|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vì sao Việt Nam vẫn chưa thể đẩy mạnh xuất khẩu thịt heo?

06:00 | 09/10/2024
Chia sẻ
Chưa có vùng an toàn dịch bệnh được Tổ chức Thú y Thế giới công nhận, chi phí nuôi heo cao là những tảng đá lớn ngáng đường xuất khẩu heo của Việt Nam.

Lượng nhập khẩu thịt heo gấp 10 lần xuất khẩu 

Mặc dù được biết là quốc gia nuôi heo lớn thứ 5 thế giới (xét về số lượng con), nhưng Việt Nam vẫn đang phải nhập siêu thịt khi hoạt động xuất khẩu còn nhiều nút thắt chưa được tháo gỡ.

Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu, trong 8 tháng đầu năm nay, lượng nhập khẩu thịt heo cao gấp 10 lần so với lượng xuất khẩu.

Cụ thể, Việt Nam đã nhập 64.240 tấn thịt heo, trị giá 144 triệu USD, các sản phẩm đa dạng từ thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh đến phụ phẩm ăn được sau giết mổ của heo…

Trong khi đó, lượng thịt heo xuất khẩu chỉ ở mức6.370 tấn, trị giá 37,4 triệu USD, giảm khoảng 7% so với cùng kỳ năm trước ở cả lượng và giá trị. Sản phẩm mà Việt Nam xuất khẩu chủ yếu thịt heo sữa nguyên con đông lạnh và thịt heo nguyên con đông lạnh.

Con số này còn khá khiêm tốn trong quy mô chăn nuôi heo của Việt Nam. Chỉ tính riêng nửa đầu năm nay, sản lượng thịt heo xuất chuồng của cả nước đạt 2,54 triệu tấn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biếtviệc xuất khẩu thịt heo của nước ta là rất khó khăn do Việt Nam vẫn chưa được Tổ chức Thú y Thế giới công nhận là nước an toàn dịch bệnh.

"Các doanh nghiệp gần như chưa thể xuất khẩu thịt heo tươi sang các thị trường trên thế giới, ngoại trừ Lào (nhờ hiệp định thương mại giữa hai nước, miễn giảm các thủ tục kiểm dịch)", ông Hoà cho hay.

 Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Ảnh: H.Mĩ)

Trong báo cáo mới đây, Cục Chăn nuôi cho biết chăn nuôi an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh chưa thực sự được triển khai đồng bộ. Dịch bệnh trên đàn heo như dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng... vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ tái bùng phát.

Trong khi đó, việc chăn nuôi an toàn sinh học chưa được chủ trang trại thực sự quan tâm để triển khai thực hiện từ trước, trong và sau quá trình chăn nuôi. Điều này đặc biệt xảy ra ở khu vực chăn nuôi nông hộ hoặc trang trại quy mô nhỏ và vừa. 

Cùng với đó ngay cả khi đã triển khai, chăn nuôi an toàn sinh học trong các cơ sở chăn nuôi heo vẫn chưa đảm bảo dẫn đến dịch bệnh xảy ra phức tạp, đặc biệt là tại các trang trại quy mô nhỏ và nông hộ. Tỷ lệ cơ sở chăn nuôi nhỏ quy mô nông hộ còn chiếm tỷ trọng cao, bố trí chuồng trại trong khu dân cư, sát với nhà ở. Do vậy, dịch bệnh truyên nhiễm nguy hiểm trên heo vẫn xảy ra khá thường xuyên và đe dọa sự bền vững của ngành chăn nuôi heo. 

Bên cạnh vấn đề an toàn dịch bệnh, chi phí nuôi heo ở Việt Nam vẫn còn cao, chủ yếu đến từ giá thành thức ăn chăn nuôi và con giống.

Theo Cục Chăn nuôi, Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu đầu vào như con giống chất lượng cao và nguyên liệu thực ăn chăn nuôi. Theo đó, hiện vẫn chưa hình thành được vùng sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước để giảm giá thành. Hằng năm, trong nước chỉ sản xuất được 35% nguyên liệu (để sản xuất khoảng 20 triệu tấn thức ăn chăn nuôi công nghiệp), còn lại 65% phải nhập khẩu. 

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Trọng, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết chi phí heo hơi trong nước cao đến mức giá thịt heo hơi của nhiều nước Nam Mỹ thậm chí thấp hơn so với thịt heo xẻ của Việt Nam (thịt heo đã qua giết mổ). Chi phí nguyên liệu thức ăn vốn đã cao do phụ thuộc vào nhập khẩu, lại phải qua nhiều đại lý và khâu trung gian, giá càng cao hơn. 

“Nếu sản xuất trong nước không chuyên nghiệp, bài bản thì thậm chí có nguy cơ mất cả thị trường nội địa chứ chưa nói đến chuyện xuất khẩu. Ngành chăn nuôi Việt Nam cần giải quyết hai vấn đề là an toàn dịch bệnh và giá thành thấp thì mới có thể xuất khẩu được”, ông Trọng cho biết.

Gỡ nút thắt về an toàn dịch bệnh và chi phí

Để giải quyết tình hình hiện tại, giới chuyên gia và cơ quan quản lý cho biết cần tận dụng thế mạnh của Việt Nam là heo sữa, song song với gỡ nút thắt về an toàn dịch bệnh và chi phí chăn nuôi. 

“Chúng ta nên khai thác được các thị trường hiện tại và tận dụng thế mạnh đang có là con heo sữa để đẩy mạnh xuất khẩu. Bởi, những người gốc Trung Quốc rất thích heo sữa quay và những thị trường này có dân số rất đông. Chúng ta có thể chọn giống heo đẻ càng nhiều càng tốt, nuôi hiệu quả trong vòng 1 - 2 tháng rồi xuất bán”, ông Hoà nói.  

Hiện tại Việt Nam chủ yếu xuất khẩu thịt heo ướp lạnh hoặc đông lạnh sang Hong Kong, Malaysia, Singapore. Trong đó, riêng thị trường Hong Kong chiếm hơn 67% tỷ trọng. 

Ông Hoà cho biết Hong Kong là nước có quy định SPS (biện pháp kiểm dịch động thực vật) về vấn đề xác định an toàn dịch, nhất là heo sữa rất minh bạch. Cụ thể, nếu xảy ra dịch bệnh ở chuồng trại nào đó, những khu vực nằm ngoài bán kính kính 100 km được xem là an toàn và đủ điều kiện xuất khẩu. Tương tự như Malaysia.

Ngoài ra, theo ông thời gian tới Việt Nam cần mạnh xuất khẩu các sản phẩm thịt heo đã chế biến, đặc biệt là những sản phẩm đã xử lý qua nhiệt hoặc kiềm để diệt các mầm bệnh như xúc xích, thịt muối…

Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi cần xây dựng các vùng an toàn sinh học để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. 

Ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y, cho biết cơ quan này hiện đang phối hợp với nhiều địa phương, cụ thể là 6 tỉnh Đông Nam Bộ để xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh.

 Ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y. (Ảnh: H.Mĩ)

Mục đích của kế hoạch này nhằm xây dựng khối liên tỉnh an toàn dịch bệnh để xuất khẩu. Cục Thú y hiện đang tập huấn cho các doanh nghiệp và người dân địa phương tham gia chuỗi này để xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh và mở rộng ra các tỉnh khác.

"Đối với các trang trại quy mô lớn, chúng tôi hướng dẫn xây dựng hồ sơ để trình xem xét, công bố cơ sở an toàn dịch bệnh trên trang web của Tổ chức Thú y Thế giới", ông Minh cho biết.

Nút thắt cuối cùng cần giải quyết là hạ chi phí nuôi.

Ông Trọng cho rằng cần thực hiện các giải pháp để tối ưu lượng tiêu tốn thức ăn trên một kg trọng lượng heo. Ngoài ra, các trang trại cần tận dụng nguyên liệu sẵn có trong nước để làm thức ăn cho heo, áp dụng chăn nuôi tuần hoàn.

Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị chăn nuôi heo bền vững diễn ra hồi tháng 8, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, thời gian tới, ngành chăn nuôi đẩy mạnh tận dụng một phần ngô đậu, đậu tương,…để làm thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là ngô sinh khối.

 Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức TiếnMĩ. (Ảnh: H.Mĩ)

“Ngô của Việt Nam chất lượng rất tốt nhưng năng suất còn hạn chế. Năng suất 6 -7 tấn/ha thấp hơn so với quốc tế là 12 tấn/ha. Diện tích những năm trước đây đạt trên 900.000 ha nhưng hiện chỉ còn 600.000 ha. Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với De Heus trồng thí điểm ngô chất lượng cao ở Tây Nguyên, nhằm cải thiện năng suất nguyên liệu này”, ông Tiến nói. 

H.Mĩ

Sự kiện chứng khoán nổi bật 2024: Thách thức mốc 1.300 điểm, khối ngoại bán ròng kỷ lục, VNDirect bị hacker quốc tế tấn công
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục tăng trưởng năm thứ hai liên tiếp (2023 - 2024). Cùng điểm lại những sự kiện đáng chú ý nhất ngành chứng khoán trong năm qua như sự kiện nhà đầu tư nước ngoài bán ròng kỷ lục, hệ thống của VNDirect bị hacker quốc tế tấn công.