Becamex hứa tăng vốn trở lại khi chứng khoán cải thiện
Thủ tướng Chính phủ mới có phiên làm việc với các lãnh đạo một số tập đoàn, tổng Công ty Nhà nước về chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng. Tổng Giám đốc Tổng công ty Becamex IDC (Mã: BCM) Phạm Ngọc Thuận trình bày 3 nội dung chính cần hành động.
Thứ nhất về chuyển đổi số, dựa trên bề dày kinh nghiệm trong phát triển hạ tầng công nghiệp, ông Thuận cho biết Becamex xác định chuyển đổi số phải đạt hai mục tiêu chính.
Tổng công ty muốn được hỗ trợ chuyển đổi mô hình phát triển công nghiệp tại các địa phương, giúp các doanh nghiệp chuyển từ thâm dụng lao động, đất đai sang thâm dụng vốn, tri thức và công nghệ.
Đồng thời xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo để gia tăng năng suất lao động, thúc đẩy tự chủ công nghệ và tạo thị trường mới.
Becamex đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo và nghiên cứu để hình thành đội ngũ kỹ sư tay nghề cao, doanh nhân công nghệ, và giúp Bình Dương chuyển mình hướng tới giá trị gia tăng cao hơn.
Hệ sinh thái mới này không chỉ thu hút nhà đầu tư thế hệ mới mà còn giữ chân nhà đầu tư hiện hữu. Điển hình, dự án Lego (với vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD) là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của tập đoàn này, hay dự án nhà máy thông minh Orion (Hàn Quốc) được Becamex triển khai 100% bằng giải pháp tự chủ.

Ông Phạm Ngọc Thuận – Tổng Giám đốc Tổng công ty Becamex IDC phát biểu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thứ hai về tăng trưởng bền vững, Becamex đã đồng hành cùng chính quyền địa phương đầu tư hạ tầng kỹ thuật, bao gồm khu công nghiệp, đô thị, giao thông và dịch vụ tại Bình Dương và nhiều tỉnh thành.
Tổng công ty đặt mục tiêu giai đoạn tiếp theo sẽ hợp tác với các đối tác quốc tế như WB, Singapore, Nhật Bản để phát triển hệ sinh thái công nghiệp sinh thái và thông minh.
Các dự án trọng điểm bao gồm khu công nghiệp tập trung công nghệ thông tin, khu khoa học công nghệ, hệ thống metro, trung chuyển hàng hóa đường sắt và hạ tầng xã hội.
"Becamex mong muốn được Chính phủ cho phép nhân rộng mô hình này từ Bình Dương ra toàn quốc", ông Thuận cho biết, đồng thời sẽ thành lập các công ty công nghệ và năng lượng bền vững.
Thứ ba là kiến nghị về tăng vốn, Thủ tướng đã cho phép Becamex giảm tỷ lệ vốn nhà nước đến năm 2025; tuy nhiên do tác động bất lợi từ thị trường tài chính toàn cầu nên phiên đấu giá công khai đã tạm hoãn.
Đại diện doanh nghiệp đề nghị Thủ tướng xem xét gia hạn thời gian giảm tỷ lệ vốn nhà nước theo Quyết định 426. Điều này sẽ giúp tận dụng thời điểm thị trường thuận lợi để huy động vốn hiệu quả, hướng tới trở thành tổng công ty có vốn hóa lớn.
"Becamex cam kết nhanh chóng triển khai lại kế hoạch tăng vốn khi điều kiện thị trường cải thiện", theo ông Thuận.
Trước đó, Hội đồng quản trị Becamex đã có quyết định tạm hoãn kế hoạch chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng, do điều kiện thị trường hiện không thuận lợi và việc trì hoãn là cần thiết để bảo vệ lợi ích cổ đông.
Thực tế, BCM bị bán tháo mạnh trong thời gian vừa qua, trong bối cảnh thị trường chung chịu ảnh hưởng bởi quyết định áp thuế đối ứng từ Mỹ. Thị giá đang rơi về vùng đáy gần một năm tại 56.500 đồng/cổ phiếu, mất hơn 30% so với vùng đỉnh một tháng trước. Giá trị vốn hóa doanh nghiệp cũng rơi mạnh về dưới 58.500 tỷ đồng.

Cổ phiếu BCM bị bán tháo giai đoạn gần đây. Đồ thị: TradingView.
Theo kế hoạch, tổng công ty dự kiến chào bán 300 triệu cổ phiếu thông qua đấu giá trên HOSE với giá khởi điểm 69.600 đồng/cổ phiếu. Doanh nghiệp có thể thu về ít nhất 20.880 tỷ đồng nếu bán toàn bộ, qua đó tăng vốn điều lệ lên 13.350 tỷ đồng.
Đây dự kiến là một trong những thương vụ chào bán công khai lớn nhất trong lịch sử thị trường vốn Việt Nam. Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương đang nắm giữ hơn 95% cổ phần, có thể giảm xuống 74% do không tham gia đấu giá.
Nguồn vốn huy động được dự kiến sẽ được Becamex IDC sử dụng hơn 8.400 tỷ đồng để đầu tư vào các khu công nghiệp như Cây Trường và Bàu Bàng mở rộng, đồng thời góp thêm vốn vào công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP). Gần 4.300 tỷ đồng còn lại sẽ được dùng để trả nợ, chủ yếu là các khoản vay ngắn hạn.
Đại diện Becamex cho biết không đơn thuần cung cấp đất công nghiệp mà xây dựng hệ sinh thái đầy đủ từ hạ tầng đến tiện ích, qua đó tạo ra giá trị gia tăng cho nhà đầu tư và duy trì mức giá cho thuê cao.
Mô hình phát triển này giúp Becamex có lợi thế so với các đối thủ chỉ cung cấp hạ tầng cơ bản, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp FDI vận hành hiệu quả và thu hút nhân lực.