nhân là do công ty nhập khẩu 60% nguyên liệu thô sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Lâm Anh

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).