|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá heo hơi rớt mốc 50.000 đồng/kg, nguyên nhân không phải do dịch tả heo châu Phi

07:21 | 19/10/2023
Chia sẻ
Giá heo hơi ba miền đang ở mức 48.000 – 50.000 đồng/kg, tiệm cận mức thấp nhất 9 tháng năm 2023 được ghi nhận vào tháng 3. Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho rằng dịch ASF không tác động nhiều đến giá heo do số ổ dịch đã giảm 72% so với cùng kỳ năm 2022.

Giá heo hơi rớt ở mức thấp, doanh nghiệp thua lỗ

Thông thường vào thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thịt sẽ tăng mạnh, đẩy giá bán heo lên cao. Tuy nhiên, thị trường năm nay lại diễn biến khác thường, giá heo hơi từ đầu quý IV đến nay không cải thiện, thậm chí còn giảm sâu.

Cập nhật đến ngày 18/10, giá heo hơi ba miền đang ở mức 48.000 – 50.000 đồng/kg, giảm 18-25% so với mức cao nhất vào đầu tháng 7. Mức giá này cũng đang trở lại mặt bằng giá thấp nhất trong 9 tháng năm 2023 được ghi nhận vào tháng 3.

(Số liệu tổng hợp, Biểu đồ: Hoàng Anh) 

Thời gian qua, một số tỉnh như Quảng Bình, Nghệ An, Đăk Lăk, Đồng Nai, Hà Tĩnh… ghi nhận các ổ dịch tả heo châu Phi (ASF), chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phan Quang Minh, Phó cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết 9 tháng năm 2023, cả nước xảy ra 389 ổ dịch dịch tả heo châu Phi tại 153 huyện của 41 tỉnh, thành phố, giảm 66% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng số heo mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 15.006 con, giảm 72% so với cùng kỳ năm 2022.

Hiện nay, cả nước có 92 ổ dịch ASF thuộc 46 huyện của 21 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. Số heo mắc bệnh là 3.870 con, số heo chết và tiêu hủy khoảng 4.252 con.

(Nguồn: Cục Thú y,  tổng hợp: Hoàng Anh)

Trao đổi với người viết, ông Phạm Kim Đăng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng theo số liệu của Cục Thú y, dịch ASF có bùng phát nhưng không nhiều. Tuy nhiên những thông tin này cũng tác động đến tâm lý của người chăn nuôi, giá heo giảm và người dân bán chạy dịch.

Mặt khác, Việt Nam đã có kinh nghiệm phòng, chống dịch tả ASF nên tác động của đợt dịch nhỏ này không nhiều nếu được phát hiện và xử lý kịp thời.

Ông Đăng cho rằng giá heo hơi giảm xuống mức thấp vẫn chủ yếu đến từ yếu tố kinh tế khó khăn, thu nhập của người lao động chưa phục hồi sau dịch COVID-19, tiêu thụ thực phẩm giảm sút.

Trong khi đó, nguồn cung trong nước vẫn khá dồi dào. Tính đến hết tháng 9, sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng ước đạt 3,6 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022.

Kể từ khi Việt Nam thích nghi với dịch COVID-19 trong trạng thái bình thường mới, giá heo hơi có nhiều nhịp giảm hơn nhịp tăng, mà các chu kỳ giảm thường kéo dài, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, lợi nhuận của người chăn nuôi.

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc CTCP Chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết thời gian qua giá cả sản phẩm chăn nuôi lên xuống thất thường kèm theo dịch bệnh hoành hành, hàng lậu tràn vào thị trường khiến doanh nghiệp, người nuôi thua lỗ nặng.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng nêu mấy năm nay chăn nuôi thua lỗ nghiêm trọng, doanh nghiệp không chịu nổi dẫn đến phá sản. Chăn nuôi “ăn” hết sổ đỏ của doanh nghiệp, nông dân.

Chăn nuôi là ngành đóng góp 26% GDP ngành nông nghiệp nhưng sức chống đỡ yếu ớt, điều này có thể ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, nếu tình trạng này kéo dài, Việt Nam sẽ khó thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi.

Heo lậu vào Việt Nam được ‘tẩy trắng hồ sơ’

Ngoài sức cầu yếu, dịch bệnh, ngành chăn nuôi trong nước còn phải chịu thêm áp lực đến từ hàng lậu qua biên giới.

Trong giai đoạn tháng 6 đến tháng 8, giá heo hơi trong nước bình quân khoảng 58.000 – 65.000 đồng/kg và có sự chênh lệch khá lớn với giá của các nước láng giềng. Do vậy, hoạt động vận chuyển trái phép heo từ Campuchia về Việt Nam diễn ra rất phức tạp.

Tại tỉnh Long An, các đối tượng buôn bán trái phép đã vận chuyển hàng nghìn con heo thịt bằng sà lan qua kênh Cái Cỏ tại địa bàn huyện Tân Hưng vào Việt Nam vào buổi đêm.

Ngay sau đó, những con heo này được đưa về một số trang trại chăn nuôi vùng 6 giáp biên giữa hai nước để “tẩy trắng hồ sơ” nguồn gốc xuất xứ trước khi đưa vào sâu trong nội địa tới các lò mổ, qua mặt lực lượng chức năng.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam nhận định những năm gần đây, các sản phẩm chăn nuôi đều khó tiêu thụ, phải bán dưới giá thành, trong khi nhập khẩu lại tăng lên, đặc biệt vấn đề nhập lậu. Điều này ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu nông dân.

Ông Dương cảnh báo chỉ vài năm nữa, chăn nuôi nông hộ và trang trại nhỏ lẻ có thể bị xóa sổ nếu không kiểm soát tốt vấn đề nhập lậu và dịch bệnh.

Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng ngành chăn nuôi muốn phát triển bền vững phải kiểm soát tốt vấn đề dịch bệnh, an toàn thực phẩm, môi trường, thị trường và tổ chức các chuỗi liên kết.

“Không kiểm soát tốt nhập lậu không thể kiểm soát được dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là khi đa phần bệnh dịch trong chăn nuôi ở Việt Nam xuất phát từ nước ngoài. Cùng với đó, hệ lụy của nhập lậu gia súc, gia cầm là không kiểm soát được an toàn thực phẩm, sức khỏe người tiêu dùng bị đe dọa”, ông Dương nói.

Cục Thú y dự báo từ nay đến Tết Nguyên Đán, dự báo tình hình buôn lậu gia súc, gia cầm sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp.

Cục Thú y đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ điều tra nắm bắt tình hình các đối tượng đầu nậu, các đường dây chuyên buôn bán, nhập lậu động vật, sản phẩm động vật qua biên giới.

Đồng thời đề nghị Bộ Quốc phòng kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong phạm vi địa bàn quản lý.

Hoàng Anh